Đòn bẩy trong đầu tư khu dưỡng lão cao cấp
Anh Hoa - 26/03/2024 11:40
 
Xu hướng già hóa dân số và tốc độ gia tăng số lượng người giàu, siêu giàu tại Việt Nam là đòn bẩy chủ đạo cho hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản dưỡng lão cao cấp.
Thị trường đầu tư bệnh viện an dưỡng, dưỡng lão cao cấp tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những “tên tuổi” với vai trò tạo lập thị trường. Trong ảnh: Mô hình bệnh viện  an dưỡng Vinmec Medical Resort do Vinhomes phát triển
Thị trường đầu tư bệnh viện an dưỡng, dưỡng lão cao cấp tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những “tên tuổi” với vai trò tạo lập thị trường. Trong ảnh: Mô hình bệnh viện an dưỡng Vinmec Medical Resort do Vinhomes phát triển.

Cơ hội từ nhóm siêu giàu

Ngồi nghỉ trên ghế công viên sau vòng đạp xe thể dục ngày cuối tuần, ông Trần Long cùng một số người bạn hàng xóm của mình ở phân khu Bằng Lăng trong khu đô thị Vinhomes Riverside (quận Long Biên, Hà Nội) nhẩm tính, còn hơn 3 năm nữa sẽ về hưu. Tuy nhiên, ông đã chuẩn bị mọi thứ để hưởng thụ cuộc sống an nhàn tuổi xế chiều bên vợ và hai cô con gái đang định cư ở Nhật Bản. Ông đang tính, sẽ qua Nhật Bản định cư cùng các con.

Theo đó, thành phố cảng khác Fukuoka thuộc TP. Fukuoka trên đảo Kyushu (Nhật Bản) được vợ chồng ông lựa chọn. Một phần vì nơi đây thu hút nhiều người nước ngoài học tập, sinh sống. Nhiều trường đại học gần đó đang thực hiện các chương trình giao lưu, trao đổi với sinh viên quốc tế, rất tiện cho hai cô con gái của ông đang làm trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra, khu vực này, còn được gọi là “Hakata”, nổi tiếng với onsen (suối nước nóng), các món ăn ngon và nhiều điểm du lịch, như đền Dazaifu Tenmangu, Canal City Hakata và Itoshima.

“Tôi quyết định, sau khi nghỉ hưu sẽ đến sống tại Nhật Bản”, ông Long chia sẻ với các bạn của mình.

Trong khi đó, bà Hằng, một doanh nhân kín tiếng tại TP.HCM, chi hàng triệu USD thuê một căn hộ 2 phòng ngủ tại Singapore trong vòng 5 năm để chữa bệnh. Bà quyết định đến Singapore chữa bệnh sau khi phát hiện bị ung thư thực quản.

Theo Báo cáo Thịnh vượng của Công ty Knight Frank, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam (sở hữu khối tài sản có giá trị từ 30 triệu USD trở lên) tăng 82% chỉ sau 5 năm, từ 583 người trong năm 2017, lên 1.059 người vào cuối năm 2022.

Số người giàu với tài sản từ 1 triệu USD đến dưới 30 triệu USD tại Việt Nam cũng tăng 70% trong 5 năm qua và dự kiến tăng vọt 173% chỉ trong 10 năm, từ năm 2017 đến năm 2027.

“Ở đây còn hơn cả khu nghỉ dưỡng”, bà Hằng nhận xét sau khi tham quan nhà mẫu ở cơ sở của bệnh viện an dưỡng tại Singapore. Một số tiện nghi nổi bật tại đây có thể kể đến như bể bơi trong nhà, phòng tập yoga, dịch vụ chăm sóc 24/7…

Những người như ông Long, bà Hằng nằm trong nhóm khách hàng mà các nhà đầu tư đang nhắm tới - giàu có, tư tưởng tiến bộ và muốn tìm kiếm niềm vui trong những năm tuổi xế chiều.

“Mục đích của chúng tôi không phải chỉ là chi tiền để mua một căn hộ, mà là tìm kiếm một cuộc sống thú vị hơn”, bà Hằng chia sẻ.

Các mô hình bệnh viện an dưỡng, khu dưỡng lão cao cấp nói trên ngày càng trở thành nơi đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tiền đổ vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, trong bối cảnh dân số đang già hóa và số lượng người siêu giàu gia tăng.

Tuy nhiên, thực trạng người giàu phải ra nước ngoài để điều trị cho thấy một khoảng trống về dịch vụ y tế siêu sang tại Việt Nam và nhiều nhà đầu tư bắt đầu nắm bắt cơ hội từ nhóm phân khúc tiềm năng này.

Một trong số đó là nhà phát triển dịch vụ bất động sản Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup). Vinhomes vừa quyết định đầu tư mô hình bệnh viện an dưỡng

Vinmec Medical Resort nhằm khai phá tiềm năng của dịch vụ này ở khu vực phía Bắc.

Theo giới thiệu của nhà đầu tư, nằm trong kế hoạch hoàn thiện hệ thống tiện ích của Vinhomes Ocean Park 2 giai đoạn 2024 - 2025,

Vinmec Medical Resort là bệnh viện an dưỡng cao cấp đạt chuẩn 5 sao, tiện ích chăm sóc sức khỏe được nhiều cư dân mong chờ nhất. Không chỉ là nơi hội tụ đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, đây còn được kỳ vọng là nơi sẽ mang tới những trải nghiệm chăm sóc sức khỏe cho cư dân Vinhomes, với những tiêu chuẩn dịch vụ khác biệt, chưa từng có tại Việt Nam.

Được thiết kế theo phong cách cổ điển sang trọng, điểm nhấn khác biệt của

Vinmec Medical Resort đến từ 18 căn biệt thự tổng thống - phòng an dưỡng cho người bệnh với đẳng cấp siêu sang. Đồng thời, sự hòa hợp giữa thảm thực vật xanh và các tiện ích mặt nước cũng khiến không gian riêng tư trở thành ưu điểm của các phòng an dưỡng đặc biệt này, giúp người bệnh sớm hồi phục tinh thần và thể chất một cách toàn diện.

Bên cạnh Vinhomes, còn phải nhắc đến nhà đầu tư Nhật Bản - Tập đoàn Mikazuki. Đầu năm nay, trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng, ông Yoshimune Odaka, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki đề xuất đầu tư một số dự án trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, Mikazuki có kế hoạch phối hợp với một bệnh viện của Nhật Bản để đầu tư thêm một khối nghỉ dưỡng tại khu vực bãi đỗ xe trong khuôn viên khách sạn Mikazuki đang hoạt động ở Đà Nẵng, kết hợp thêm chức năng tầm soát sức khỏe. Quy mô đầu tư một khối nghỉ dưỡng khoảng 150 phòng với tổng mức đầu tư 30 - 50 triệu USD.

Đề xuất đầu tư này không chỉ nâng tầm giá trị của khách sạn Mikazuki, mà còn phù hợp với định hướng của thành phố biển Đà Nẵng - phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Bệnh viện của Nhật Bản sẽ mang các trang thiết bị y tế hiện đại đến khách sạn Mikazuki để tầm soát sức khỏe cho người dân có nhu cầu và sẽ trực tiếp đưa bệnh nhân sang Nhật Bản để chữa trị, nhất là các bệnh nhân ung thư.

Có thể nói, mô hình an dưỡng, dưỡng lão của Nhật Bản đang khá được giới đầu tư ưa chuộng. Ở Hà Nội hiện có Dự án Viện dưỡng lão Phương Đông Asahi, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông

Khởi công vào tháng 7/2022, Phương Đông Asahi đã tạo nên một “cú huých” lớn cho thị trường nghỉ dưỡng, dưỡng lão cao cấp tại Hà Nội - nơi vốn đang “khát” một mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi. Phương Đông Asahi được thiết kế tiện nghi, không gian đẳng cấp kết hợp với nhiều tiện ích chăm sóc sức khỏe toàn diện chuẩn mô hình dưỡng lão Nhật Bản và nhiều đặc quyền chưa từng có tại các viện dưỡng lão ở Việt Nam.

Dự án này có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, quy mô 7.000 m2 nằm trong khuôn viên rộng 10 ha của Tổ hợp Y tế Phương Đông (số 9, Phố Viên, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), dự kiến đón những vị khách đầu tiên trong năm 2024.

Được thiết kế theo phong cách hiện đại và được quản lý, vận hành bởi Tsubasa Group (Nhật Bản), Phương Đông Asahi cung cấp đa dạng dịch vụ gồm: chăm sóc nội trú dành cho người cao tuổi có nhu cầu ở lâu dài hoặc người cao tuổi có bệnh nền, bệnh nặng; chăm sóc bán trú dành cho các gia đình bận rộn hoặc người cao tuổi muốn trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng, dưỡng lão đẳng cấp quốc tế.

Theo giới phân tích, giá trị của viện dưỡng lão Phương Đông Asahi, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi theo tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản, còn là nơi đào tạo điều dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản để cung ứng nhân lực cho thị trường xuất khẩu lao động và tiếp nhận lại những người đã hết thời hạn lao động điều dưỡng tại Nhật Bản về làm việc.

Đòn bẩy từ xu hướng già hoá dân số

Có thể nói, thị trường đầu tư bệnh viện an dưỡng, dưỡng lão cao cấp tại Việt Nam chưa bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh, nhưng đã bắt đầu xuất hiện những “tên tuổi” tạo lập thị trường.

Các nhà phát triển bất động sản đã tìm cách bắt tay các cơ sở y tế để phát triển mô hình này. Dù nhiều nhà đầu tư chưa thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh cơ sở dưỡng lão, nhưng họ tin rằng, nhu cầu đối với các cơ sở này sẽ tăng cao và những thay đổi trong quan niệm xã hội phương Đông sẽ mang lại lợi nhuận trong dài hạn.

Về mặt chính sách, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch chi tiết để thúc đẩy phát triển lĩnh vực chăm sóc y tế cho người già, trong đó tập trung vào việc mở rộng các dịch vụ cơ bản với giá cả phải chăng. Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là tăng số lượng giường tại các cơ sở dưỡng lão và đầu tư nguồn lực để đào tạo nhân lực.

Những thay đổi về nhân khẩu học cũng đang phá vỡ rào cản truyền thống lâu đời, vốn cản trở sự phổ biến của viện dưỡng lão tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam năm 2022 là 12% và đến năm 2050 là 28%. Trong khi

Australia mất 72 năm, thì Việt Nam mất 16 năm để chuyển từ nước sắp già sang nước đã già (tỷ lệ dân số trên 65 tuổi gia tăng).

Nhu cầu các dịch vụ có liên quan đến viện dưỡng lão - nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người lớn tuổi - đang ngày một tăng lên, nhưng tại Việt Nam, thị trường này vẫn còn rất sơ khai. Mặc dù mục tiêu được đặt ra là phải có ít nhất một cơ sở dưỡng lão ở mỗi tỉnh, thành phố vào năm 2025, nhưng như thế cũng chưa thể theo kịp và đáp ứng được tốc độ già hóa  dân số tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư ước tính, hiện tỷ lệ lấp đầy tại các nhà dưỡng lão tư nhân, chủ yếu nằm ở những khu vực kinh tế phát triển, chỉ khoảng 37 - 40%, thấp hơn nhiều so với mức 85% cần để hòa vốn. Những yếu tố khiến khách hàng e ngại gồm chi phí cao (do giá đất ngày tăng cao, chi phí vốn đầu tư nhiều).

Mặc dù vậy, xu hướng già hoá dân số đang là một trong những đòn bẩy cho sự phát triển dịch vụ nhà ở dưỡng lão, bệnh viện an dưỡng phục vụ giới siêu giàu.

Đại diện Savills Việt Nam cho rằng, tại thị trường Việt Nam có rất nhiều đòn bẩy giúp hỗ trợ việc xây dựng các bất động sản dưỡng lão dành riêng cho người cao tuổi, đặc biệt có thể kể tới các gói bảo hiểm đi kèm với giá trị đầu tư đang ngày một phổ biến. Từ góc độ điều hành cơ sở, hiện rất khó để có được đội ngũ nhân viên được đào tạo về y tế chuyên trách. Trong tương lai, mô hình gia đình truyền thống chắc chắn sẽ dần thay đổi và thập kỷ tới sẽ chứng kiến rất nhiều cơ hội cho phân khúc nhà ở dưỡng lão. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư buộc phải đầu tư dài hạn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản