Bộ Xây dựng ý kiến gì về Quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc?
Nhiệt Băng - 05/08/2022 15:42
 
Việc Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đến năm 2030 và năm 2045 thay thế cho Quy hoạch chung Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc không cần thực hiện thủ tục hủy bỏ.
Đô thị
Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam hình thành nhiều dự án "da beo", chắp vá trong thời gian qua. Ảnh: Nhiệt Băng

Bộ Xây dựng vừa hướng dẫn Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam xử lý hồ sơ Quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và công tác thẩm định nội dung đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc là một khu vực trong huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung vào năm 1999.

Năm 2015, thị xã Điện Bàn đã được thành lập trên cơ sở ranh giới hành chính của huyện Điện Bàn theo Nghị quyết số 889/NQ-UBTVQH13 ngày 11/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1026/TTg-CN ngày 15/8/2019 giao UBND tỉnh Quảng Nam lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn (bao gồm cả Quy hoạch chung Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) trên cơ sở ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng đã có văn bản số 3786/BXD-QHKT ngày 19/6/2021 gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc góp ý Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 và năm 2045.

Theo quy định tại khoản 11, Điều 3, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, thì thời hạn hiệu lực của quy hoạch đô thị là khoảng thời gian được tính từ khi đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt đến khi có quyết định điều chỉnh hoặc huỷ bỏ và căn cứ vào 2 văn bản nêu trên của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 và năm 2045 thay thế cho Quy hoạch chung Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại Điều 48, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, không cần thực hiện thủ tục hủy bỏ.

Về việc tính toán mô hình thủy lực, thủy văn của các tuyến sông trong nội dung đánh giá môi trường chiến lược của đồ án quy hoạch chung, Bộ Xây dựng cho rằng, tại Báo cáo số 347/BC-STNMT ngày 8/6/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam về báo cáo kết quả Hội nghị tham vấn ý kiến nội dung đánh giá môi trường chiến lược trong Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 và năm 2045 có yêu cầu bổ sung yêu cầu nghiên cứu tính toán thủy lực, thủy văn của các tuyến sông chạy qua thị xã Điện Bàn để xác định hành lang thoát lũ, các vị trí chứa lũ, chậm lũ, từ đó đề xuất các công trình chỉnh trị, bảo vệ bờ và khẩu độ cầu qua sông phù hợp, cũng như phục vụ việc xác định cao trình quy hoạch các phân khu chức năng.

Các yêu cầu này thuộc nội dung chính của Quy hoạch thủy lợi được quy định tại Điều 13, Luật Thủy lợi năm 2017 (Luật số 08/2017/QH14).

Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 không có yêu cầu nghiên cứu tính toán thủy lực, thủy văn của các tuyến sông chạy qua đô thị trong đồ án quy hoạch chung.

Theo Bộ Xây dựng, định mức chi phí lập quy hoạch đô thị tại Thông tư 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị không bao gồm chi phí cho việc tính toán thủy lực, thủy văn của các tuyến sông chạy qua đô thị.

Tại Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật số 72/2020/QH14) có quy định đánh giá môi trường chiến lược là quá trình nhận dạng, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính, làm cơ sở để tích hợp, lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường trong chính sách, chiến lược, quy hoạch.

Theo đó, nội dung đánh giá môi trường chiến lược của đồ án quy hoạch chung đô thị chỉ mang tính định hướng (là quá trình nhận dạng, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính) nhằm đưa ra phương án tối ưu của giải pháp quy hoạch trước khi phê duyệt, không tương ứng với giải pháp bảo vệ môi trường cụ thể.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Quy hoạch chung đô thị không thuộc Danh mục chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

“Các kết quả nghiên cứu, tài liệu, số liệu chuyên ngành có liên quan là một trong các căn cứ để lập đồ án quy hoạch chung đô thị (bao gồm nội dung xác định cao trình quy hoạch các phân khu chức năng). Nội dung đánh giá môi trường chiến lược của đồ án quy hoạch chung đô thị theo Khoản 7, Điều 15, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ có mức độ nghiên cứu phù hợp với từng cấp độ quy hoạch. Nội dung này có thể dựa trên các kết quả nghiên cứu, quy hoạch chuyên ngành đã có nhằm tránh phát sinh kinh phí trong giai đoạn lập quy hoạch chung”, Bộ Xây dựng cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản