Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chính thức chuẩn hóa kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng
 
Để chuẩn hóa kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa ban hành Quy chế quản lý nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia tư vấn/bán bảo hiểm nhân thọ.

Lần đầu có quy chế quản lý nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm

Quy chế này được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến của tất cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và được ban hành bởi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Các nguyên tắc và quy định của quy chế sẽ được đưa ra khi làm việc, đàm phán, ký kết với các đối tác ngân hàng, nhằm đảm bảo cho việc ngân hàng tuân thủ quy định tại Quy chế trong quản lý nhân viên của họ khi tư vấn/bán bảo hiểm nhân thọ cho doanh nghiệp bảo hiểm. Từ đó, hướng tới việc xử lý các vi phạm của nhân viên ngân hàng tham gia tư vấn/bán bảo hiểm.

Theo đó, nhân viên ngân hàng phải tuân thủ các chuẩn mực chung như tuân thủ mọi quy định về tài chính tiền tệ, đặt quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm lên trên quyền lợi của mình, tôn trọng quyền lợi của khách hàng, phân biệt rõ ràng tiền của khách hàng, tiền của ngân hàng, tiền của doanh nghiệp bảo hiểm với tiền của mình; giữ bí mật thông tin khách hàng và thông tin liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm…

Ngoài ra, nhân viên ngân hàng phải tuân thủ các chuẩn mực liên quan đến nghiệp vụ khi giới thiệu khách hàng, chào bán bảo hiểm, thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm, thu phí bảo hiểm, giải quyết trả tiền bảo hiểm.

Về xử lý vi phạm, ngân hàng phải xây dựng quy trình xử lý vi phạm đối với nhân viên của mình nhằm xử lý các nhân viên vi phạm các nguyên tắc hoạt động quy định tại Quy chế, đồng thời phải cập nhật danh sách nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm và danh sách nhân viên ngân hàng vi phạm, nhằm quản lý sử dụng nhân viên ngân hàng trong phạm vi toàn ngành bảo hiểm theo quy định tại Quy chế.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, một số ngân hàng cũng cho rằng, việc ban hành quy chế quản lý nhân viên ngân hàng là cần thiết (dù ngân hàng cũng đã có quy chế riêng) trong bối cảnh có tới 19/20 ngân hàng đã hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, còn hãng bảo hiểm thì hầu hết đều có hợp tác với ngân hàng. Trong khi đó, các đại lý bảo hiểm nhân thọ nói chung liên tục vi phạm khiến thị trường, doanh nghiệp, cũng như nhà quản lý không khỏi đau đầu.

Dù chưa có một công bố chính thức nào về trường hợp sai phạm của nhân viên ngân hàng khi bán/tư vấn bảo hiểm, nhưng thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, trong thời gian gần 7 tháng kể từ khi ban hành Quy chế quản lý đại lý bảo hiểm và sử dụng thông tin trên hệ thống AVICAD giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (gọi tắt là Quy chế AVICAD ban hành ngày 9/12/2015) thì trên hệ thống này đã có 650 trường hợp đại lý nói chung bị đưa vào danh sách đại lý vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Hiệp hội cũng tiếp nhận hơn 30 trường hợp đề nghị xử lý kỷ luật đại lý đã nghỉ việc của doanh nghiệp bảo hiểm, 10 trường hợp doanh nghiệp đề nghị đưa vào danh sách đại lý vi phạm do đại lý cố tình thay đổi chứng minh thư nhân dân để được chấp nhận làm đại lý bảo hiểm tại doanh nghiệp. Tất nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp các đại lý phục vụ lâu năm được khen thưởng, tôn vinh.

Trên thực tế, mặc dù làm các công việc tương tự như một đại lý cho các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng do các tổ chức tín dụng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài là một tổ chức độc lập, không nằm dưới quyền kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm, do đó, không thể bắt buộc các nhân viên ngân hàng phải tuân thủ theo quy định của bộ tiêu chuẩn đạo đức dành cho đại lý bảo hiểm nhân thọ. Đó là lý do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã ban hành một quy chế quản lý riêng dành cho nhân viên ngân hàng.

… nhưng mới khuyến khích thực hiện

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, do ngân hàng là tổ chức độc lập, nên khi nhân viên ngân hàng vi phạm quy định về tư vấn, cung cấp sản phẩm bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm không thể áp dụng hình thức kỷ luật ngay tức thì đối với nhân viên của các tổ chức này. Chưa kể, nếu lập tức áp dụng quy chế này đối với nhân viên ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gặp khó khăn trong quá trình thương thảo hợp đồng hợp tác với các đối tác.

Bởi thế, dù hiểu việc ban hành quy chế  là điều cần thiết, tốt cho các bên, nhưng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng nhất trí rằng, bước đầu các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ dừng ở mức khuyến khích các tổ chức tín dụng quản lý nhân viên của mình theo các tiêu chuẩn mà Quy chế đặt ra.

Còn trường hợp phát hiện nhân viên ngân hàng vi phạm Quy chế, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể gửi công văn thông báo cho ngân hàng đề nghị nhắc nhở hoặc cao nhất là đề nghị ngân hàng đó không được sử dụng nhân viên đó trong hoạt động bán các sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp. Sau một thời gian nhất định (khoảng 1-2 năm), khi các tổ chức tín dụng đã làm quen với các chuẩn mực áp dụng với nhân viên của ngân hàng khi tham gia phân phối sản phẩm bảo hiểm, Quy chế sẽ tiếp tục sửa đổi theo hướng áp dụng mở rộng và có tính ràng buộc cao hơn.

Bảo hiểm qua kênh ngân hàng - Bancassurance vào cuộc đua mới
Chỉ trong nửa đầu tháng 7/2016, thị trường đã chứng kiến hai thương vụ hợp tác độc quyền được chính thức ký kết và một thương vụ hợp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư