Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bài toán cạnh tranh: Bán mình hay tự thân?
Anh Vũ - 15/11/2014 08:15
 
Trong bối cảnh hội nhập với sự cạnh tranh gay gắt hơn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam đang đứng trước thách thức khi phải chọn lựa việc tự đứng trên đôi chân của mình, hay bán lại toàn bộ doanh nghiệp cho đối tác ngoại.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
APEC sáp nhập với Sen Vàng: Lộ diện “thế lực” mới
Giấy Sài Gòn: Bí ẩn mối quan hệ Cao Tiến Vị- Mai Hữu Tín
Haivl 'bán mình' 33 tỷ đồng cho 24h, nhưng vẫn giữ 'linh hồn'
Digiworld mua lại chính mình để ... neo giá
HTC có “bán mình” để tồn tại?
Các hãng điện thoại lớn từng chết vì bảo thủ

Báo cáo gần đây nhất của Viện Kinh tế Việt Nam (CIEM) cho thấy, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ở Việt Nam trong năm 2012-2013 rất ảm đạm, tất cả các chỉ số như số lượng, quy mô, năng suất, đầu tư, đổi mới, … đều nằm ở mức suy giảm.

  Bài toán cạnh tranh: Bán mình hay tự thân?  
  Ông Đinh Khắc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Expertrans Toàn Cầu là CEO thử sức trong tình huống khó khăn này  

Thực tế này khiến ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đưa ra nhận định về mức độ hội nhập và áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài đang ập vào cửa, thậm chí còn thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp tốt của Việt Nam. Theo ông Cung, liệu những cam kết hội nhập có tạo cơ hội cho các SME này không, hay chỉ tạo ra cơ hội cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A)?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường M&A đang tạo ra những thương vụ đình đám trong khu vực, nhất là trong năm tới đây khi làn sóng cổ phần hóa được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài có tâm lý e ngại mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước vì cơ chế ra quyết định rất khó khăn. Do vậy, SME thuộc khối tư nhân sẽ là đối tượng các tổ chức nước ngoài tìm đến hợp tác khi muốn đầu tư vào Việt Nam.

Cơ hội đối với nhà đầu tư nước ngoài càng rộng mở hơn khi hơn 90% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là các SME. Trong khi đây đang là nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những diễn biến trên thị trường tài chính vừa qua. Đây cũng là yếu tố để Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra dự báo trong vài năm tới sẽ có khoảng hơn 30%  số doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập.  

Giới phân tích nhận định, đứng thứ hai sau ngành tài chính là ngành sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, thức ăn nhanh sẽ gia tăng các thương vụ M&A. Có 3 lý do để các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ… không ngừng săn đón cơ hội tại thị trường Việt Nam. Thứ nhất, nền tảng thị trường tiêu dùng Việt Nam rất tốt với dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng. Thứ hai, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong nước đang gặp khó khăn về vốn do lãi suất cao, khó duy trì vị thế thị trường khi thiếu vốn. Thứ ba, khi thị trường phát triển, theo quy luật đào thải, doanh nghiệp cần xây dựng giá trị cốt lõi và đầu tư con người. Thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm phát triển ngành buộc các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong nước phải tìm đến các nhà đầu tư.

Thời gian qua, ngoài những doanh nghiệp lớn rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài thì SME cũng trở nên hấp dẫn hơn. Tại một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đồ ăn nhanh ở Hà Nội, gây dựng sự nghiệp với mô hình kinh doanh và công thức ẩm thực độc đáo tại một cửa hàng khá lớn. Sau rất nhiều nỗ lực, mô doanh nghiệp đã đạt được thành công bước đầu. Thương hiệu được khẳng định. Mô hình ẩm thực của Doanh nghiệp có phong cách riêng cùng với danh sách thực đơn rất được giới trẻ yêu thích. Hai quý liên tiếp gần đây, doanh thu cửa hàng tăng 10%.

Tại thời điểm này, khi trên thị trường bắt đầu có một số mô hình tương tự mới mở ra và có nguy cơ trở thành các đối thủ cạnh tranh trong tương lai gần. Công ty bắt đầu cảm thấy lo lắng và đang tìm giải pháp trụ vững và duy trì vị thế. Lúc này có một doanh nghiệp Hàn Quốc muốn mua lại toàn bộ cửa hàng, mô hình kinh doanh, công thức ẩm thực và cùng với thương hiệu doanh nghiệp với giá 130 tỷ đồng.

Trước lời đề nghị hấp dẫn này, các cổ đông lớn của công ty cho rằng đây là cơ hội có một không hai nên phải nắm lấy. Bởi lẽ, một mặt giúp các cổ đông nhanh chóng thu hồi được vốn, vừa có lời cao. Và quan trọng nhất là công ty vẫn có một khoản tiền đủ để đầu tư và phát triển mở rộng sang các ngành nghề khác hoặc bắt tay vào xây dựng thương hiệu mới.

Trong khi đó, cổ đông sáng lập kiêm CEO công ty này lại cho rằng không nên bán vì cửa hàng đang phát triển rất tốt, thương hiệu ngày một lớn dần. “Cơ hội để đầu tư và phát triển thành một chuỗi cửa hàng đang ngay trước mắt. Nếu bán đi thì không những mất hết cơ hội mà việc bắt tay đầu tư lĩnh vực khác hoặc thương hiệu khác vào thời điểm này chưa chắc đã thành công”, vị CEO này chia sẻ.

Thế nhưng quả là một lựa chọn khó khăn cho CEO khi viễn cảnh thị trường cạnh tranh trong môi trường hội nhập ngày một khó thì ý kiến của các cổ đông cũng có lý. Và CEO cần có thêm thời gian trao đổi với các cổ đông để đưa ra lựa chọn hài lòng cho các bên. Cuộc họp đầu tiên sẽ diễn ra trong tuần này và tất cả nội dung sẽ có trên Chương trình CEO – Chìa khóa Thành công để giới đầu tư, kinh doanh được lắng nghe và có sự tham gia góp ý trực tiếp với CEO thông qua fanpage facebook của chương trình.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư