Doanh nghiệp địa ốc rộn ràng khai Xuân
Việt Dũng - 09/02/2022 09:40
 
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đã tổ chức khai xuân, bắt tay triển khai những kế hoạch mới, gấp rút hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm 2022.
Ảnh minh họa
Nhà ở bình dân là phân khúc nhu cầu lớn nhất trên thị trường và có tính thanh khoản tốt nhất xuyên suốt năm 2022.

Sớm bắt tay thực hiện kế hoạch mới

Ngay trong ngày 7/2 (tức mùng 7 Tết), nhiều doanh nghiệp địa ốc như Tập đoàn bất động sản An Gia, Tập đoàn Vạn Phúc, Trần Anh Group… đã tổ chức khai xuân.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo các doanh nghiệp đều cho rằng, năm nay doanh nghiệp khai trương sớm hơn mọi năm để kịp bắt tay vào những kế hoạch mới. Hơn nữa, việc khai xuân sớm để lấy ngày đẹp, lãnh đạo doanh nghiệp gặp mặt chúc Tết người lao động để có động lực cho một năm mới dự báo còn khó khăn bởi dịch bệnh.

Ông Nguyễn Minh Khang, CEO LDG Investment chia sẻ, năm 2022, Tập đoàn này sẽ tập trung đẩy mạnh Dự án LDG Sky (Bình Dương), LDG River (TP.HCM) và LDG Grand (Đà Nẵng). Cụ thể, khu căn hộ cao cấp LDG Sky khu Đông sẽ được tập trung để đẩy nhanh tiến độ xây dựng do có vị trí đắc địa, nằm trong khu quy hoạch đồng bộ nên rất được khách hàng quan tâm.

Đồng thời, Công ty cũng chú trọng tập trung hoàn thiện pháp lý một số dự án khác để sớm ra mắt thị trường như Dự án LDG River. Đây là tổ hợp căn hộ cao cấp nằm ven sông, kết hợp trung tâm thương mại nằm trên trục đường Quốc lộ 13 đi vào trung tâm TP.HCM thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, khi triển khai, dự kiến khu căn hộ này sẽ mang về doanh thu, lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group) cũng tổ chức ra quân trong ngày mồng 7 Tết và triển khai kế hoạch chi tiết cho năm 2022, tập trung vào một số dự án trọng điểm như Lạc Tấn, Youngtown Tây Bắc Sài Gòn, J-Dragon…

Một số doanh nghiệp lớn trong ngành tổ chức ra quân muộn hơn một chút, như Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding chính thức mở cửa trở lại từ ngày 8/2, còn Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát thì hôm nay (9/2) tổ chức khai xuân. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPiHOME sẽ ra quân vào ngày 10/2…

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding, nhiều người dân, nhà đầu tư “kiêng” xuất tiền sau Tết, nên vào những ngày đầu xuân, các giao dịch bất động sản (nếu có) chủ yếu do khách hàng chọn ngày, hợp tuổi. Các giao dịch lớn thường phải đến tháng 2 âm lịch.

Tự tin với triển vọng thị trường

Nhận định về triển vọng thị trường địa ốc trong năm nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc bày tỏ sự lạc quan. Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CEN LAND cho biết, nếu năm 2020, CEN LAND bối rối, thì năm 2021 đã điều chỉnh tốt, sang năm 2022, doanh nghiệp chuẩn bị sẵn các kịch bản phát triển, không chạy theo sóng, mà sẽ tỉnh táo lựa chọn dự án tốt để phát triển, phân phối.

“Khi xảy ra Covid-19, chúng tôi nhận thấy, khách hàng giao dịch chủ yếu là người giàu, tận dụng được sự hỗ trợ, tận dụng tốt khả năng dùng đòn bẩy khi tiền rẻ để kinh doanh. Nhận ra điều này, chúng tôi tập trung vào các dự án có giá cao, thích hợp với nhóm khách hàng có tài chính tốt và ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, như các dự án The Manor, Kim Chung Di Trạch, Xanh Villas, Louis Hoàng Mai… Đây đều là các dự án tốt, có mức giá cao hơn so với các sản phẩm chung cư trước đây mà CEN LAND phân phối, do đó đã tạo nên đột phá về doanh thu và lợi nhuận”, ông Nguyễn Trung Vũ nói.

Đại diện CEN LAND cho biết thêm, năm 2022, CEN LAND sẽ tiếp tục bắt tay với các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Flamingo… “Ngoài ra, với các chủ đầu tư có quỹ đất tốt, pháp lý đầy đủ và cần CEN LAND đóng gói sản phẩm, chúng tôi cũng sẽ hợp tác cùng. Mục tiêu của CEN LAND trong năm 2022 là đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng doanh thu. Phấn đấu có thể ở mức cao hơn từ 12.000 - 13.000 tỷ đồng tùy tình hình”, ông Vũ thông tin.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Tổng giám đốc Sen Vàng Group cũng cho rằng, cơ hội vẫn luôn mở ra với tất cả các thành viên thị trường, nhưng năm 2022, các yếu tố bất định như dịch bệnh vẫn còn, do đó doanh nghiệp phải xây dựng tốt kịch bản sống chung với dịch bệnh và linh hoạt trong ứng phó, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là cần đẩy mạnh chuyển đổi số và các phương án dự phòng, quản trị rủi ro.

“Tiếp xúc với các doanh nghiệp, tôi thấy hầu hết họ tỏ ra tự tin và chắc chắn sẽ không có chuyện hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ như năm 2021. Bản thân mỗi doanh nghiệp đều đã lường trước những rủi ro, xây thêm nhiều kịch bản để chuẩn bị ứng phó và tăng trưởng”, bà Ngọc nói.

Đánh giá về những kế hoạch cho năm mới của các doanh nghiệp địa ốc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, năm 2022, thị trường tiếp tục thiếu hụt quỹ đất và nguồn cung dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân, các đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở cao cấp có dấu hiệu thừa cung, vì vậy, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết.

“Trong bối cảnh đó, để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải tính toán, cơ cấu lại sản phẩm, lộ trình phát triển theo hướng ưu tiên sản phẩm cho người ở có nhu cầu thực. Nhà ở bình dân là phân khúc nhu cầu lớn nhất trên thị trường và có tính thanh khoản tốt nhất xuyên suốt năm 2022”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Cơ hội vẫn luôn mở ra với tất cả các thành viên thị trường. Năm 2022, các yếu tố bất định như dịch bệnh vẫn còn, do đó doanh nghiệp phải xây dựng tốt kịch bản sống chung với dịch bệnh và linh hoạt trong ứng phó.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản