Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 07 năm 2024,
Bạch hầu là 1 trong số 11 bệnh truyền nhiễm buộc phải tiêm vắc-xin
D.Ngân - 14/07/2024 18:01
 
Bộ Y tế vừa có Thông tư số 10/2024/TT-BYT ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Theo thông tư này, danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc-xin và lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm 11 bệnh, trong đó có bệnh bạch hầu.

Ảnh minh họa.

Với bệnh bạch hầu, Bộ Y tế quy định vắc-xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu: Tiêm 1 lần khi trẻ đủ 2 tháng tuổi; tiêm lần 2: Ít nhất 1 tháng sau lần 1; tiêm lần 3: Ít nhất 1 tháng sau lần 2; tiêm nhắc lại khi trẻ đu 18 tháng tuổi. Còn vắc-xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu giảm liều: Tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 7 tuổi.

Theo Bộ Y tế, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1985.

Hiện nay, vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình với 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi và 1 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi.

Hiện nay, trên thế giới, hơn 100 quốc gia đã triển khai tiêm ít nhất 5 mũi vắc-xin có thành phần bạch hầu, uốn ván cho trẻ. Như vậy, Việt Nam sẽ triển khai tiêm 5 liều vắc-xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi, lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của Tổ chức WHO nhằm tạo miễn dịch lâu dài, cũng như lịch tiêm chủng của quốc gia trên thế giới, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em ở Việt Nam trong các độ tuổi quan trọng.

Cũng theo Tổ chức WHO, việc bổ sung liều vắc-xin cần dựa trên tình hình dịch tễ học cụ thể của từng quốc gia và đánh giá nguy cơ mắc bệnh.

Tại Việt Nam, trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Thực tế, ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.

Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX.

Bệnh có thời gian ủ bệnh khoảng 2-5 ngày. Trong thời gian này, người bệnh không có biểu hiện. Bệnh dễ lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bệnh.

Với các triệu chứng ban đầu như viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, đau họng..., bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, viêm dây thần kinh, suy tim, viêm kết mạc... gây tử vong sau 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới khoảng 5-10% và lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi khi mắc bệnh.

Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc-xin, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là ở nơi có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Sau khi có vắc-xin, tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống dưới 0,01/100.000 dân.

Theo chuyên gia, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong.

Tiếp theo, bạch hầu có thể gây ra các biến chứng thần kinh, chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.

Nhóm người có nguy cơ tử vong cao thường dưới 15 tuổi, trên 40 tuổi, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân đang đặt phương tiện hỗ trợ trong cơ thể, ví dụ thay van tim nhân tạo hoặc đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch.

Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vắc-xin có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định cũng như khuyến cáo của cơ quan y tế.

Trong trường hợp tiếp xúc gần thì tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

Người dân cần tiếp nhận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, không hoang mang, không tự ý tiêm chủng vắc-xin chứa thành bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu.

Trong trường hợp cần thiết, người dân liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.

Được biết, danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc-xin và lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm 11 bệnh: Viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae tuýp b (nguyên nhân gây bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, gồm: viêm phổi, viêm màng não…), sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do virus Rota.

Các vắc-xin bắt buộc nếu chưa tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm chủng đủ liều thì tiêm bù càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất.

Vắc-xin phòng 11 bệnh truyền nhiễm nêu trên có lịch tiêm cụ thể cho các trẻ từ sơ sinh đến đủ 7 tuổi. Riêng vắc-xin uốn ván còn có chỉ định tiêm cho phụ nữ mang thai (trong đó, đối với người chưa tiêm, chưa tiêm đủ 3 lần vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản, hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin cần tiêm đủ 5 mũi trước, trong thai kỳ và trong lần mang thai lần sau), theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Vắc-xin thuộc danh mục quy định này được triển khai trên toàn quốc cho trẻ em, phụ nữ có thai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Nhà nước tổ chức, tiêm chủng miễn phí đối với các vắc-xin bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là một căn bệnh nhiễm trùng cấp tính, do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư