Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Bạc Liêu đẩy nhanh phục hồi tăng trưởng kinh tế
Huy Tự - 21/06/2022 21:38
 
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh Bạc Liêu đạt khá, tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) ước tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước (đứng thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau Hậu Giang và TP. Cần Thơ).
Tổng lãnh sự Australia đến tham quan khu nuôi tôm của Công ty Việt Úc	Ảnh: Phan Thanh Cường
Tổng lãnh sự Australia đến tham quan khu nuôi tôm của Công ty Việt Úc          Ảnh: Phan Thanh Cường

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa

Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có 91 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó 67 sản phẩm đạt 3 sao, 24 sản phẩm đạt 4 sao. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn chỉnh hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Tổ chức giới thiệu trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại tỉnh Kiên Giang.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, ước 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án, với tổng vốn đăng ký 1.161 tỷ đồng; cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 7 dự án trong nước, gần 200 doanh nghiệp được thành lập.

Hiện tỉnh đã thu hút đầu tư được 176 dự án, trong đó 160 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 50.518,75 tỷ đồng; 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,489 tỷ USD. Đặc biệt, Nhà máy Điện gió Hoà Bình 5 giai đoạn I có công suất 80 MW, tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng đã được khánh thành, đưa vào hoạt động và đây cũng là nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất trên đất liền ven biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tính đến thời điểm hiện tại.

Bạc Liêu đã thông báo vốn xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 với tổng vốn 3.268,411 tỷ đồng đến các chủ đầu tư để sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Đồng thời, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các ngành, các cấp trong tỉnh, các chủ đầu tư nghiêm túc tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công các công trình, giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2022.

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Bạc Liêu có nhiều khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển khá, sản lượng tôm tăng 11,63%. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng cao, tăng 19,76%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,49%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10,29%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,14% so với cùng kỳ…

Việc phát triển doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh, để nắm bắt các khó khăn trong quá trình hoạt động, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Ước 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh thành lập mới 15 hợp tác xã, đạt 50% kế hoạch.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố và các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối, điểm bán hàng OCOP tại nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài ra, còn quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh và liên kết với sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng...

Thông qua các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như: tôm khô Thiên Hương; tôm khô Đa Giàu; tôm, cá khô Hợp tác xã Thành Đạt; yến sào HI - NEST; muối Bạc Liêu… cùng với các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Từ đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm kênh để quảng bá sản phẩm, kết nối với khách hàng, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường trong bối cảnh bình thường mới.

Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh

Chỉ số Năng lực cạnh cấp tỉnh (PCI) của Bạc Liêu năm 2021 đã được cải thiện, tăng 8 bậc so với năm 2020, nhiều chỉ số thành phần tăng điểm như: tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Để nâng cao chỉ số PCI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo từng sở, ban, ngành, địa phương xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính các lĩnh vực, công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, huyện, trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu.

UBND tỉnh đã có Quyết định 1608 về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính theo Kế hoạch 39 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng để phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, kịp thời giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng; thực hiện đơn giản hóa các thủ tục cấp tín dụng và các thủ tục cung ứng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn và các dịch vụ của ngân hàng.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh đã chỉ đạo quán triệt đến các sở, ban, ngành và địa phương luôn tạo môi trường đầu tư thân thiện, lành mạnh, điều kiện bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận đất đai, tín dụng…; bình đẳng trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về khôi phục nền kinh tế sau đại dịch và góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, đề nghị các ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và quyết liệt giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là liên quan đến thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đồng thời tỉnh sẽ thu hồi đất với các dự án chậm triển khai.

Nhiều giải pháp đồng bộ đẩy nhanh phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế”, Bạc Liêu tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chính.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 4/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Duy trì, giữ vững và nâng chất các xã đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục xây dựng các sản phẩm OCOP và quan tâm tìm đầu ra cho các sản phẩm đã được công nhận. Đồng thời, đồng hành cùng doanh nghiệp trong xây dựng và đề xuất công nhận nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch khuyến công; hỗ trợ máy móc, thiết bị cho doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tạo mọi điều kiện để kích thích phát triển sản xuất công nghiệp.

Tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, nhất là các dự án điện gió; Dự án LNG Bạc Liêu; các dự án nguồn điện và lưới điện khác theo quy hoạch được phê duyệt; dự án điện khí hóa xanh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhà ở, khu đô thị mới… Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch của tỉnh.

Tạo điều kiện cho Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty Việt Úc hoàn thành và đưa vào hoạt động sớm. Tổ chức làm việc với 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo (Công ty Lương thực Bạc Liêu và Công ty TNHH một thành viên Lương thực Vĩnh Lộc) để có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xuất khẩu gạo, tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

Khẩn trương xây dựng và sớm đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm thực hiện thắng lợi Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước là hướng phát triển kinh tế chính, đưa Bạc Liêu trở thành nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm phát triển. Trong đó, cụ thể hóa các khu sản xuất công nghệ cao, khu sản xuất phụ trợ, hạ tầng thủy lợi, giao thông và khả năng cung cấp nguyên - nhiên liệu, điện năng... để các nhà đầu tư nắm rõ trước khi quyết định đầu tư.

Đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đường ven biển để sớm triển khai khi Trung ương phân bổ vốn. Xúc tiến khởi công một số dự án như: đường Phước Long - Ba Đình, tuyến đường ĐT 980; quan tâm, hỗ trợ triển khai thực hiện dự án 2 cống âu thuyền Hộ Phòng, Vàm Lẽo thuộc Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu sớm khởi công trong năm 2022 hoặc đầu năm 2023, kết hợp ngành chức năng và địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng nhằm bảo đảm tiến độ dự án và đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân.

Tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tư vấn đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 20/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, làm cơ sở để quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn; đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị TP. Bạc Liêu (để phát triển phía Đông và phía Tây TP. Bạc Liêu), phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa 34,9%.

Phát triển đô thị tương xứng với tiềm năng kinh tế - Bài toán nào cho Bạc Liêu?
Trong gần 2 năm nền kinh tế gặp khó bởi dịch Covid-19 thì một số địa phương thuộc khu vực ĐBSCL đã trở thành điểm sáng khi thu hút thành công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư