Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bảo hiểm nhân thọ tự tin vượt đích
 
Tính đến hết tháng 9/2017, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đạt mức tăng trưởng trên 30%.
9 tháng đầu năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ đã đạt mức tăng trưởng trên 30%
9 tháng đầu năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ đã đạt mức tăng trưởng trên 30%

Trong đó, không chỉ nhóm doanh nghiệp bảo hiểm lớn, mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ cũng khai thác tốt thị trường. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khá tự tin về khả năng vượt chỉ tiêu kinh doanh đề ra cho năm nay.

Cùng với sự tăng trưởng khả quan về doanh thu khai thác mới, tỷ lệ bồi thường cũng như duy trì hợp đồng bảo hiểm được nhìn nhận không có nhiều biến động. Theo các chuyên gia trong ngành, tỷ lệ bồi thường cho sản phẩm sức khỏe tuy chiếm tỷ trọng cao, nhưng không bất thường.

Bởi hiện tại, sản phẩm này được hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ triển khai và cũng là sản phẩm được khách hàng mua nhiều. Nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đang xin giấy phép làm bảo hiểm sức khỏe độc lập, nên dự báo phân khúc sản phẩm này sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2017, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 75.231 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 45.064 tỷ đồng, tăng 31% cùng kỳ. 9 tháng qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 21.192 tỷ đồng, riêng khối nhân thọ ước đạt 10.854 tỷ đồng.

“Tính đến tháng 9/2017, chúng tôi đã hoàn thành hơn 70% chỉ tiêu kinh doanh của năm. Chỉ còn hơn 1 tháng để hoàn thành chỉ tiêu còn lại, nhưng chúng tôi không quá lo, bởi đây là thời điểm ‘vàng’ cho đội sale khai thác”, tổng giám đốc (CE0) một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về câu chuyện tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm nay, bà Tina Nguyễn, CEO Generali Việt Nam nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân tạo nên sự tăng trưởng liên tục cho thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, trong đó quan trọng nhất là tiềm năng của thị trường vẫn rất lớn.

“Trong số 96 triệu người dân Việt Nam hiện nay, số lượng người dân mua bảo hiểm còn rất khiêm tốn. Ngay cả những người đã mua bảo hiểm thì nhu cầu vẫn chưa đủ, họ vẫn có nhu cầu mua thêm bảo hiểm cho bản thân, cũng như gia đình. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã rất nỗ lực để đưa ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng, rất cạnh tranh, không chỉ đáp ứng được nhu cầu đầu tư tiết kiệm như trước đây, mà còn là bảo vệ con người, đặc biệt là vấn đề sức khỏe và các bệnh hiểm nghèo”, bà bà Tina Nguyễn nói.

CEO Generali Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của Công ty đạt 843 tỷ đồng, tăng 43% cùng kỳ 2016. Tính đến thời điểm này, hãng bảo hiểm đến từ Ý này đã phát triển được 10 văn phòng chi nhánh và 40 văn phòng tổng đại lý GenCasa. Trong kế hoạch mở rộng thị trường, Generali Việt Nam sẽ tập trung phát triển hệ thống GenCasa ở những thị trường quan trọng, chứ không đi vào vùng, sâu xa. 

Nhìn vào “bức tranh” thị phần của toàn thị trường, Bảo Việt Nhân thọ vẫn giữ vị trí số 1 về doanh thu khai thác mới, sau đó là Prudential, Dai-ichi Life Việt Nam và Manulife.

Được biết, trong quý III/2017, doanh thu phí khai thác mới của Dai-ichi Life Việt Nam  đạt 2.234 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2016; tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 4.973 tỷ đồng, tăng 49 %. Hãng bảo hiểm này đang là doanh nghiệp sở hữu nhiều mô hình bán bảo hiểm độc quyền và có thị trường rộng lớn nhờ sự hợp tác độc quyền với các ngân hàng và VNPost…

Việc tích cực đẩy mạnh mô hình hợp tác bảo hiểm ngân hàng (bancassurance) của một số công ty bảo hiểm nhân thọ đã tạo ra những thay đổi tích cực cho doanh thu đến từ kênh này. Theo tính toán sơ bộ của một chuyên gia bảo hiểm, 9 tháng đầu năm nay, doanh thu khai thác mới từ bancassurance đạt khoảng 12%/tổng doanh thu toàn thị trường, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu khai thác mới từ kênh này cũng được kỳ vọng tăng 20% vào năm 2018.

Trong khi đó, một số mô hình bán bảo hiểm khác như bảo hiểm trực tuyến  đã được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai, nhưng chưa mang lại doanh thu đáng kể.

Tương tự, việc bán bảo hiểm qua các công ty tài chính cũng chưa được nhiều. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ mô hình này được dự báo sẽ tăng nhanh trong vài năm tới, khi các doanh nghiệp dịch vụ tài chính này ngày càng hoàn thiện và xâm nhập sâu hơn vào thị trường.                

Bảo hiểm nhân thọ: Lại "nóng" vì M&A
Cùng với thông tin Prévoir Việt Nam bán 50% cổ phần cho một công ty bảo hiểm Hàn Quốc, các thành viên thị trường lại xôn xao khi xuất hiện thông tin...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư