Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
“Bão giá” đang đổ vào nền kinh tế
Hà Nguyễn - 01/04/2022 11:20
 
Dù kinh tế Việt Nam vẫn đang đà phục hồi, song con đường này đang gập ghềnh hơn khi còn nhiều yếu tố rủi ro, một trong số đó là lạm phát, là sự gia tăng giá cả thị trường.

Câu chuyện đáng bàn trong lúc này không chỉ là Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) vẫn đang đà tăng, với mức bình quân 3 tháng tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại vẫn rất lớn, mà còn là những ảnh hưởng bất lợi tới đời sống người dân, tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Các số liệu thống kê mà Tổng cục Thống kê vừa công bố là rất đáng chú ý. Trong quý I/2022, cả Chỉ số Giá sản xuất, Chỉ số Giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và Chỉ số Giá xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, Chỉ số Giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2022 tăng 1,49% so với quý trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Chỉ số Giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,21% và 9,1%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,47% và 5,52%; dùng cho xây dựng tăng 1,67% và 8,26%.

Mức tăng tương ứng của Chỉ số Giá xuất khẩu hàng hóa là 2,47% và 7,51%; của Chỉ số Giá nhập khẩu hàng hóa là 2,7% và 10,98%. Điều này dẫn tới Tỷ giá Thương mại hàng hóa (TOT) quý I/2022 giảm tương ứng 0,23% và 3,13%.

“Bão giá” đang đổ vào nền kinh tế. Hệ lụy cũng nhìn thấy rất rõ.

Ở góc độ thương mại hàng hóa, có thể thấy, TOT quý I/2022 đều giảm và nguyên nhân là Chỉ số Giá xuất khẩu có mức tăng thấp hơn mức tăng của Chỉ số Giá nhập khẩu. Trong tình hình như vậy, rõ ràng, Việt Nam đang ở vị trí không thuận lợi, bởi giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng tương ứng.

Tương tự với Chỉ số Giá sản xuất. Ngoại trừ ở khu vực dịch vụ còn tăng thấp và thậm chí vẫn giảm so với cùng kỳ, thì các lĩnh vực còn lại đều tăng cao. Chi phí đầu vào tăng cao trong khi chi phí đầu ra tăng không tương ứng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đây là điều rất đáng chú ý, bởi “sức khỏe” cộng đồng doanh nghiệp sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vốn đã yếu, nay lại bị “bồi thêm” những tác động do chi phí đầu vào tăng cao, sức chống chịu sẽ càng yếu hơn. Doanh nghiệp yếu, nền kinh tế cũng không thể khỏe.

Thực tế, theo nhiều tổ chức nghiên cứu, việc giá cả đầu vào, lạm phát tăng cao trong năm nay sẽ ảnh hưởng tới cả tăng trưởng kinh tế.

Chỉ riêng câu chuyện giá các loại nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh từ giữa năm ngoái tới nay cũng đã ảnh hưởng rất lớn tới quá trình triển khai dự án đầu tư công, trong khi đầu tư công được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Đơn cử, xi măng - một trong các nguyên vật liệu quan trọng trong dự án xây dựng, tính từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 3 lần tăng giá, nhưng lần tăng giá trong tháng 3/2022 là cao nhất, với biên độ tăng 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Trước đó, đầu năm 2021, các doanh nghiệp điều chỉnh giá bán xi măng tăng nhẹ ở mức 50.000 đồng/tấn và tháng 11/2021, tiếp tục điều chỉnh tăng 80.000 - 90.000 đồng/tấn.

Giá đầu vào tăng cao sẽ làm khó cả nhà thầu, làm khó cả chủ đầu tư, bởi nguy cơ đội vốn là rất lớn. Đó là những rủi ro khó lường của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Đó cũng là bài toán không dễ giải, bởi khó có thể kiềm chế được chuyện “nhập khẩu” lạm phát.

Lời giải có lẽ nằm ở các chính sách điều hành giá cả của Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước và ở cả nỗ lực tái cơ cấu, tiết giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Kinh tế phục hồi, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,03%
Mức tăng trưởng này cao hơn tốc độ tăng trưởng của quý I/2021 và quý I/2020, cho thấy đà phục hồi kinh tế đang tiếp tục.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư