Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bài toán mở cửa kinh tế để giữ tăng trưởng và dòng vốn FDI
Thành Vân - 30/09/2021 09:11
 
Tốc độ mở cửa sẽ quyết định triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, song điều này cần phải được tính toán cẩn thận.
Việt Nam đã thu hút 22,15 tỷ USD vốn FDI trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á, Ngân hàng ANZ cho biết, Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa việc bảo vệ người dân và phát triển kinh tế. Các lệnh giãn cách xã hội có hiệu quả trong việc ngăn chặn đại dịch, nhưng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế. Nếu Chính phủ không có sự hỗ trợ hào phóng cho các doanh nghiệp và người lao động, thì tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế có thể là quá lớn.

“Mở cửa kinh tế cũng tiềm ẩn nguy cơ về bùng phát bệnh dịch, gây quá tải cho hệ thống y tế, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khi cả doanh nghiệp và người dân trở nên thận trọng. Việc giãn cách kéo dài hoặc mở cửa quá sớm đều có thể dẫn đến thiệt hại lâu dài đối với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Goh lưu ý.

Mặc dù vậy, ông Goh vẫn tin vào triển vọng thu hút FDI, khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng ngành điện tử thế giới. Đại dịch làm gián đoạn việc dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam, nhưng xu hướng dịch chuyển sẽ tiếp diễn bởi Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi như khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn và lực lượng lao động chất lượng cao.

Chuyên gia Fitch Ratings khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, các hạn chế do đợt dịch bệnh lần thứ tư có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội quý III/2021 và có thể kéo dài nếu dịch không được kiểm soát. Dưới tác động này, dự báo tăng trưởng GDP ban đầu của Fitch Ratings đối với Việt Nam ở mức 6% có thể không còn khả thi.

“Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021 vẫn là tốt nhất trong số các quốc gia ở ASEAN được Fitch Ratings xếp hạng. Một số động lực tăng trưởng của Việt Nam đã bị ảnh hưởng trong đại dịch cũng có thể được bù đắp vào các quý tiếp theo, khi hoạt động sản xuất và xã hội chuyển sang ‘bình thường mới’”, chuyên gia của Fitch Ratings nhận định.

Chuyên gia Fitch Ratings kỳ vọng, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh khi Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại đang diễn ra, cũng như việc tham gia các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP).

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đã thu hút 22,15 tỷ USD vốn FDI trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khá bất ngờ, bởi thu hút FDI 8 tháng đầu năm đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 1.212 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái; 678 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 9 tháng có 2.830 lượt, tổng vốn đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc - vốn hiểu rất rõ Việt Nam, đang tiếp tục hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Samsung dự kiến mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47%, lên 25 triệu chiếc. Trong khi đó, LG Display vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI cũng phục hồi phong độ. “Bất chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19”, ông Tim Evans nhận định.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài “hiến kế” mở cửa lại nền kinh tế
Việt Nam cần sớm mở cửa lại nền kinh tế để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư