Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
“Báo chí kiến tạo”: Đích đến cuối cùng là tìm ra giải pháp tháo gỡ các vấn đề xã hội
Hồ Hạ - 22/12/2022 07:04
 
Những phóng viên tử tế sẽ tạo nên một tờ báo tử tế với đích đến cuối cùng là tìm ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tồn tại và các vấn đề xã hội nói chung...

Trước sức ép từ truyền thông xã hội, một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện “đánh mất mình” bằng việc chạy đua theo những dòng tin tiêu cực, khai thác sâu những bi kịch trong xã hội, miễn là đạt được mục tiêu thu hút độc giả. 

Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý đang nói nhiều đến xu hướng “báo chí giải pháp” (solutions journalism), "báo chí truyền cảm hứng” (inspirational journalism) hay tin tức kiến tạo (constructive news).

Đó cũng là lý do ngày 21/12/2022, Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo “Báo chí kiến tạo” để các chuyên gia thảo luận, tìm giải pháp hạn chế khuynh hướng thông tin tiêu cực đang tràn lan.

Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư thông tin, mỗi tác phẩm trên Báo Đầu tư đều đưa ra gợi ý hoặc giải pháp của chuyên gia cho độc giả. (Ảnh: Hồ Hạ)

Không chạy theo view

Mở đầu phiên thứ ba của hội thảo “Báo chí Kiến tạo”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho rằng, báo chí xây dựng (hay báo chí giải pháp) là xu hướng giải quyết tình trạng “lá cải hóa”, “giật gân câu view” và định kiến tiêu cực ngày càng tăng trong báo chí hiện đại. Báo chí không chỉ là công cụ để đưa tin về thế giới xung quanh, mà còn góp phần làm thay đổi nó, theo hướng tích cực.

Chia sẻ về mô hình “báo chí kiến tạo” tại VietnamPlus, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho hay tòa soạn này đặt ra yêu cầu với phóng viên là phải tập trung vào giải pháp. Nghĩa là phóng viên có thể đi sâu “xới xáo” vấn đề, phơi bày thực trạng, nhưng cũng cho thấy có giải pháp khắc phục.

Trong quá trình thực hiện tin bài, phóng viên phải đảm bảo tính cân bằng, không cường điệu hóa, không để cảm xúc dẫn dắt, không phóng đại nỗi sợ hãi, gây hoang mang dư luận. Đặc biệt, các tuyến bài phóng sự điều tra của Báo Điện tử VietnamPlus luôn có ý kiến từ cơ quan quản lý, ngay cả đối tượng bị phản ánh cũng được lên tiếng.

“Báo chí hay nhà báo không phải là quan tòa để có thể đưa ra phán xét, do đó, chúng tôi luôn lắng nghe thông tin từ nhiều phía, kể cả từ đối tượng đang bị phản ánh. Về phương hướng giải quyết vấn đề, phóng viên sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng và các chuyên gia có liên quan”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho biết.

Chia sẻ câu chuyện làm báo như thế nào, làm báo cho ai? Làm sao để làm báo mà không cần phải giật gân hay lên gân mà vẫn sống tốt, sống khoẻ và đảm bảo phục vụ lợi ích của công chúng, của xã hội, của đất nước, nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư đặt câu hỏi: Chúng ta tự hỏi thế nào là thông tin tiêu cực, thế nào là thông tin phản ánh? Điều này còn do góc nhìn, do nhận thức của nhiều người trong xã hội. 

Chúng ta đặt ra mục đích và thường nói về những điều tử tế nhưng chỉ những người làm mới thực sự hiểu mục đích là như thế nào. Đơn cử có những bài người thì gọi là điều tra, người gọi là “đánh đấm”, thì chỉ người làm mới hiểu được động cơ của bài đó là gì. 

Do đó, bàn về câu chuyện thông tin tiêu cực hay không, nhà báo Lê Trọng Minh rất là đồng tình với những nhận định của nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật trước đó rằng, phản ánh vấn đề tiêu cực vì mục tiêu tích cực chính là mục đích tốt đẹp của báo chí. 

“Bởi vì nếu không có phản ánh những vụ việc tiêu cực của báo chí thì câu chuyện này, câu chuyện kia cũng không ai biết, và cũng chẳng ai xử. Có rất nhiều vấn đề ban đầu được đánh giá là thông tin tiêu cực về sau các cơ quan chức năng lại từ đó tìm ra và giải quyết”, nhà báo Lê Trọng Minh phân tích.

Mặt khác, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, cách nhìn, quan điểm của cơ quan báo chí và công chúng cũng có những cách nhìn nhận khác nhau. Họ luôn có cảm giác rằng họ đúng và muốn chứng minh là mình đúng dẫn đến những câu chuyện tranh luận không bao giờ có hồi kết. 

Vậy thì, để giải quyết những câu chuyện như vậy, Báo Đầu tư có một hệ thống quan điểm phương pháp luận rất giống với Báo VietNamPlus.

Trước hết, tòa soạn không bao giờ đặt vấn đề view phải là bao nhiêu, cao hay thấp mà điều quan trọng nhất là các bài viết ấy đạt được những mục tiêu của bài viết và kết quả của nó giải quyết được vấn đề gì…

Thứ hai là trong quá trình xử lý các thông tin như vậy thì nguyên tắc là phóng viên phải biết kiểm soát cảm xúc vì bản thân người làm báo cũng là con người của xã hội, cũng dễ có cảm xúc thái quá, thậm chí là hả hê với một vấn đề nào đó, nhất là với một số vụ bắt bớ. 

Thứ ba là nguyên tắc khi tác nghiệp, không ai và không nơi nào có quyền đặt trên người khác theo kiểu tôi làm báo thì tôi có quyền yêu cầu, quyền được đáp ứng cái này, cái kia. 

“Sự ảo tưởng về quyền lực đó hết sức nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp”, nhà báo Lê Trọng Minh nhấn mạnh và phân tích, ngay cả các bị báo còn có quyền tự bào chữa cho họ. Vậy thì với tất cả những đối tượng chúng ta viết tạm gọi là không tích cực thì người ta cũng có quyền để giải thích, thuyết minh về những hành động của họ. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ xem và phải đối chiếu, kiểm chứng các thông tin để thấy rằng những điều đó là đúng, là có lý hay không. Từ đó tạo ra được những thông tin mang tính chất đàng hoàng và đa chiều. Và ngay cả những người bị viết được cho là không tích cực cho lắm, họ cũng cho rằng người viết là một phóng viên tử tế. 

Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định: “Khi có những phóng viên tử tế sẽ tạo nên một tòa soạn tử tế, một tờ báo tử tế. Và chúng ta hoàn toàn có thể sống được với sự tử tế đó”. 

Nguyên tắc thứ tư được nhà báo Lê Trọng Minh đề cập là ứng xử thể hiện mình là người đàng hoàng mỗi khi xảy ra tranh chấp. 

Quang cảnh Hội thảo

Thông tin đa chiều, vì lợi ích chung

“Tôi không dám nói là cách làm, quan điểm của Báo Đầu tư là đúng hay sai, nhưng ít nhất thì 31 năm qua, chúng tôi vẫn luôn phát triển một cách ổn định. Và trong suốt quá trình đó, tất nhiên cũng có những khách hàng bị phá sản và ra đi, nhưng cũng có những đối tác mới và đặc biệt là những đối tác đồng hành, trân trọng, cùng chúng tôi đi qua hết những giai đoạn khó khăn như đại dịch Covid-19 hay khủng hoảng kinh tế năm 2008… Thế nên, chưa bao giờ Báo Đầu tư lâm vào khoảng trống hay khủng hoảng mất độc giả”, Tổng Biên tập Báo Đầu tư chia sẻ.

Trả lời câu hỏi khi thị trường chứng khoán dao động, Báo Đầu tư đã phản ứng với hiện trạng này như thế nào? Nhà báo Lê Trọng Minh cho biết, Báo Đầu tư có nhiều ấn phẩm. Báo Đầu tư nói chung cũng phản ánh câu chuyện của thị trường tài chính nói chung nhưng trong đó có một ấn phẩm riêng biệt về thị trường chứng khoán, đó là tờ Đầu tư Chứng khoán. 

Đối với những biến động vừa qua của thị trường chứng khoán, thị trường vốn, trong đó có cả chứng khoán và trái phiếu là một cú sốc chưa từng có tiền lệ, tương tự như đại dịch Covid-19. 

“Khi phản ánh câu chuyện về trái phiếu, làm sao phản ánh đúng được chủ trương, định hướng về việc điều chỉnh, uốn nắn lại thị trường cho lành mạnh và đúng. Nhưng bên cạnh đó cũng phải bảo vệ được lợi ích của các trái chủ. Bởi vì chúng ta thiên về khía cạnh chỉnh đốn, thậm chí là đập đi xây lại thị trường chứng khoán, mà quên mất hàng triệu nhà đầu tư ngoài kia, quyền lợi của họ sẽ phải được đáp ứng ra sao thì không được và ngược lại”, nhà báo Lê Trọng Minh nói.

Do đó, Báo Đầu tư phản ánh cả hai chiều đó và thực hiện những chuỗi talkshow với chuyên gia, doanh nghiệp tại studio của Báo. Việc đó đã đem lại những hiệu ứng, phản hồi rất tích cực từ thị trường, từ công chúng. Những thông tin đưa ra được cho là rất cân bằng và gợi ý những giải pháp. “Mỗi tác phẩm của chúng tôi đều đưa ra gợi ý hoặc giải pháp của các chuyên gia cho độc giả”, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh.

Nhà báo Lê Trọng Minh cho biết, không riêng gì thị trường tài chính, hiện nay, thị trường bất động sản cũng đang chịu những biến động hết sức mạnh mẽ và Báo Đầu tư cũng đang làm việc theo cách tương tự như vậy. Các tuyến bài của Báo Đầu tư đều có điểm đến cuối cùng là làm sao tìm được những giải pháp để hỗ trợ cho các thị trường trở lại ổn định, hoạt động một cách lành mạnh, đàng hoàng. 

Liên quan đến phát biểu của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI trước đó về việc Báo Đầu tư luôn là một tờ báo rất miệt mài đấu tranh cho môi trường đầu tư, kinh doanh, dù không có lợi nhuận gì từ đó; nhà báo Lê Trọng Minh muốn khẳng định rằng, tất cả những điều Báo Đầu tư làm đã và đang mang lại lợi ích rất thiết thực. 

Theo ông, những câu chuyện đấu tranh về môi trường đầu tư kinh doanh đó có thể không gắn liền với doanh nghiệp nào cụ thể nhưng nhờ thế, tất cả các doanh nghiệp đều nhìn nhận Báo Đầu tư như một người bạn thực sự của mình, đấu tranh vì lợi ích chính đáng của mình. Vì thế, khi thị trường hoạt động trở lại bình thường, chúng tôi không lo gì doanh nghiệp không nghĩ tốt về Báo Đầu tư, không đồng hành cùng Báo Đầu tư. Đó cũng chính là cái gốc của làm kinh tế báo chí. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư