Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bảo đảm đủ gạo cho thị trường nội địa, điều tiết xuất khẩu hiệu quả
Hải Yến - 15/08/2023 14:45
 
Bộ Công thương chỉ đạo đảm bảo cung cầu gạo tại thị trường nội địa, duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định, chủ động điều tiết hoạt động xuất khẩu hiệu quả.
Chỉ thị mới của bộ Công Thương nhằm giúp công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Bộ Công thương chỉ đạo đảm bảo cung cầu gạo tại thị trường nội địa, chủ động điều tiết hoạt động xuất khẩu hiệu quả.

Chỉ thị về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước vừa được Bộ Công thương ban hành sáng 15/8.

Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực...đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thực hiện loạt nhiệm vụ và giải pháp.

Cục Phòng vệ thương mại cần cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và trợ giúp thương nhân xuất khẩu gạo trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Trong đó, Cục Xuất nhập khẩu khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trình Chính phủ trong Quý III/2023.

Theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; phối hợp theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới, thông tin đến các  thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.

Đôn đốc Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; dự trữ lưu thông theo quy định, đảm bảo an ninh lương thực.

Đối với các thương nhân xuất khẩu gạo, phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

"Chủ động theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới, động thái của các nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập khẩu, trao đổi cùng Hiệp hội để xây dựng phương án tổ chức sản xuất, giao dịch, đàm phán đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.

Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi sát  giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, định giá gạo bất hợp lý.

Các vụ, gồm: Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi sát thông tin về tình hình thị trường, động thái cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu khẩu gạo của nước sở tại, chủ động điều tiết, điều hành, hỗ trợ cần thiết.

Riêng đối với các thị trường sản xuất, xuất khẩu gạo (như: thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Campuchia, Mỹ,…), Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại tăng cường chủ động cập nhật tình hình mùa vụ sản xuất, giá gạo tiêu thụ tại thị trường sở tại, tình hình xuất khẩu và các động thái chính sách liên quan đến bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu nhiều biến động.

Theo dõi tình hình thực hiện và kịp thời xúc tiến đàm phán gia hạn các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo đã ký; tăng cường tìm kiếm cơ hội ký kết thỏa thuận về thương mại gạo với các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

Chủ trì theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối được chỉ định thực hiện Bản Ghi nhớ thương mại gạo và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo khác tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo tại các thị trường.

Bộ giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường; diễn biến tình hình thị trường trong nước (giá thóc, gạo nội địa, lượng gạo tồn kho,...) , chủ động phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đề xuất các biện pháp xử lý đảm bảo an ninh lương thực và hiệu quả trong xuất khẩu gạo.

Chú trọng tăng cường công tác thông tin diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới đến các hội viên xuất khẩu và các địa phương liên quan, bảo đảm các thông tin chính xác, kịp thời, góp phần tạo cơ sở định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân và của người sản xuất.

VFA cần chủ động đề xuất với Bộ Công thương các chương trình xúc tiến thương mại vào các thị trường và cách tiếp cận đối với từng thị trường cụ thể. Căn cứ đặc điểm thị trường, phương thức kinh doanh, nhập khẩu của các đối tác, Hiệp hội Lương thực Việt Nam hỗ trợ, điều phối các thương nhân xuất khẩu gạo tiếp cận phù hợp đối với từng thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư