Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bất thường chuyện giải chấp cổ phiếu quỹ tại VNECO
Thanh Thủy - 10/11/2023 13:52
 
Gần nửa vốn hóa thị trường “bốc hơi”, lệnh bán giải chấp liên tục “bung” ra, bao gồm cả cổ phiếu quỹ, VNE là một trong những mã chứng khoán giao dịch tệ nhất trên sàn chứng khoán trong tháng 10.
Mức giảm 50,4% của cổ phiếu VNE trong tháng 10/2023 khiến cổ đông choáng váng

Lao dốc sâu, cổ phiếu quỹ cũng bị giải chấp

Lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch hơn 16 năm, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO, mã VNE, sàn HoSE) chứng kiến cú rơi sâu chóng vánh. Chỉ trong hơn 3 tuần, VNE giảm từ 11.500 đồng/cổ phiếu về quanh vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu. Tương ứng, quy mô vốn hóa thị trường của VNECO cũng “bốc hơi” gần một nửa, về còn gần 490 tỷ đồng.

Tháng 10/2023, VN-Index giảm 11% và đã là chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới. Còn với riêng VNE, mức giảm 50,4% đủ khiến cổ đông của doanh nghiệp ngành xây dựng điện này choáng váng.

Theo báo cáo sau giao dịch, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT VNECO đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu lần lượt 33.000 cổ phiếu VNE trong phiên 24/10 và 1,4 triệu cổ phiếu trong phiên 25/10. Tương tự, Phó chủ tịch HĐQT Trần Quang Cẩn cũng bị bán giải chấp gần 1,24 triệu cổ phiếu trong 2 phiên: 17/10 và 25/10.

Giao dịch cổ phiếu VNE tăng vọt với tổng cộng hơn 10,6 triệu cổ phiếu chuyển nhượng trong ngày 25/10 khi giá trượt về mốc 6.500 đồng/cổ phiếu. Nhưng, không chỉ có cổ phiếu từ các lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp không thông báo trước, trong số này còn có cả… cổ phiếu quỹ của VNECO.

Theo báo cáo từ phía VNECO, Công ty Chứng khoán HD đã thực hiện giải chấp 121.200 cổ phiếu quỹ thông qua các lệnh bán khớp lệnh các ngày 25 và 26/10. Sau khi thoái một phần vào thị trường, lượng cổ phiếu quỹ đã giảm từ gần 8,5 triệu đơn vị, xuống 8,38 triệu đơn vị.

Tương tự giao dịch của cổ đông nội bộ, công ty khi mua/bán cổ phiếu quỹ đều cần tuân thủ quy định công bố thông tin. Thậm chí, giá đặt mua và khối lượng đặt mua hàng ngày đều được quy định để tránh trường hợp công ty đăng ký mua mà cố tình không mua, hay có thể tránh được giao dịch bán chỉ dồn vào một thời điểm, một đối tượng. Lệnh bán cổ phiếu quỹ bất ngờ mà không có thông báo trước là điều chưa từng xảy ra trên thị trường chứng khoán.

Đáng nói hơn, lệnh bán cổ phiếu quỹ của VNECO không đến từ chính doanh nghiệp, mà đến từ bên thứ ba. Lượng 121.200 cổ phiếu quỹ bán ra chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng khối lượng giao dịch 10,6 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cú “xả” bất ngờ này cũng góp phần đáng kể kéo VNE giảm kịch biên độ.

Khoảng hở luật do chuyển tiếp

Báo cáo tài chính của VNECO cho thấy, có một khoản vay dài hạn với HDBank trị giá 647 tỷ đồng (theo giá trị đến cuối quý III/2023). Khoản vay nhằm tài trợ, bù đắp chi phí đầu tư, xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện gió Thuận Nhiên Phong tại Bình Thuận. Ngoài tài sản đảm bảo gồm chính Dự án, quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng mua bán điện, toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Thuận Nhiên Phong 1, đáng chú ý, HDBank chấp nhận cổ phiếu quỹ với số lượng tối đa 8,3 triệu đơn vị của VNECO.

Đã có những thay đổi rõ nét trong Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán hiện hành so với trước đây liên quan đến cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, trong hạch toán kế toán, chưa bao giờ cổ phiếu quỹ được xếp vào khoản mục trong tổng tài sản của doanh nghiệp, dù hoạt động bán cổ phiếu quỹ trên thị trường có thể mang về lượng tiền tương ứng với thị giá từng thời điểm. Việc thực hiện mua lại cổ phiếu của chính công ty sử dụng quỹ từ nguồn vốn hợp pháp, do đó, làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu.

Từ năm 2012, hay gần nhất, theo quy định tại Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016, mức phạt đối với hành vi “dùng cổ phiếu quỹ làm tài sản bảo đảm, tài sản để góp vốn hoặc hoán đổi” bị phạt tiền kèm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, quy định hiện hành là Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán không còn nội dung này.

Nguyên nhân cũng bởi cổ phiếu do công ty mua lại của chính mình là cổ phần chưa bán (cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán). Công ty đại chúng phải thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình sẽ phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày.

Các trường hợp như VNECO (đã mua cổ phiếu quỹ trước khi các luật mới được ban hành) thuộc diện quy định trong điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, Công ty sẽ được phép bán cổ phiếu quỹ, dùng cổ phiếu quỹ làm cổ phiếu thưởng, không được mua lại cổ phiếu của chính mình cho đến khi hoàn thành việc xử lý số cổ phiếu quỹ đã mua trước đó. Việc thiếu vắng quy định đang tạo ra khoảng hở về chế tài đối với các trường hợp sử dụng cổ phiếu quỹ cho các mục đích làm tài sản bảo đảm, tài sản để góp vốn hoặc hoán đổi.

Biến động cơ cấu cổ đông sau “sóng” lớn?

Sau các đợt bán giải chấp, 2 nhân sự trong HĐQT của VNECO đều đang đăng ký bán cổ phiếu VNE. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Anh Tuấn chủ động đăng ký bán thêm 409.010 cổ phiếu từ ngày 30/10 đến cuối tháng 11, dự kiến chỉ còn nắm giữ 2 triệu cổ phiếu VNE. Phó chủ tịch HĐQT Trần Quang Cẩn cũng đăng ký bán toàn bộ 5,86 triệu cổ phiếu còn lại trong tháng 11. Trái với các lệnh đặt bán từ ban lãnh đạo hiện tại, bà La Mỹ Phượng, cổ đông lớn lâu năm của VNECO, lại nhanh chóng gia tăng sở hữu lên 11,6%.

Đứng trước diễn biến bất thường của giá cổ phiếu, sau 5 phiên sàn liên tiếp, ông Trần Văn Huy, Phó tổng giám đốc VNECO khẳng định, VNECO không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường, việc giao dịch cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài sự kiểm soát của VNECO. Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư vẫn đang diễn ra bình thường.

VNECO báo lãi ròng 1,14 tỷ đồng trong quý III/2023, khả quan hơn mức thua lỗ hơn 5 tỷ đồng cùng kỳ, nhưng vẫn là mức khiêm tốn đối với một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ 904 tỷ đồng. Lãnh đạo VNECO cho biết, một số công trình còn vướng các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị.... Vì vậy, đã không đẩy nhanh được tiến độ thị công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư.
Đầu tư kém hiệu quả, VNECO dừng dự án cũ, xin lập dự án mới
Sau nhiều năm Dự án tại khu đất số 64-66, Hoàng Văn Thái (Đà Nẵng) hoạt động không hiệu quả, VNECO đang đề xuất dự án mới. Việc xây dựng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư