Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Báo cáo toàn cầu của KPMG: Có sự cải thiện trong việc báo cáo phát triển bền vững
Đinh Thủy - 10/11/2022 11:34
 
Khảo sát mới đây của KPMG về phát triển bền vững cho thấy, vẫn còn khoảng cách giữa việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và công bằng xã hội và các giải pháp từ phía doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách khá xa.

Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1993 và được thực hiện hai năm một lần, ấn bản năm nay đi vào phân tích về tính bền vững và các báo cáo về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) từ 5.800 công ty trên 58 quốc gia và khu vực pháp lý.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng việc báo cáo về tính bền vững đang dần được áp dụng nhiều hơn. Hầu như 250 công ty hàng đầu thế giới (được gọi là G250 trong khảo sát này) đều báo cáo về phát triển bền vững theo một hình thức nào đó, trong đó 96% các công ty này có báo cáo về các vấn đề phát triển bền vững hoặc ESG.

Trong khi đó, nhóm N100 (100 công ty hàng đầu ở mỗi quốc gia hoặc khu vực pháp lý được phân tích) tăng cường báo cáo về tính bền vững một cách đều đặn và nhất quán. Mười năm trước, có khoảng 2/3 trong số các công ty thuộc nhóm N100 cung cấp các báo cáo về tính bền vững, con số này hiện là 79%. Đáng chú ý hơn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu về việc báo cáo phát triển bền vững, với 89% các công ty thực hiện việc báo cáo này, tiếp theo là châu Âu (82%), châu Mỹ (74%), Trung Đông và châu Phi (56%).

Chủ đề khí hậu tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu

Những phát hiện mới nhất cho thấy các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang dần công nhận doanh nghiệp mình có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy việc đạt được được các mục tiêu về khí hậu, với 71% doang nghiệp N100 và 80% công ty G250 đang đặt ra mục tiêu giảm carbon. Hầu hết các công ty đều nhận ra rằng họ phải giảm lượng khí thải của chính mình để đạt được mục tiêu carbon thay vì chỉ dựa vào tín dụng carbon (carbon credits).

Theo ông John Ditty, Partner tại KPMG Việt Nam và Campuchia cho, cam kết đạt trạng thái không phát thải carbon dioxide (trung tính carbon) vào năm 2050 của Việt Nam đặt ra yêu cầu khu vực công và tư nhân cần hợp tác và hành động cùng nhau để đạt mục tiêu chung này. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thay đổi khuôn khổ pháp lí và các doanh nghiệp cần tự nguyện cam kết và hành động để hỗ trợ mục tiêu đã đề ra của Chính phủ, cùng hướng tới các giá trị bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, báo cáo cũng tiết lộ một số lĩnh vực chính cần có tiến độ thay đổi nhanh hơn. Trên thế giới, chỉ 64% các công ty G250 chính thức thừa nhận biến đổi khí hậu là một rủi ro đối với hoạt động kinh doanh và chưa đến một nửa số công ty cho rằng mất đa dạng sinh học là một nguy cơ tiềm tàng.

Báo cáo tính bền vững thông qua lăng kính ESG

Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn ESG tại KPMG Việt Nam, báo cáo năm nay cũng nêu rõ một số thách thức khác mà các công ty lớn trên thế giới đang phải đối mặt, điều này thể hiện trong báo cáo về ESG của các công ty này.

Trong số hàng nghìn báo cáo được phân tích, chưa đến một nửa số công ty lớn nhất thế giới có đề cập tới các nhân tố xã hội như sự đa dạng, hòa nhập và bình đẳng; sự gắn kết cộng đồng, bất kể sự gia tăng nhận thức về mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu và bất bình đẳng xã hội. Đồng thời, chưa đến một nửa số công ty công bố thông tin liên quan đến rủi ro về quản trị của mình. Ngoài ra, chỉ 1/3 trong số các công ty N100 có thành viên trong đội ngũ lãnh đạo chuyên chịu trách nhiệm về phát triển bền vững và chưa đến 1/4 trong số các công ty này có các chương trình tính lương thưởng cá nhân dựa trên kết quả phát triển bền vững cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo Báo cáo của KPMG, đa phần các công bố thông tin về ESG hiện đang mang tính tường thuật “kể chuyện”, thay vì công bố dữ liệu định lượng hoặc thông tin tài chính liên quan đến các tác động mà doanh nghiệp mang lại. Đây là khía cạnh các công ty trên toàn thế giới cần cải thiện.

Tại Việt Nam, Chính phủ đang phát triển các yêu cầu về công bố thông tin đối với hoạt động môi trường. Các doanh nghiệp khu vực công được yêu cầu công bố dữ liệu hoạt động xã hội và môi trường của mình.

Mặc dù, việc công bố dữ liệu định lượng liên quan tới ESG trong báo cáo phát triển bền vững của công ty vẫn là tự nguyện, đang có nhu cầu rõ rệt cho việc này. Ngoài ra, ngày càng có nhiều lời kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện những cam kết đạt trạng thái net zero và nhanh chóng tiến hành các giải pháp quan trọng hơn trong việc giảm thiểu cacbon dựa trên các cam kết gần đây của Việt Nam tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).

Đối với các công ty đã bắt đầu chiến lược khử cacbon, việc công bố và tăng cường nhận thức cộng đồng về các thành tựu phát triển bền vững của mình thông qua báo cáo là rất quan trọng. Tuy nhiên, kết quả của cuộc khảo sát cho thấy rằng, trong khi phần lớn các doanh nghiệp N100 của Việt Nam đã công bố báo cáo phát triển bền vững, báo cáo của các công ty vẫn thiếu sự đồng nhất với các khuôn khổ báo cáo ESG đã được thiết lập và áp dụng trên thế giới.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là khoảng 3/4 các công ty thực hiện báo cáo tính bền vững đã tiến hành đánh giá mức độ trọng yếu (materiality assessments) và công bố thông tin về các chủ đề quan trọng với các bên liên quan.

KPMG Việt Nam tổ chức thành công hội thảo trực tuyến về thuế và luật
KPMG Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến về thuế và luật (2021 Tax & Legal Institute).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư