Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bán hàng online, giao hàng nhanh tăng trưởng phi mã
Tú Ân - 16/02/2020 09:25
 
Trong đại dịch Covid-19, cơ hội đã đến với các sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, gọi đồ online… bởi nhu cầu tăng đột biến.
.
.

Bán hàng online tăng mạnh

Trong mấy tuần qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến mua bán online tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, đồ dùng y tế...

“Trong thời gian từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2020, lượng đơn hàng khách đặt mua qua sàn Vỏ sò tăng 46% so với tháng 12/2019. Trong đó, tăng mạnh nhất là các mặt hàng thiết yếu vốn trước đây ít được người tiêu dùng mua trực tuyến. Bên cạnh đó, các sản phẩm hoa quả, đặc sản vùng miền cũng đang được khách hàng đặt mua với số lượng lớn”, ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty Thương mại điện tử Viettel Post cho biết.

Cùng với các sàn thương mại điện tử, các siêu thị lớn cũng mở kênh tiếp nhận đơn đặt hàng online, qua điện thoại và giao hàng tận nhà. “Tại thời điểm này, lượng khách hàng mua trực tuyến tăng mạnh. Hiện tại, tất cả sản phẩm bán tại Co.opmart đều được đưa lên trang bán hàng trực tuyến”, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) cho hay.

Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… đã hợp tác cùng các siêu thị với nhiều khuyến mại lớn, giảm giá bán đến 20 - 30% trong suốt tháng 2/2020.

Còn GoViet cho biết, từ ngày 17/1 đến ngày 2/2, đã có gần 900.000 đơn hàng ẩm thực được đặt qua nền tảng GoFood, tăng gần 40% so với Tết năm ngoái. Riêng tuần từ ngày 2 - 9/2, đặt đồ ăn qua GoFood đạt hơn 650.000 đơn hàng, tăng hơn 50% so với thời gian sau Tết 2019.

“Xu hướng tăng đơn hàng đặt đồ ăn sau Tết cũng dễ hiểu, do thời điểm này, người dân quay trở lại nhịp sống bình thường. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ một lý do quan trọng là lo ngại dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng giảm nhu cầu đến ăn uống tại các nhà hàng. Theo khảo sát nhanh từ GoViet, lượng khách đến ăn tại các nhà hàng giảm 30 - 50% trong 2 tuần gần đây, đặc biệt các nhà hàng quán ăn gần khu vực trường học”, bà Nguyễn Vân Chi, Giám đốc truyền thông của GoViet cho hay.

Bùng nổ dịch vụ chuyển phát

Cùng với thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh đã tăng trưởng phi mã. Viettel Post cho biết, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi, dịch vụ chuyển phát vẫn tăng trưởng tốt. Sản lượng hàng hóa của Viettel Post trong tháng 1/2020 vẫn tăng 10% so với tháng 12/2019 - tháng có lượng hàng hóa vận chuyển cao nhất trong năm.

Chúng ta cũng phải cân nhắc đưa thương mại điện tử vào cuộc, đưa ra phương thức giao hàng mới. Vì dịch bệnh, chúng ta không thể đi chợ hàng ngày, tụ tập nơi đông người. Đã đến lúc, người dân chuyển sang mua đồ hộp, mua thực phẩm nấu chín bán ở siêu thị và đề nghị giao tận nhà. Vì vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi: thương mại điện tử sẽ tham gia ra sao, ai vận chuyển, ai giao hàng... ?

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương

Còn đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tới nhóm dịch vụ chuyển phát trong nước. Trong tháng 1/2020, do nhiều công ty thay đổi sang làm việc từ xa, nên nhu cầu vận chuyển giấy tờ xử lý văn bản nội bộ doanh nghiệp ngày càng tăng. Lượng hồ sơ, giấy tờ tài liệu của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân gửi qua Bưu điện Việt Nam trong tháng 1/2020 tăng khoảng 10%.

“Sau Tết Nguyên đán, sản lượng chuyển phát hàng hóa của người dân và doanh nghiệp thường giảm. Nhưng năm nay, do người tiêu dùng hạn chế đi tới các nơi đông người, nên nhu cầu chuyển phát hàng hóa tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước”, đại diện VietnamPost cho biết.

Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe công nghệ gia tăng thị phần. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, hạn chế đi lại, nên tài xế của nhiều hãng gọi xe ô tô công nghệ lâm vào tình trạng “đói khách”. Ngược lại, các tài xế của Mygo lại rất bận rộn, do đặc thù của hãng này là kết hợp chở người và chở hàng.

“Những ngày vừa qua, tại các bưu cục của Viettel trên toàn quốc, số lượng đối tác tham gia dịch vụ vận chuyển hàng tăng hơn 5.000 người, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển”, đại diện của Viettel Post cho biết.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các siêu thị, trung tâm thương mại đã chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 3 lần, bảo đảm nguồn cung hàng hóa đầy đủ. Đồng thời, sẵn sàng phối hợp với Bộ Công thương triển khai các giải pháp bán hàng trực tuyến.

Bộ Công thương cũng làm việc với các doanh nghiệp hậu cần, thương mại điện tử..., đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng từ hệ thống siêu thị tới người dân. Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tập trung nơi đông người mà Trung Quốc đang áp dụng tốt và ngành bán lẻ Việt Nam nên học tập.

Cuộc chiến thương mại điện tử và giao hàng nhanh sẽ có bước ngoặt mới ngay trong đợt dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đang tăng cường liên kết với nhà sản xuất, trung tâm thương mại, đua nhau giao hàng tốc độ nhanh để vừa ghi điểm với khách hàng, vừa tăng thị phần. Đây là cơ hội hiếm hoi để các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp vận chuyển thay đổi cuộc chơi trên thị trường.

Thị trường chuyển phát năm 2020: “Cuộc chiến” giành đơn hàng thương mại điện tử
Lĩnh vực chuyển phát năm 2020 sẽ chứng kiến cuộc giành giật đơn hàng từ bán hàng trực tuyến của hàng loạt “tân binh” nội - ngoại với sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư