Bất động sản TP.HCM: Nhà hẻm rộng khu trung tâm vào tầm ngắm
Khác với khái niệm hẻm tại Hà Nội, tại TP. HCM có những con hẻm rộng đủ để 2 xe tải to tránh nhau thoải mái. Nhiều căn nhà ở trong các con hẻm này thậm chí đắt hơn các căn tiếp giáp mặt đường lớn có cùng diện tích.
Nhiều căn nhà trong hẻm rộng tại TP. HCM có giá còn đắt hơn căn mặt đường. Ảnh: Lê Toàn
Nhiều căn nhà trong hẻm rộng tại TP. HCM có giá còn đắt hơn căn mặt đường. Ảnh: Lê Toàn

Cùng với việc trường bất động sản hồi phục, những căn nhà hẻm rộng này bắt đầu lên giá.

Đa phần chủ nhân của nhà hẻm rộng đều hài lòng về nơi ở của mình, bởi không gian thoáng đãng, giao thông thuận tiện và lúc nào cũng giữ được giá.

Bà Phương, chủ nhân căn nhà gần 300 m2 tại một con hẻm đường Trương Định cho biết, thi thoảng lại có người đến gạ mua nhà, nhiều người còn trả giá cao hơn so với nhà mặt phố.

“Vừa rồi có người đến hỏi mua với giá 43 tỷ đồng, giá này cao hơn mức giá 38 tỷ đồng của người hỏi mua trước đó 6 tháng”, bà Phương nói.

Anh Dũng, một cò đất quận 3 cho biết, khách hỏi mua nhà hẻm rộng chủ yếu là để ở, họ có nhiều tiền và không ngại trả cao hơn giá thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM cho rằng, khi thị trường bất động sản khởi sắc, thì loại nhà phố có vị trí đẹp sẽ được giá là chuyện đương nhiên. Loại nhà trong hẻm rộng là nơi ở lý tưởng của nhiều người. Để sở hữu được những căn nhà này, phải là người giàu và đây thường là những người khá kỹ tính, nên khi đã chọn được căn ưng ý, họ có thể chấp nhận trả đắt hơn một vài giá so với thị trường. Hơn nữa, việc định giá cũng là do 2 bên tự thỏa thuận, nên cũng khó xác định đắt hay rẻ, khác với giá bán của các dự án bất động sản.

Khảo sát tại một số điểm ký gửi bất động sản tại quận 1, quận 3, quận 10, quận Phú Nhuận, hay quận Tân Bình cho thấy, đa số người bán đều tăng giá từ 5 - 10% so với cùng thời điểm năm 2014. Tuy nhiên, chị Thảo, môi giới tại quận Phú Nhuận cho biết, để bán những căn nhà dạng này không dễ.

“Nghe thị trường bất động sản đang ấm lên, người bán đã tự tăng giá, còn bán được thì phải gặp khách, đúng nhu cầu, bán dạng nhà này vừa khó vừa mệt…”, chị Thảo giãi bày và cho biết, chẳng hạn một căn nhà 2 tầng có diện tích 145 m2 tại hẻm rộng 10 m trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) được giao bán với giá 11 tỷ đồng, có mấy chục khách đến xem, nhưng đã mấy tháng vẫn chưa bán được, vì hẻm rộng, nhưng không có cây to, nhiều khách còn chê hàng xóm “dân trí thấp” nên không mua.

Trong khi đó, chị Kim Anh, người vừa mua căn nhà gần 200 m2 trong hẻm đường Lý Thường Kiệt đưa lý do chấp nhận mua cao hơn gần 700 triệu đồng so với giá đàm phán cách đó 2 tháng vì: “Tìm khắp nơi nhưng cuối cùng căn nhà này được nhiều thứ, mát, yên tĩnh và hàng xóm thân tiện, an ninh tốt”.

Dù phân khúc nhà phố chưa có báo cáo chính thức về lượng giao dịch qua từng tháng, từng quý, hay từng năm, nhưng con số giao dịch trong bất kỳ thời điểm nào là không hề nhỏ.

Theo thống kê của Công ty Dịch vụ địa ốc ACB, thời gian này, giao dịch nhà phố đã tăng lên đến 30%. Tuy nhiên, đối với dạng nhà hẻm rộng, khảo sát của Đầu tư Bất động sản cho thấy, thay vì mua nhà, xem diện tích, giá cả như trước đây, người mua thời gian này đặc biệt chú trọng đến môi trường sống xung quanh, chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Không chỉ có vậy, người mua còn chú ý đến thiết kế và kết cấu của căn nhà.

Thường thì những căn hộ có nhiều ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt bán dễ hơn. Đó chính là lý do mà nhiều người trước khi bán thường “tút” lại bằng việc sơn sửa, trồng thêm chậu hoa, cây cảnh, thậm chí dọn lại đường xá và phần diện tích công cộng để tăng giá trị cho ngôi nhà.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản