Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Bán lẻ đua mở rộng mạng lưới, phát triển mô hình
Anh Hoa - 18/01/2015 10:53
 
() Cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ không chỉ quyết liệt ở đường đua mở rộng mạng lưới, mà còn diễn ra ở việc phát triển nhiều mô hình kinh doanh nhằm khai thác mọi phân khúc khách hàng khác nhau.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vingroup khai trương thêm 2 siêu thị Vinmart tại Hà Nội
Thị trường M&A Việt Nam: Nhiều thương vụ ồn ào, đình đám
Khi doanh nghiệp Việt chấp nhận thua cuộc
Vingroup không mua lại siêu thị Alphanam
Doanh nghiệp bán lẻ nội khổ vì thích phiêu lưu

Co lại để tiến sâu

Sau gần 3 năm rẽ trái vào thị trường bán lẻ với hệ thống siêu thị hiện đại Hiway Supercenter, Công ty cổ phần Hiway Việt Nam (thuộc Sơn Hà Group) gây ồn ào không kém về những tuyên bố như: mở nhanh điểm bán theo chuỗi trong một vài năm, sẽ trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam, sẽ bán cổ phần chi phối cho đối tác Nhật Bản, hay chiêu mộ những nhân sự có kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, tiêu dùng từ Big C, Metro, LotteMart, P&G…

Bán lẻ đua mở rộng mạng lưới, phát triển mô hình
Nhỏ hơn và đi sau, nhưng Sapomart tự tin sẽ vượt doanh số so với các đối thủ. Ảnh: Đức Thanh

Song mọi chuyện không thành công như toan tính của HĐQT Sơn Hà Group. Mặc dù mô hình siêu thị, trung tâm thương mại của Hiway ở Hà Đông và Ngọc Khánh (Hà Nội) mang lại doanh thu 20-30 tỷ đồng/tháng/siêu thị, vượt xa so với một số siêu thị ngoại, nhưng không đủ làm Hiway sống bền. 

Giữa năm 2014, HĐQT Sơn Hà đã phải cắt cử ông Lê Hoàng Hà, Phó chủ tịch HĐQT Sơn Hà Group sang làm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hiway Việt Nam để cơ cấu lại mảng bán lẻ của Tập đoàn. Một chiến lược mới đối với Hiway đã được đưa ra: đổi tên thương hiệu Hiway Supercenter thành Sapomart; tập trung vào mảng siêu thị thay vì phát triển trung tâm thương mại như trước, không mở địa điểm nhanh theo chuỗi.

“Ông lớn nước ngoài vào Việt Nam đều thực hiện chiến lược không bán rẻ nhất thì cũng phải phát triển chuỗi nhanh nhất và to nhất. Chúng tôi có quy mô nhỏ, đi sau, thiếu kinh nghiệm, nên cần chọn cho mình một lợi thế cạnh tranh. Hiway chỉ có lợi thế lớn nhất là sự hiểu biết về văn hóa bản địa, nên sẽ cạnh tranh bằng dịch vụ chăm sóc khách hàng, ứng xử thân thiện”, ông Hà lý giải về chiến lược mới.

Nếu như trước đó, Hiway có ý định tăng tốc mở hệ thống siêu thị theo chuỗi, thì giờ đây, ông Hà quyết định đi chậm mà chắc. Ngoài ra, Hiway không cạnh tranh bằng giá với các đối thủ trong quá trình phát triển chuỗi siêu thị Sapomart. Muốn cạnh tranh bằng giá chỉ có hai cách: có lượng hàng đủ lớn trong siêu thị để ép giá nhà cung cấp; sử dụng hàng hóa mà không kiểm soát được. Do đó, Sapomart sẽ đàm phán với nhà cung cấp để có mức giá bán theo thị trường và cạnh tranh bằng dịch vụ, thái độ chăm sóc khách hàng.

“Sapomart nhỏ và đi sau mọi đối thủ, nhưng chúng tôi tự tin khẳng định sẽ vượt doanh số so với Lottemart ở Liễu Giai và Tây Sơn, hay Metro. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi tin chắc là người tiêu dùng Việt Nam sẽ ủng hộ”, ông Hà cho biết.

Với việc chuyển Sapomart Ngọc Khánh sang Giảng Võ có diện tích mặt bằng 4.000 m2 và Sapomart Hà Đông đang hoạt động tốt, Hiway dự kiến doanh thu năm nay sẽ tăng gấp đôi so với năm 2014. Ngoài ra, Hiway đã dừng ý định bán cổ phần chi phối cho đối tác nước ngoài, vì không muốn chờ đợi.

“Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cam kết cho vay tối thiểu 70% vốn để chúng tôi mở khoảng 10 siêu thị trong vòng 2 năm tới, chúng tôi sẽ lo 30% vốn đối ứng”, ông Hà nói và cho biết, sau Tết Nguyên đán, Sapomart sẽ công bố địa điểm tiếp theo, với giá thuê chỉ 6 - 7 USD/m2/tháng (thay vì phải trả 13 - 15 USD/m2/tháng).

Lan nhanh theo chuỗi

Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam khiến cuộc đua của các nhà bán lẻ ở từng mô hình, phân khúc khách hàng trở nên sôi nổi, quyết liệt và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nếu Hiway chọn chiến lược đi chậm mà chắc, hoặc tập trung vào mảng siêu thị, thì Vingroup, với tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm phát triển bất động sản, trung tâm thương mại, đã chọn cách mở nhanh theo chuỗi.

Theo giới đầu tư, mục tiêu của Vingroup là bơm nhiều tiền để liên tục mở hệ thống chuỗi 100 siêu thị VinMart (10.000 m2), 1.000 cửa hàng tiện ích VinMart+ (dưới 1.000 m2) trong thời gian nhanh nhất có thể.

Trong khi đó, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đang làm mọi cách để giữ vững thị phần, phá vỡ thế độc quyền của khối ngoại. Sau thời gian phát triển chuyên sâu, nhanh chóng mở điểm ở mảng siêu thị, nhà bán lẻ này đang đa dạng hóa mô hình kinh doanh.

Đầu tiên, Saigon Co.op liên doanh với một số đối tác Singapore để đầu tư vào mô hình đại siêu thị Co.opXtra plus và Trung tâm thương mại SC VivoCity. Trong đó, SC VivoCity có vốn đầu tư 100 triệu USD và Saigon Co.op nắm gần 40% vốn, còn lại do Mapletree (Singapore) nắm giữ. SC VivoCity, với các thương hiệu nổi tiếng, cụm rạp chiếu phim hiện đại, khu vui chơi giải trí và ẩm thực..., chủ yếu nhằm thu hút những gia đình thu nhập khá và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Dự án này đang hoàn tất giai đoạn cuối cùng để hoạt động chính thức vào quý II/2015.

Còn ở đại siêu thị Co.opXtra plus, Saigon Co.op dự kiến sẽ phát triển khoảng 2-3 điểm mỗi năm để đạt được 20 đại siêu thị vào năm 2020. Riêng ở lĩnh vực truyền thống của SaigonCoop là chuỗi siêu thị Coopmart vẫn đang được nhân giống mạnh mẽ, với 74 siêu thị Coopmart trên cả nước. Hiện tại, chỉ còn mô hình cửa hàng tiện lợi 24/24 là Saigon Co.op chưa tham gia, nhưng khi điều kiện thị trường thích hợp, chắc chắn họ cũng không bỏ qua cơ hội.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn phát triển. Các nhà bán lẻ liên tục đa dạng hóa các mô hình bán lẻ để đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng, từ siêu thị, đại siêu thị, trung tâm phân phối sỉ đến cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm... Sự phát triển không chỉ dừng lại ở số lượng cửa hàng, mà còn ở tính chuyên nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Tuy nhiên, việc Tập đoàn Parkson (Malaysia) đóng cửa tạm thời Trung tâm thương mại Parkson Landmark 72 ở Hà Nội để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nhà đầu tư, các cổ đông mà chưa hẹn ngày trở lại cũng cho thấy mô hình nào cũng tiềm ẩn rủi ro và đáng để các nhà bán lẻ khác lưu tâm. Lợi nhuận quý đầu tiên trong năm tài chính 2015 của Parkson tại Việt Nam đã giảm 5,5% so với cùng kỳ.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Tiang Chee Sung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Parkson Hà Nội khẳng định, việc đóng cửa Parkson Landmark 72 hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả các trung tâm thương mại Parkson tại Việt Nam cũng như trong khu vực. Parkson vẫn cam kết phát triển vững chắc tại thị trường bán lẻ đầy tiềm năng như Việt Nam, với kế hoạch giới thiệu vài trung tâm thương mại mới trong tương lai.

“Hiện tại, Parkson Landmark 72 và chủ tòa nhà vẫn đang trong giai đoạn thương lượng để giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai bên. Việc đóng cửa tạm thời sẽ kéo dài cho đến khi hai bên đi đến thống nhất, khi đó Parkson Landmark 72 sẽ có quyết định chính thức về việc có tiếp tục mở cửa trung tâm này hay không”, ông Tiang Chee Sung cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư