Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bancassuarance - động lực tăng trưởng mới cho nhà bảo hiểm
 
Doanh thu từ kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2017 đang tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng kênh này.
Doanh thu qua kênh bancasurance của Bảo hiểm BIDV đạt mức tăng trưởng 61,2% trong năm 2017
Doanh thu qua kênh bancasurance của Bảo hiểm BIDV đạt mức tăng trưởng 61,2% trong năm 2017

Đột phá doanh thu bacassurance năm 2017

Chưa có số liệu thống kê chính thức về doanh thu từ kênh bancassurance năm 2017, nhưng theo tổng hợp của Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare), kênh phân phối này ước tính tăng trưởng trên 30% trong năm qua, đóng góp từ 10 - 12% tổng doanh thu phí toàn thị trường (bao gồm cả phi nhân thọ và nhân thọ). Đây là mức tăng trưởng đột phá so với các năm trước, khi doanh số từ kênh này trên thị trường chỉ ở mức một con số. 

Ghi nhận tại một số doanh nghiệp trong ngành, kết quả kinh doanh của kênh bancassurance có sự tăng ấn tượng. Cụ thể, tại Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), theo ông Trần Lục Lang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, mức tăng trưởng doanh thu của kênh phân phối qua ngân hàng đạt tới 61,2%. Trong khi đó, tỷ lệ bồi thường thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung toàn Tổng công ty.

“Đây là kết quả của việc điều chỉnh lại cơ cấu doanh thu, cơ cấu sản phẩm theo hướng thúc đẩy doanh thu từ kênh bancassurance. Điều này góp phần mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho BIC”, ông Lang cho hay.

Tại PJICO, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty cho biết, năm 2017 là năm PJICO phát triển mạnh mẽ kênh bancassurance, với hợp đồng hợp tác được ký mới với một số ngân hàng, tạo ra doanh thu lớn trong khi vẫn đạt tỷ lệ bồi thường tốt.

Cụ thể, hãng này đã hợp tác bảo hiểm toàn diện với ACB, hợp tác bảo hiểm xe ô tô và nhà tư nhân với HDBank, hợp tác bảo hiểm sinh mạng cho khách hàng vay thế chấp của VPBank, hợp tác bảo hiểm chăm sóc cho khách hàng cao cấp - Care Plus với VPBank, bảo hiểm sinh mạng cho người vay tín chấp với FE Credit…

“Đặc biệt, năm 2017, PJICO bắt đầu khai thác mảng bảo hiểm sinh mạng cho người vay tín chấp tại các công ty tài chính và ngân hàng. Hoạt động này mang về cho PJICO một lượng lớn doanh thu đối với mảng sản phẩm có tỷ lệ bồi thường tốt”, ông Hải nói và cho biết thêm, doanh thu từ kênh bancasurance trong năm qua đạt khoảng 250 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với năm 2016.

Doanh thu từ kênh bancasurance của Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) dù chỉ hoàn thành 88% kế hoạch, nhưng cũng đạt 516 tỷ đồng trong năm qua. PTI đã duy trì hợp tác toàn diện với 10 ngân hàng. Hiện PTI cho biết đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Sacombank, TPBank… và doanh thu phí bảo hiểm qua các ngân hàng này đang ngày càng tăng trưởng rõ rệt.

Nhà bảo hiểm chú trọng khai thác trong năm 2018

Theo Vinare, bancassurance là kênh phân phối tiếp tục được các doanh nghiệp chú trọng khai thác và dự kiến tăng trưởng mạnh về doanh thu trong năm 2018, dù tốc độ tăng trưởng chung toàn thị trường như dự báo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm có thể đi ngang.

BIC cho biết, trong năm 2018, Tổng công ty tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối tại ngân hàng mẹ BIDV, mục tiêu đến hết năm 2019, mọi chi nhánh của BIDV đều có ít nhất một phòng kinh doanh bảo hiểm trực tiếp phục vụ.

Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC), trong tờ trình cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tới, cũng cho biết, một trong những giải pháp kinh doanh chủ lực trong năm 2018 là đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm với ngân hàng mẹ MB.

Các doanh nghiệp bảo hiểm không có công ty mẹ là ngân hàng như PTI, PJICO, PVI, Bảo Minh… đều đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân ở mức hai con số với kênh bancassurance.

PTI còn kỳ vọng, về lâu dài, kênh bancassuarance sẽ phát triển tương đương, thậm chí vượt xa kênh phát hành qua kênh VN Post (hiện đang là kênh phân phối chính, đạt doanh thu cao và hiệu quả nhất trên toàn hệ thống PTI).

Trong bối cảnh kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng tăng trưởng mạnh, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng kỳ vọng tỷ lệ bồi thường sẽ được cải thiện đáng kể từ năm 2018. Bởi lẽ, khi bán bảo hiểm qua kênh này, doanh nghiệp bảo hiểm thuận lợi hơn trong kiểm soát thông tin khách hàng, giúp doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Chính thức chuẩn hóa kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng
Để chuẩn hóa kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa ban hành Quy chế quản lý nhân viên tổ chức tín...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư