Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Bài học chuyển đổi số nhìn từ câu chuyện của thành phố Huế
Nhung Bùi - 22/03/2023 11:57
 
Bằng cách triển khai ứng dụng Hue-S, Thừa Thiên Huế đã đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số gắn chặt với từng người dân và vì lợi ích người dân.

“Hầu như người Huế nào cũng cài Hue-S. Họ sử dụng hoàn toàn tự nguyện, thành công, liên tục. Nói đến chuyển đối số qua ứng dụng thì Hue-S là trường hợp quá thành công”, ông Kiên khẳng định tại Diễn đàn Chuyển đổi số "Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn" do Báo Đầu tư tổ chức ngày hôm qua, 21/3. 

Những năm vừa qua, chuyển đổi số được nhắc đến thường xuyên, trở thành mục tiêu quan trọng với nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xét ở mức độ cấp tỉnh, thành phố, để nói về câu chuyện thành công thì không thể bỏ qua Thừa Thiên Huế với ứng dụng Hue-S, thành tựu nổi bật trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số của vùng đất cố đô.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhìn nhận rằng, nhiều tập đoàn lớn và nhiều địa phương hiệu nay đều nói về “smart city-thành phố thông minh”, nhưng câu chuyện thành công nhất, theo quan điểm của ông, là Thừa Thiên Huế.

Hue-S là nền tảng số hóa dịch vụ hành chính công

Trước hết, Hue-S là nền tảng số hóa dịch vụ hành chính công. 100% hồ sơ của công dân, doanh nghiệp từ khâu tiếp nhận đến lúc xử lý dịch đều được thực hiện trên môi trường mạng ở cấp độ 4, cấp độ cao nhất với dịch vụ công trực tuyến.

Với tính năng Phản ánh hiện trường, Hue-S còn là đầu mối tiếp nhận phản ánh của người dân cũng như các đơn vị tham gia hệ thống. Số liệu từ trang thông tin của tỉnh cho thấy sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, số phản ánh đã được xử lý qua Hue-S chiếm hơn 97% với tỷ lệ hài lòng và chấp nhận chiếm hơn 80%. Thời gian xử lý các phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước hơn 7,7 tỷ đồng tiền in giấy tờ, văn bản.

Riêng trong công tác bảo vệ môi trường, thông qua nền tảng Hue-S, chính quyền đã tiếp nhận hơn 4.000 phản ánh vi phạm liên quan đến môi trường, đã tiến hành xử phạt số tiền gần 400.000.000 đồng, qua đó đã có góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Hue-S cũng đã phát hiện và cảnh báo hơn 1.300 trường hợp cảnh báo cháy, phát hiện hơn 60 vụ cháy rừng và 235 vụ đốt rơm rạ giúp cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Ngoài những chức năng trên, Hue-S còn là nơi phát đi các cảnh báo về thời tiết, thiên tai, bão lụt tới người dân; là ứng dụng tích hợp Hồ sơ sức khỏe điện tử do Bộ Y tế triển khai; xây dựng mô hình Học bạ điện tử; triển khai mô hình khám phá Huế 3D và bước đầu hình thành mô hình du lịch thực tế ảo tại một số điểm di tích.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay Hue-S đã có gần 800.000 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh. Hue-S cũng thu hút hơn 10 Tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp vào Hue-S; đạt 17.400.000 lượt truy cập tính riêng trong năm 2021.

Đại diện VECOM lý giải rằng, Hue-S thành công bởi ứng dụng gắn liền với văn hóa vùng miền, trở thành một phần đặc trưng cửa người Huế, phục vụ đa dạng hoạt động từ hành chính công đến chuyện đời thường như xem thời tiết, khảo giá cả,… Người Huế biến hoạt động sử dụng Hue-S thành thói quen thường ngày, với thời gian sử dụng trung bình là 35 phút/người/ ngày.

“Với Hue-S, Huế đã đưa thành phố thông minh, chính quyền thông minh đến gần với người dân. Quan điểm của tôi là làm gì thì làm, quan trọng khi chuyển đổi số qua ứng dụng, câu chuyện vẫn là tần suất sử dụng và người dân phải được hưởng lợi”, ông Kiên khẳng định.

Chuyển đổi số: Động lực tăng trưởng thông minh hơn và xanh hơn
Diễn đàn Chuyển đổi số “Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn” ngày 21/3 đã dành 1 phiên thảo luận tập trung vào nội dung chuyển đổi số giúp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư