Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bao giờ nước Mỹ bỏ mạng điện thoại cố định?
Duy Anh - 30/11/2013 07:46
 
Mạng điện thoại cố định của Mỹ đang bị nhiều công nghệ mới lấn át, trong khi các cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn để hoàn tất việc xóa bỏ hệ thống lạc hậu này. >>

Trong khi chưa rõ mạng điện thoại cố định của Mỹ sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ vào thời điểm nào, vẫn diễn ra nhiều cuộc tranh cãi về tác động của quyết định này, cũng như điều này sẽ có ý nghĩa thế nào với gần 100 triệu người Mỹ vẫn đang sử dụng dịch vụ điện thoại cố định.

Tháng 1/2014, Ủy Ban Viễn thông Mỹ (FCC) sẽ soạn thảo các quy định để chính thức hóa việc chuyển đổi các hệ thống liên lạc sang giao thức Internet.

Tuy nhiên, Chủ tịch của FCC, ông Tom Wheeler, ca ngợi những tiến bộ công nghệ, ông vẫn nhắc tới vấn đề cần đảm bảo dịch vụ điện thoại phổ thông của Mỹ.

Không ít người tranh luận rằng chính phủ Mỹ nên đứng ngoài và cho phép thị trường tiếp tục tiến tới các tiêu chuẩn kỹ thuật số, vì nhiều khách hàng đã sử dụng các đường dây gọi điện qua mạng Internet, điện thoại di động hoặc các dịch vụ trò truyện qua web khác như Skype thay vì điện thoại cố định.

Chuyên gia Scott Cleland của hãng nghiên cứu và tư vấn Precursor LLC nói: "Trong vòng 4 năm tới, hầu hết mọi người sẽ từ bỏ điện thoại cố định". Ông Scott Cleland lưu ý rằng nhiều người dân Mỹ đang chuyển từ điện thoại cố định sang các công cụ liên lạc khác và quá trình này đã đi được 3/4 chặng đường.

Ông Cleland, một cựu tư vấn viên về chính sách viễn thông của Nhà Trắng, nói rằng ngay cả khi người dân muốn giữ lại hệ thống cũ, "người ta cũng không còn sản xuất thiết bị chuyển mạch cho hệ thống này. Và những kỹ sư có khả năng vận hành hệ thống cũng sẽ nghỉ hưu".

Chính vì thế, vấn đề không phải có hay không, mà là tới khi nào người ta sẽ từ bỏ mạng điện thoại cố định. Đây là câu hỏi quan trọng dành cho FCC, tổ chức đặt ra những tiêu chuẩn cho dịch vụ điện thoại và yêu cầu mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ điện thoại.

AT&T, nhà mạng Mỹ vẫn đang vận hành hàng triệu km đường dây điện thoại, đã gây áp lực để FCC đẩy nhanh quá trình xóa bỏ mạng điện thoại cố định.

Ông Jim Cicconi, phó chủ tịch điều hành cấp cao của AT&T, nói: "Trong khi cơ sở hạ tầng mạng điện thoại cố định của chúng tôi đã hoạt động tốt trong gần một thế kỷ, hiện tại chúng không còn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng Mỹ".

Bằng cách xóa bỏ các mạng điện thoại cố định lạc hậu này, AT&T và các công ty điện thoại khác có thể tiết kiệm được khoản chi phí khổng lồ cần thiết để duy trì và nâng cấp hệ thống.

Theo nghiên cứu của Đại học Georgetown, trong khoảng từ năm 2006 – 2011, các công ty điện thoại trong khu vực đã chi 81 tỷ USD cho các hệ thống lạc hậu, so với 73 tỷ USD dành cho cơ sở hạ tầng băng rộng hiện đại.

Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng việc xóa bỏ mạng điện thoại cố định sẽ làm ảnh hưởng tới không ít người dùng, đặc biệt là những người sống ở khu vực nông thôn và vùng kinh tế khó khăn.

Ông Harold Feld thuộc nhóm ủng hộ quyền tiếp cận kỹ thuật số Public Knowledge nói: "Tôi không muốn cản trở công nghệ, nhưng chúng tôi muốn đảm bảo là chúng ta vẫn có dịch vụ điện thoại cho tất cả mọi người, không phải chỉ người dân thành phố mới có thể dùng điện thoại".

Một liên minh các nhóm người tiêu dùng đã có bản kiến nghị gửi FCC, trong đó nhấn mạnh đến "những khó khăn đối với nhiều người dân Mỹ ở nông thôn không được truy cập dịch vụ không dây và dịch vụ băng rộng". Họ khuyến khích FCC "ngăn các công ty điện thoại xóa bỏ dịch vụ điện thoại cố định, đặc biệt ở những khu vực không có phương tiện liên lạc khác thay thế".

Ngoài ra, ông Harold Feld còn nói rằng mặc dù điện thoại di động và dịch vụ gọi thoại qua Internet rất hữu ích, chúng vẫn không có độ tin cậy bằng điện thoại cố định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư