Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bamboo Airways đặt mục tiêu là hãng hàng không Việt đầu tiên bay thẳng tới Mỹ và có lãi
Anh Minh - 01/08/2019 23:42
 
Chậm nhất là quý I/2021, Bamboo Airways sẽ khai thác chuyến bay thẳng thương mại đầu tiên từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tới Los Angeles, bang California, Mỹ.
Bamboo Airways sẽ bay tới Mỹ bằng tàu bay Boeing787 - 9.
Bamboo Airways sẽ bay tới Mỹ bằng tàu bay Boeing787 - 9.

Đây là thông tin được ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways công bố tại cuộc Tọa đàm Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh được tổ chức tại Hà Nội vào chiều nay.

Theo đó, Bamboo Airways không giấu tham vọng sẽ trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam mở đường bay thẳng tới Mỹ. Đường bay tới Mỹ được hãng hàng không mới được 1 tuổi tròn và thậm chí còn chưa khai thác bất kỳ chặng bay quốc tế thường lệ nào này lựa chọn là Tân Sơn Nhất – LosAngeles, bang California. Bamboo Airways thậm chí còn xác định đây sẽ là đường bay thẳng không có bất kỳ điểm dừng kỹ thuật nào giúp hành khách chỉ mất khoảng 15 – 17h tùy thời điểm trong năm để hoàn thành chặng bay dài hơn 12.000 km.

Được biết, California chính là bang có số lượng người Việt đang sinh sống, học tập lớn nhất Hoa Kỳ với khoảng xấp xỉ 2 triệu người. Thông tin từ ông Eric Garcetti - Thị trường thành phố Los Angeles cho biết, ngoài dung lượng hành khách bay từ Việt Nam tới Hoa Kỳ và ngược lại qua cảng hàng không quốc tế Los Angeles đang đạt dung lượng khoảng 350.000 khách/năm, sân bay này hiện là đầu mối hàng không lớn thứ 3 tại Hoa Kỳ với sản lượng hành khách năm 2018 đạt 87,6 triệu lượt khách. Từ sân bay Los Angeles, hành khách có thể nối chuyến đi tới 109 sân bay khác trên toàn Hoa Kỳ.

“Ngay từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm nay, Bamboo Airways đã nung nấu quyết tâm là người tiên phong mở đường bay thẳng tới Mỹ, nhất là từ khi Việt Nam chính thức nhân chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) từ Cục Hàng không liên bang Mỹ vào tháng 2/2019”, ông Quyết cho biết.

Lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, hãng đã khởi động chiến dịch mở đường bay thẳng tới Mỹ với lộ trình được xác định là sẽ nhận chiếc Boeing787 đầu tiên vào tháng 10/2019; hoàn thành các thủ tục đăng ký khai thác với nhà chức trách hàng không Mỹ và Hoa Kỳ vào cuối năm 2020 và bắt đầu chuyến bay thương mại đầu tiên chậm nhất là quý I/2019.

Không chỉ đặt mục tiêu là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên bay tới Mỹ, CEO Bamboo Airways còn khẳng định sẽ có lãi ngay từ năm đầu tiên với đường bay này. Đây là điều khiến nhiều quan khách và báo giới tham dự cuộc tọa đàm này phải ngạc nhiên bởi những nghiên cứu được công bố của một số hãng hàng không trong nước cho thấy họ sẽ phải chịu lỗ từ 30 – 40 triệu USD trong những năm đầu tiên mở đường bay thẳng tới Mỹ.

Tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Bamboo Airways đã đưa ra một loạt các số liệu khá cụ thể để chứng minh với các diễn giả và khách mời rằng “bay chắc chắn sẽ không lỗ".

Theo ông Quyết, nếu bay bằng tàu B787 hoặc A350, chỉ cần gom đủ 240 khách/chuyến với mức giá vé bình quân khoảng 1.300 USD/người, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí bao gồm tiền thuê tàu bay, nhiên liệu, lương, kỹ thuật, phục vụ mặt đất... Bamboo Airways có thể thu được lợi nhuận từ 8 – 10 tỷ đồng/tháng.

“Giai đoạn đầu có thể khuyến mại, nhưng khi ổn định, tin tưởng rồi, bay an toàn, đúng giờ, sự chuyên nghiệp của phi công, tiếp viên..., chúng tôi có thể nhích lên, nhưng chắc chắn vẫn thấp hơn nhiều nếu so với giá vé bay Mỹ của một số hãng hiện nay..”, ông Quyết nói.

Được biết hiện nay do yếu tố kinh tế, trên thị trường hiện chưa có hãng nào thực hiện bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ, khách chủ yếu sử dụng sản phẩm có 1 điểm dừng. Cụ thể, với các đường bay đến bờ Tây (San Francisco, Los Angeles), hãng hàng không thường trung chuyển qua các cửa ngõ: Đài Bắc (Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc). Trong khi đó, các đường bay đến New York, Boston thuộc bờ Đông nước Mỹ, hành khách có thể trung chuyển tại Nhật Bản, Hồng Kông hoặc các nước châu Âu như Pháp, Đức. Thời gian trung chuyển hành khách với 1 điểm dừng này khoảng 3-5 giờ, tổng thời gian bay khoảng 17 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25-38 giờ.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiệp hội rất hoan nghênh sáng kiến của Bamboo, nếu FLC mở ra đường bay đầu tiên đến Mỹ thì đó cũng là niềm vui của ngành du lịch. Thị trường Mỹ là thị trường mơ ước của ngành du lịch. Chúng tôi đã dẫn một đoàn sang Mỹ để xúc tiến, chúng tôi tổ chức xúc tiến ở quận Cam, tiểu bang California trong bối cảnh cảnh sát phải bao vây bảo vệ nhưng chúng tôi vẫn làm bởi niềm tin với tiềm năng ngành du lịch Việt Nam.

Chúng ta sẽ không thể mong thu hút toàn bộ khách vì mỗi hãng hàng không nhắm đến tiêu chí khác nhau. Năm gần nhất có 678 nghìn lượt bay từ Mỹ sang Việt Nam trong đó 80% là người gốc Việt, như vậy số người Mỹ không đáng kể. Đương nhiên chúng ta quý Việt kiều và khách nào cũng là khách. Vì vậy một tháng mới mở mà muốn phát triển thì chúng ta phải chọn ra loại khách vừa rồi.

Năm 2018, 93 triệu người Mỹ ra nước ngoài tiêu 287 tỷ USD – đây là mơ ước của các hãng hàng không và công ty du lịch. Trong nhóm này, đến châu Á hàng năm khoảng 10%, chủ yếu họ sang châu Mỹ, Tây Âu, Úc và một số nơi khác. Lượng khách Mỹ sang châu Á còn thấp so với kỳ vọng của chính phủ Mỹ. Rõ ràng không cân xứng với mục tiêu của chính phủ Mỹ.

Là đại diện duy nhất của cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không tham dự Tọa đàm, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mang tính thương mại thuần túy còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước.

Ông Cường cho biết thêm, để có thể khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ, ngành hàng không Việt Nam mà cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam từ nhiều năm qua đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng Mức 1 (Category 1) về Năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Mỹ (FAA) trên cơ sở FAA tổ chức đánh giá An toàn hàng không toàn cầu (IASA) đối với Cục Hàng không Việt Nam cũng như công tác chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới để có thể thực hiện chuyến bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) tới Mỹ.

Theo ông Cường, việc khai thác, mở đường bay trực tiếp đến Mỹ sẽ tạo cho hãng hàng không Việt Nam khẳng định thương hiệu tầm quốc tế, nâng vị thế cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt đóng góp rất lớn trong nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, tăng cường kết nối, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với các cường quốc và các nước trên thế giới. Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị trong ngành đều xác định sự cần thiết sớm đưa vào khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ dù biết còn rất nhiều việc cần phải làm ở phía trước.

Bamboo Airways chốt lịch khởi công Viện đào tạo Hàng không tại Quy Nhơn
Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ được khởi công vào ngày 20/7 tới, tại khu quy hoạch Trung tâm nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực thuộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư