Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Bài học đắt giá từ Dự án Rusalka, Khánh Hòa
Hà Nguyễn - 10/05/2013 06:18
 
Cuối cùng thì dự án đình đám một thời Rusalka (Khánh Hòa) cũng đã được “sang tên, đổi chủ”. Một kết thúc được cho là không thể tốt hơn cho dự án này sau 8 năm bị bỏ hoang và dùng dằng mãi không xử lý được. Đằng sau nó là một bài học đắt giá. 
TIN LIÊN QUAN
Một phần Dự án Rusalka sau khi bị bỏ hoang 8 năm. (Ảnh: Mỹ Giang)

Một cách hồ hởi, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa không giấu được niềm vui khi cuối cùng, những khúc mắc xung quanh Dự án Rusalka cũng đã được giải tỏa. “Việc trao Dự án cho một pháp nhân mới sẽ tránh được những lãng phí khối tài sản mà Rusalka đã xây dựng. Điều này cũng sẽ có tác động tích cực tới môi trường đầu tư của Khánh Hòa”, ông Thái nói.

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, tỉnh Khánh Hòa vừa cấp chứng nhận đầu tư mới cho Dự án Rusalka với tên gọi Champarama Resort & Spa. Dự án do Công ty cổ phần Trọng điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 46 ha, với tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.

“Để được đầu tư Dự án, Focus Travel Nha Trang phải cam kết kế thừa tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm về công nợ của Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest - Tur (RIT) (nhà đầu tư cũ), cũng như cam kết về tiến độ thực hiện Dự án...”, ông Thái nói và cho biết, theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành để đưa vào khai thác sau 24 tháng xây dựng.

Đối với yêu cầu ký quỹ hoặc bảo lãnh của ngân hàng, thì Focus Travel Nha Trang cũng đã có được sự bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), với số tiền bảo lãnh là 10 tỷ đồng.

“Để có được kết quả ngày hôm nay, Khánh Hòa cũng đã nỗ lực rất nhiều”, ông Thái nói.

8 năm bỏ hoang và dùng dằng xử lý

Có lẽ, không ít người trong giới đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam biết đến câu chuyện của Rusalka Khánh Hòa.

Dự án khu nghỉ dưỡng mang tên “Nàng tiên cá” này được cấp phép đầu tư vào năm 2000 và do RIT làm chủ đầu tư. Nhưng dự án đang được triển khai, thì năm 2005, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT, bị khởi tố về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Với lý do để điều tra về hành vi này, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã kê biên 43,8 ha đất cùng toàn bộ công trình, tài sản đã được đầu tư vào Rusalka (theo kết quả định giá của Bộ Tài chính vào năm 2006, giá trị tài sản đã đầu tư là 131 tỷ đồng). Đồng thời, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy phép đầu tư đối với Dự án Rusalka.

Tuy nhiên, do không đủ căn cứ, cuối cùng, ông Chi bị xét xử về tội danh “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Ngày 1/4/2010, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, tại Quyết định giám đốc thẩm số 07/2010 đã kết luận: “… Nguyễn Đức Chi không buộc phải có nghĩa vụ liên quan đến tài sản (bồi thường dân sự, tịch thu tài sản). Vì vậy, cần phải hủy quyết định của tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm về việc tiếp tục kê biên các tài sản của Nguyễn Đức Chi, vì trong phạm vi vụ án hình sự này, không có căn cứ pháp luật để tiếp tục kê biên tài sản của Nguyễn Đức Chi”.

Nhưng trả lại tài sản thế nào khi Dự án Rusalka đã bị rút giấy phép? Rất nhiều cuộc họp đã được tổ chức giữa các bên để giải quyết vấn đề này nhằm đảm bảo cho các bên liên quan có điều kiện giải quyết lợi ích hợp pháp của mình phù hợp với các quy định của pháp luật và để sớm tiếp tục đầu tư dự án, không để thiệt hại, lãng phí kéo dài. Ngày 1/10/2010, Thủ tướng Chính phủ, theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, đã đồng ý giao UBND tỉnh Khánh Hòa “xem xét, quyết định việc tiếp tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật”. Trước đó, hồi tháng 6/2010, Chính phủ đã có chỉ đạo về việc phải đồng thời tiến hành việc thanh lý, giải quyết công nợ của Dự án Rusalka, kết hợp với việc “thành lập doanh nghiệp mới, dự án mới… trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án cũ”.

Vào thời điểm đó, chính ông Nguyễn Đức Chi là người đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa thành lập mới và giao Rusalka cho Focus Travel Nha Trang. Công ty này do ông Nguyễn Đức Tấn, em trai ông Nguyễn Đức Chi, làm đại diện trước pháp luật. Sau một thời gian thảo luận với các bộ, ngành, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã thống nhất lựa chọn Focus Travel Nha Trang làm nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện Dự án Rusalka và tháng 7 năm ngoái, đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xung quanh kiến nghị này.

Tất nhiên, nhà đầu tư mới, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kế thừa và thanh toán công nợ với các tổ chức, cá nhân liên quan có quan hệ kinh tế, dân sự, lao động với Công ty RIT trước đây tại Dự án Rusalka. Điều này đã được quy định rõ ràng trong chứng nhận đầu tư mới mà Khánh Hòa vừa cấp cho Focus Travel Nha Trang,

Khúc mắc công nợ

Thực tế, công nợ là một trong những khúc mắc lớn nhất trong xử lý Dự án Rusalka. Theo quyết định giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao, thì tài sản Dự án Rusalka là của ông Nguyễn Đức Chi. Vì thế, ông Nguyễn Đức Chi là người chịu trách nhiệm xử lý tài sản, thanh lý công nợ với các tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng với Công ty RIT. Và sau này, khi có pháp nhân mới, thì Focus Travel Nha Trang chính là đơn vị phải đứng ra chịu trách nhiệm này.

Được biết, cho đến nay, ngoài việc đã thỏa thuận, thống nhất công nợ với 12 nhà thầu và tập thể nhân viên RIT và 3 công ty có tổng công nợ gốc hơn 492 triệu đồng (chủ đầu tư không liên lạc được), thì vẫn còn 4 công ty có nợ gốc hơn 56 tỷ đồng không đạt được thỏa thuận với chủ đầu tư. Lý do là nợ gốc chỉ vậy, song các công ty này lại đòi thanh toán số tiền lên tới hơn 294 tỷ đồng. Trong đó, Công ty BMC (Bộ Công thương) có số nợ gốc là 51,6 tỷ đồng, nhưng đòi thanh toán 275,5 tỷ đồng.

(Còn tiếp )

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư