Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bạc Liêu - điểm sáng về tăng trưởng kinh tế
Huy Tự - 25/02/2022 09:03
 
Vừa quyết liệt phòng, chống Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Bạc Liêu trở thành điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát quy hoạch phát triển thủy lợi vùng nuôi tôm của Bạc Liêu
Ông Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát quy hoạch phát triển thủy lợi vùng nuôi tôm của Bạc Liêu

 Tăng trưởng kinh tế dẫn đầu Vùng ĐBSCL

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu năm 2021 tăng 5,05% so cùng kỳ năm trước, đứng thứ nhất Vùng ĐBSCL. Sản lượng thủy sản tăng 8,84%; thu ngân sách địa phương đạt 103,39% dự toán đề ra; có 10/19 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành đạt và vượt trong năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 31.866,82 tỷ đồng, đạt 100,27% kế hoạch và tăng 15,7% so cùng kỳ. Tổng sản phẩm GRDP bình quân ước đạt 58,67 triệu đồng/người/năm là những kết quả khả quan.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng để kịp thời ứng phó với diễn biến của Covid-19, đồng thời, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trong chỉ đạo điều hành luôn đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán, thông suốt, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển và duy trì chuỗi sản xuất

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư; khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư; chủ đầu tư phải theo dõi sát tình hình triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời vướng mắc để xử lý, nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.

Nổi bật nhất trên lĩnh vực kinh tế là mũi nhọn thủy sản. Năm qua, do thời tiết khá thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, nên diện tích nuôi trồng thủy sản 142.910 ha đạt 102,24% kế hoạch, tăng 2,27% cùng kỳ; sản lượng thu hoạch ước 295.881 tấn (trong đó tôm 200.912 tấn, cá và thủy sản khác 94.969 tấn), đạt 99,49% kế hoạch, tăng 11,58% so cùng kỳ.

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phát triển, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hộ dân đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và 2 giai đoạn. Theo báo cáo, hiện có 23 công ty đang tham gia mô hình hiệu quả này với diện tích thả giống hơn 3.731 ha, sản lượng đạt 72.968 tấn đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm để mở ra hướng sản xuất hiệu quả bền vững.

Tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, tỉnh đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu và đang lập dự toán chuẩn bị đầu tư giai đoạn II.

Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản được đẩy mạnh, sản lượng khai thác trong năm ước 118.519 tấn, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 2,55% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác 414.400 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,84% cùng kỳ.

Đến cuối năm 2021, có 16 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, huyện Phước Long và TP. Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thị xã Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi đang trình cơ quan Trung ương thẩm định, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Gắn kết với việc phát triển xây dựng mới 30 cánh đồng lớn, các mô hình hình kinh tế hiệu quả (lúa-tôm) nhằm phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp, nâng giá trị kinh tế hiệu quả cao trên cùng một diện tích, tạo sinh kế và cải thiện thu nhập cho người dân, rất được tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển

Về hoạt động xuất khẩu, con tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính, sản lượng đạt gần 74.000 tấn, đạt 87,83% kế hoạch, bằng 98,55% so cùng kỳ; muối xuất khẩu 1.000 tấn, đạt 90,91% kế hoạch, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ. Ước cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 776,14 triệu USD, tương đương cùng kỳ 2020.

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2020. Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh đã sớm thông báo vốn xây dựng cơ bản năm 2021 đến các chủ đầu tư; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án, Tổ công tác giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và thường xuyên kiểm tra thực tế, tổ chức họp định kỳ để kịp thời giải quyết vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện từng dự án; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ liên quan đến đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chủ đầu tư triển khai thực hiện, đẩy mạnh giải ngân trong tình hình khó khăn chung của đất nước do ảnh hưởng của Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.

Đáng chú ý, Công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Bạc Liêu có sự chuyển biến mạnh, trong năm có 7 dự án điện gió, với công suất 370 MW được đưa vào hoạt động, nâng tổng số nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh lên 8 dự án, với tổng công suất 469,2 MW.

Đến nay, tỉnh đã cơ bản phủ kín quy hoạch chung đô thị, hiện đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng vùng huyện; từng bước triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại I theo hướng văn minh và từng bước hiện đại; thị xã Giá Rai trở thành thành phố vào năm 2025; thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) đạt đô thị loại IV vào năm 2025 và từng bước xây dựng huyện Hòa Bình thành thị xã. Đô thị Phó Sinh và Vĩnh Hưng vừa được công nhận là đô thị loại V. 

Đặc biệt, công tác lập Quy hoạch tỉnh đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ, hiện tư vấn đang hoàn chỉnh báo cáo đầu kỳ và triển khai dự kiến trong quý IV/2022, tỉnh Bạc Liêu sẽ trình Trung ương thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tỉnh làm cơ sở vững chắc cho phát trển bền vững đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án (trong đó 11 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 9.851,25 tỷ đồng; 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.316 USD); cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án (11 dự án trong nước, 4 dự án nước ngoài), kết hợp với việc giám sát đánh giá các dự án đầu tư, theo dõi giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án; tập trung xử lý nghiêm đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện theo tiến độ đăng ký, qua đó đã chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và thu hồi 2 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.500 tỷ đồng và diện tích 37.751,2 m2.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 320 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn là 6.500 tỷ đồng, giảm 25% số doanh nghiệp, nhưng tăng 17,7% số vốn đăng ký so cùng kỳ, lũy kế đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 2.900 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 42.818 tỷ đồng.

Triển khai nhanh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phục hồi nền kinh tế

Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức và chuyển đổi hành vi của người dân trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. Tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng của Covid-19 và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Về kinh tế nông nghiệp. Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh. Tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng được nhu cầu tôm giống phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các Công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng; xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực; nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín của Công ty TNHH Việt Úc - Bạc Liêu; xây dựng và thực hiện chuỗi sản xuất tôm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh, để xuất khẩu nguyên con sang thị trường Australia và các thị trường khác. 

Phấn đấu từng bước xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia: duy trì hoạt động ổn định 8 nhà máy điện gió; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện và hoàn thành dự án Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III và Đông Hải 2 (tổng công suất 192 MW). Tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư và ngành điện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đường dây và trạm biến áp 110 kv, 220 kv theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy điện gió; tích cực phối hợp hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW, phấn đấu khởi công vào năm 2022; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nhà ở và các công trình đầu tư phát triển lưới điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh

Ngay từ những ngày đầu năm nay, Bạc Liêu Tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong công tác chuẩn đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư; các chủ đầu tư phải theo dõi sát tình hình triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc để xử lý, tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm: Dự án đầu tư tuyến đường liên kết Vùng ĐBSCL, tuyến đường ĐT 980 Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Phó Sinh - Cạnh Đền; Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ninh Quới - Ngan Dừa (huyện Hồng Dân); Dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) đến Ba Đình (huyện Hồng Dân); Dự án đầu tư xây dựng kè chống ngập dọc theo Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu; xây dựng triển khai đề án đô thị thông minh...

Bạc Liêu ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2022
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ban hành Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư năm 2022 tỉnh Bạc Liêu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư