Giải bài toán chênh lệch địa tô khi thu hồi đất làm hạ tầng
An Nguyên - 27/06/2023 09:50
 
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để hoàn trả lại địa tô chênh lệch mà Nhà nước đã tạo ra thông qua việc đầu tư hạ tầng, thì giải pháp lý tưởng nhất là đánh thuế sử dụng đất theo giá trị mảnh đất.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội 

Ở Kỳ họp thứ năm vừa qua của Quốc hội, ông đã tham gia thảo luận tổ về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo), song phiên thảo luận tại hội trường, ông vẫn có tên trong danh sách 106 đại biểu đã đăng ký mà không còn thời gian phát biểu. Như vậy, vẫn có những nội dung khiến ông chưa yên tâm?

Tôi còn chưa yên tâm với khá nhiều quy định, từ quy hoạch, kế hoạch, thu hồi đất cho đến phân cấp, phân quyền… Nhưng trong thời gian có hạn ở hội trường, tôi chỉ chọn một vấn đề liên quan đến thu hồi đất cho các công trình hạ tầng và điều tiết chênh lệch địa tô.

Hiện nay, mỗi khi Nhà nước xây dựng các công trình hạ tầng sẽ nảy sinh mâu thuẫn.

Một mặt, Nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền để đền bù cho chủ đất mà con đường đi qua.

Mặt khác, những người đang ở trong ngõ, sau khi mở đường bỗng dưng được ra mặt đường sẽ được hưởng một lợi ích cực kỳ to lớn nhờ vào việc mở đường của Nhà nước.

Cơ chế này dẫn đến một số hệ quả xấu, khiến quy hoạch trở nên vô cùng có giá trị, bởi nó quyết định ai được hưởng cái gì. Vì thế, người ta tìm cách tác động bóp méo quy hoạch sao cho có lợi về mình.

Trong khi đó, Nhà nước rất thiếu nguồn lực khi xây dựng hạ tầng, đặc biệt là xây dựng các tuyến đường trong đô thị.

Vậy ông cho rằng, khi sửa Luật Đất đai, cần thay đổi cơ chế này?

Có ý kiến cho rằng, đây là điều bình thường và không cần thiết phải thay đổi. Vì Nhà nước có trách nhiệm đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, nên khi Nhà nước đầu tư thêm hạ tầng mà người dân được hưởng cũng là điều bình thường.

Tuy nhiên, tôi nghiêng về ý kiến phản biện, rằng Nhà nước đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng lợi ích này cần được phân bổ đồng đều, hoặc ít nhất thì cũng không quá chênh lệch.

Nhà nước thu thuế của cả triệu người, nhưng khi dùng tiền thuế lại mang lại lợi ích khổng lồ chỉ cho một số người, thì bất công với hàng triệu người còn lại.

Nhiều người cũng đã nhìn ra vấn đề này và đã đề xuất giải pháp là, mỗi khi Nhà nước thu hồi đất làm đường, thì sẽ thu hồi thêm đất hai bên đường để tạo quỹ đất. Khi con đường làm xong thì đất đó được bán đấu giá. Như vậy, Nhà nước thu hồi đất của người dân là khi chưa có đường, đất trong ngõ với giá rẻ. Đến khi Nhà nước bán là đất mặt đường, giá cao hơn. Khoản chênh lệch này sẽ bù phần nào chi phí giải phóng mặt bằng. Còn quan điểm của đại biểu thế nào?

Cơ chế này chỉ phù hợp trong một số hoàn cảnh nhất định, như chính quyền phải rất mạnh và được người dân đồng thuận và chỉ áp dụng được cho các khu vực ngoại ô hoặc đô thị mới. Còn khu vực nội đô thì việc mở rộng diện thu hồi đất vô cùng phức tạp.

Dự thảo trước đó của Luật Đất đai đã đưa ra cơ chế thu hồi thêm đất của các công trình hạ tầng theo tuyến. Tuy nhiên, đến dự thảo lần này thì không còn quy định đó nữa.

Nhiều ưu điểm hơn cơ chế nói trên là đánh thuế sử dụng đất theo giá trị mảnh đất. Biện pháp này được hầu hết các quốc gia phát triển áp dụng.

Trên thực tế, cứ chỗ nào thuận tiện về hạ tầng thì giá trị mảnh đất tăng và số tiền thuế phải nộp nhiều hơn.

Hạ tầng này chủ yếu do Nhà nước đầu tư, nên việc nộp lại cho Nhà nước là hợp lý.

Nhưng Nhà nước cũng chỉ nên thu thuế bất động sản với khoảng 70% giá trị mảnh đất, chứ không nên thu hết, vì ngoài hạ tầng do Nhà nước đầu tư, giá trị của mảnh đất còn do nhiều bên tư nhân khác đầu tư như gần siêu thị, trường học tư nhân, cửa hàng…

Tuy nhiên, chính sách thuế tài sản đang gặp khó vì dường như, mọi người chỉ quan tâm đến việc đánh thuế tài sản để tránh đầu cơ đất, hoặc đánh vào người giàu sở hữu từ nhà thứ hai trở lên. Đây là những mục đích không phù hợp, dân túy.

Mục đích quan trọng nhất của thuế tài sản là nhằm hoàn trả lại địa tô chênh lệch mà Nhà nước đã tạo ra thông qua việc đầu tư hạ tầng. Hay nói cách khác là hoàn trả lại cho hàng triệu người đóng thuế khác.

Nhưng trong bối cảnh chưa thể thu thuế tài sản, thì có thể tính đến giải pháp cho thời kỳ quá độ này không, thưa ông?

Có thể tính đến giải pháp tạm thời là thu tiền từ người được ra mặt đường. Nhà nước xác định giá trị mảnh đất trước khi xây đường và sau khi xây đường. Phần chênh lệch, lấy khoảng 70%.

Chủ đất sẽ phải đóng số tiền chênh lệch này trong 10 năm (có thể 15 năm, hoặc 20 năm), có tính trượt giá sau khi con đường xây dựng xong.

Tác động của cơ chế này là chủ đất ra mặt đường sẽ không được hưởng lợi ích từ trên trời rơi xuống nữa. Giá trị mảnh đất ra mặt đường, sau khi trừ nghĩa vụ thuế, cũng không tăng quá mạnh so với trước đó.

Nếu chủ đất không thể hoặc không muốn nộp tiền thì có thể bán lại mảnh đất cho người khác để kinh doanh. Điều này sẽ giúp đất được sử dụng mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Chủ đất có thời gian 1-2 năm để xây dựng cửa hàng hay cho thuê hay bán lại cho người khác để kinh doanh, giai đoạn này chưa phải nộp tiền.

Như vậy, Nhà nước có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng nội đô. Chính quyền địa phương có thêm động lực để thực hiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản