Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế bắt đầu đà phục hồi
Mạnh Bôn thực hiện - 30/03/2022 15:08
 
Với tốc độ tăng trưởng 5,03%, GDP quý I/2022 ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện (2020).

Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), nền kinh tế bắt đầu đà phục hồi. 

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Theo kịch bản trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, quý I/2022, GDP tăng trưởng 4,9 - 5,3%. Kết quả, con số đạt được là 5,03%. Theo ông, động lực nào giúp GDP tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây?

Tăng trưởng kinh tế quý I/2022 cao hơn tốc độ tăng của quý I/2020 và 2021 cho thấy nền kinh tế dần hồi phục qua 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Đạt được kết quả này là nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, với mức tăng 7,79%. Đặc biệt, ngành khai khoáng tăng trưởng 1,23% sau nhiều năm tăng trưởng âm kể từ quý I/2016.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến khu vực dịch vụ có tăng trưởng khởi sắc so với cùng kỳ, nhiều hoạt động dịch vụ đã sôi động trở lại sau khi bị “ngưng trệ” do chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục có mức tăng ấn tượng, với 9,75%, khi các hoạt động sản xuất dần khôi phục dẫn tới nhu cầu vốn tăng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2022 đạt 176,4 tỷ USD, tăng 14,4%. Riêng nhập khẩu tư liệu sản xuất đạt 82,4 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ năm trước (chiếm đến 94% tổng kim ngạch nhập khẩu). Như vậy, các doanh nghiệp đã chủ động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất trong các tháng tiếp theo phục vụ xuất khẩu. 

Với tình hình này, ông dự báo thế nào về kinh tế quý II? 

Qua động lực tăng trưởng quý I/2022, nhiều ngành tiếp tục được dự báo đạt mức tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo. Nguyên do là tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới cơ bản đã được kiểm soát, du lịch đã mở cửa, sản xuất phục hồi, thu nhập của người lao động tăng lên dẫn đến chi tiêu dùng tăng..., sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ thị trường phát triển mạnh trên nền tăng trưởng thấp hoặc âm trong 2 năm 2020 và 2021.

Khu vực dịch vụ đóng góp rất cao vào tốc độ tăng trưởng chung của GDP (trên 40%), khi tăng trưởng trở lại, sẽ là đầu kéo GDP trong quý II và các quý còn lại năm 2022 tăng theo. Nếu không có biến động quá bất thường, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II và quý III sẽ cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2021.

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã quay trở lại quy luật: quý sau tăng cao hơn quý trước, quý I tăng trưởng thấp nhất trong năm?

Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước là kết quả thường thấy, phản ánh đúng hoạt động kinh tế trong một năm. Thông thường, các đơn hàng và các hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ tăng mạnh hơn vào các quý cuối năm do nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt vào các kỳ nghỉ lễ cuối năm, của người dân tăng cao.

Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng GDP thường có quy luật quý sau cao hơn quý trước. Song do ảnh hưởng của Covid-19, trong năm 2020 và 2021, xu hướng này không còn.

Bước sang năm 2022, trước những thách thức từ tình hình kinh tế thế giới như khủng hoảng năng lượng (giá dầu leo thang), khủng hoảng về địa chính trị (căng thẳng Nga và Ukraine) và diễn biến còn khá phức tạp của Covid-19, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh được dự báo sẽ không nghiêm trọng như năm 2020 và 2021 do tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin của Việt Nam đạt rất cao.

Nhưng cuộc chiến Nga - Ukraine và cuộc chiến kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Nga với EU và các nước phương Tây có thể đảo lộn mọi dự báo, thưa ông?

Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine làm áp lực lạm phát thêm trầm trọng qua việc tăng giá các mặt hàng liên quan đến năng lượng, kim loại, phân bón và lương thực, thực phẩm. Ngay cả các ngành sản xuất không phụ thuộc trực tiếp vào năng lượng đầu vào vẫn có thể bị ảnh hưởng thông qua mối liên kết với các ngành sử dụng nhiều năng lượng như điện và giao thông - vận tải.

Đối với Việt Nam, tác động tức thời và nổi bật nhất là sự gia tăng giá nhiên liệu trong thời gian qua. Về phía cầu, tác động chủ yếu là đối với các ngành xuất khẩu, cầu thế giới sụt giảm do dự báo tăng trưởng của tất cả các đối tác thương mại lớn đều được điều chỉnh giảm. Hoạt động đầu tư có thể bị trì hoãn do bất ổn gia tăng.

Nhưng điều rất đáng mừng đối với cả thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam, là cuộc xung đột lớn nhất kể từ sau khi chiến tranh lạnh đã giảm dần mức độ căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất đồng, nên khả năng tác động đến thị trường thế giới nói chung và kinh tế trong nước nói riêng vẫn còn khá lớn.

Để phục hồi và phát triển kinh tế với mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, Quốc hội đã đồng ý tăng bội chi, tăng vay nợ. Tuy nhiên, Nghị quyết 43/2022/QH15 vẫn yêu cầu phải giữ được chỉ tiêu nợ công (cả giai đoạn 2021-2025 không quá 3,7% GDP). Đây là bài toán quá khó?

Để có nguồn lực thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các năm sau bù đắp cho năm 2021 - năm đầu nhiệm kỳ tăng trưởng thấp do đại dịch Covid-19, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7,0% trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1 - 1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỷ đồng). Trong đó, năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102.800 tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Như vậy, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước 2 năm 2022 và 2023 khoảng 5,1 - 5,3%. Để mức độ bội chi ngân sách cả giai đoạn 2021-2025 không quá 3,7% thực sự là bài toán khó trong công tác chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa trong những năm tiếp theo, khi phải đảm bảo nợ công bình quân 2 năm cuối nhiệm kỳ chỉ khoảng 2,5%.

Do vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành có kế hoạch, định hướng chi tiêu ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãnh phí, gây tổn thất cho ngân sách.

Chiến lược tài chính đến năm 2030: Duy trì nợ công dưới 60% GDP
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư