Chậm giải ngân gói 30.000 tỷ, Cục quản lý Nhà nói gì?
Nguyễn Lê (Infonet) - 13/06/2015 11:24
 
Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, gói 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm là do cách hiểu và vận dụng chưa đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước…
Theo Bộ Xây dựng, một trong những lý do gói 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm là do cách hiểu và vận dụng chưa đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.
Theo Bộ Xây dựng, một trong những lý do gói 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm là do cách hiểu và vận dụng chưa đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.

Theo Báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 31/5/2015, tổng số tiền cam kết cho vay từ gố hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với khách hàng là hơn 14.160 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng). 

Trong đó, số tiền cam kết với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đạt hơn 8.800 tỷ đồng (với 18.000 trường hợp đã được cam kết cho vay); số tiền cam kết với chủ đầu tư dự án gần 5.345 tỷ đồng với 37 dự án đã được cam kết cho vay.

Tuy nhiên, số tiền giải ngân khá chậm. Tổng số tiền đã giải ngân chỉ đạt hơn 7.620 tỷ đồng (đạt 25,4% phụ thuộc tiến độ thi công và hoàn thành các dự án nhà ở mà người dân đã vay để mua, thuê mua). Trong đó, có hơn 17.600 hộ gia đình, cá nhân đã được giải ngân vốn vay với số tiền hơn 5.500 tỷ đồng; 33 dự án đã được giải ngân với số tiền hơn 2.100 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là tốc độ cam kết cho vay đã tăng rất mạnh trong những tháng cuối năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014. Theo báo cáo của các Ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng hỗ trợ nhà ở thì tại thời điểm 31/5/2015, số vốn vay đã cam kết cho khách hàng tăng 200,4% (14.161 tỷ đồng so với 7.232 tỷ đồng), số hộ gia đình, cá nhân được cho vay vốn tăng 249,7% (18.062 cá nhân so với 7.232 cá nhân) so với thời điểm 31/8/2014; tương tự như vậy so với thời điểm 31/12/2014 tăng 149,5% và 155%, so với thời điểm 28/2/2015 tăng 131% và 128,4%. 

Gần đây dư luận cho rằng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm mà nguyên nhân là do Bộ Xây dựng hướng dẫn đối tượng thu nhập thấp dưới mức thu nhập cá nhân mới được vay.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay: gói 30.000 tỷ không phải là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, mà là nguồn tái cấp vốn từ cho các ngân hàng thương mại thực hiện theo nguyên tắc cho vay thương mại và phải thu hồi vốn, kể cả lãi, sau thời gian quy định (hiện nay là 15 năm). Các văn bản của Bộ Xây dựng đã hướng dẫn cụ thể điều kiện, thủ tục đối với các nhóm tượng được vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Ở đây cần phân biệt rõ 2 nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội và mua nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá bán thấp là khác nhau.

Đối với nhóm đối tượng người dân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì điều kiện là đã có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định. Điều kiện để người dân được ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được Chính phủ quy định tại Điều 14 Nghị định số 188/2013 (chứ không phải quy định tại Nghị quyết 02 và các văn bản hướng dẫn Nghị quyết này, theo đó nếu là người lao động thu nhập thấp thì phải có thu nhập thường xuyên hàng tháng dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Các yêu cầu về thủ tục xác nhận hộ khẩu, tình trạng nhà ở, thu nhập... được thực hiện từ trước khi người dân ký HĐMB với chủ đầu tư. Quy định này để tránh tình trạng người không phải thu nhập thấp nhưng vẫn đăng ký mua nhà ở xã hội, vốn được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước và thường có giá rẻ hơn nhà ở thương mại.

Còn với nhóm đối tượng người dân vay vốn mua nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp (có quy mô dưới 70m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc tổng giá trị hợp đồng kể cả nhà và đất dưới 1,05 tỷ đồng) thì điều kiện là: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội (diện tích sử dụng bình quân nhỏ hơn 8m2/người); có hộ khẩu thường trú tại tỷnh, thành phố nơi có dự án nhà ở, đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên; đã có hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp này chỉ cần cơ quan, đơn vị nơi công tác, hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận về tình trạng nhà ở, không phải xác nhận về tình trạng thu nhập, không phải chứng minh mức thu nhập có thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không.

Như vậy, theo ông Hà, điều kiện vay vốn để mua nhà ở thương mại giá bán thấp dễ dàng hơn điều kiện vay để mua nhà ở xã hội do không phải chứng minh thu nhập, không khống chế mức thu nhập, người dân chỉ phải xác nhận tình trạng nhà ở. Sở dĩ như vậy là vì: các dự án nhà ở thương mại không được ưu đãi như nhà ở xã hội; đây là giải pháp vừa giúp những người lao động có khó khăn về nhà ở cải thiện chỗ ở, vừa kích cầu thị trường BĐS, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển phân khúc sản phẩm nhà ở thương mại trung bình và thấp (giá bán thấp) thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm trung và cao cấp như trước đây.

Nói một cách khác, người vay vốn để mua nhà ở xã hội được hỗ trợ đến 2 lần (thứ nhất là vay vốn mua nhà với lãi suất thấp, thứ hai là giá bán nhà ở xã hội thấp hơn nhà ở thương mại do đã được Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế VAT) nên điều kiện khắt khe hơn người vay vốn để mua nhà ở thương mại chỉ được hỗ trợ một lần (vay vốn mua nhà với lãi suất thấp).

Việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chưa đạt kỳ vọng, theo ông Hà là do 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, theo quy định về điều kiện để được vay vốn hỗ trợ thì người có nhu cầu vay vốn phải có hợp đồng mua hoặc thuê mua đã ký với chủ đầu tư, nghĩa là trên thị trường phải có đủ sản phẩm phù hợp với điều kiện quy định. Tuy nhiên, hiện nay số lượng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại có quy mô nhỏ, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng/căn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu. Đối với các đối tượng vay vốn là doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ, nhưng còn vướng nợ xấu mà theo quy định của Luật tổ chức tín dụng thì ngân hàng thương mại có thể từ chối cho vay để bảo đảm an toàn hoạt động, vì vậy các dự án này cũng chưa được vay vốn từ gói này.

Thứ hai, các đối tượng có nhu cầu vay vốn ngoài việc bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về đối tượng và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng còn phải đảm các điều kiện theo quy định của ngân hàng nhà nước. Trong đó yêu cầu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải có đủ vốn vốn tối thiểu không vượt quá 20% tổng số tiền vay; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án phải có đủ vốn tối thiểu không vượt quá 30% tổng số tiền vay. Ngoài ra, khách hàng vay vốn còn phải đáp ứng các điều kiện cho vay theo quy định (phải chứng minh đủ khả năng thu nhập để trả nợ đối với khoản vay). Tựu trung lại, để được vay vốn hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng đòi hỏi đối tượng vay vốn phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ của Nhà nước và tổ chức tín dụng.

Và cuối cùng, trong quá trình thực hiện giải ngân cho vay vốn, một số đối tượng người dân vay mua nhà ở thương mại còn gặp vướng mắc về điều kiện thu nhập thấp dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân, do cách hiểu và vận dụng chưa đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và ngân hàng nhà nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản