Ðịa ốc có rung lắc trước biến động tỷ giá?
Hồng Sơn - 29/08/2015 08:26
 
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM, việc tăng tỷ giá với biên độ +/-3% đã có tác động đến thị trường bất động sản, giá bán có tăng lên, nhưng không đáng lo, bởi từ nay đến cuối năm vẫn có nguồn cung dồi dào ra thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) cho rằng, thị trường bất động sản của Việt Nam có đặc thù là hầu hết các dự án đều sử dụng vật liệu xây dựng, thiết bị nội, ngoại thất… có nguồn gốc từ Trung Quốc, do đó, trong bối cảnh hiện nay, thị trường này chắc chắn chịu sự tác động.

“Trong ngắn hạn, các dự án địa ốc sử dụng vật liệu xây dựng và các thiết bị nội, ngoại thất được nhập khẩu từ Trung Quốc đang được hưởng lợi”, ông Châu nói và nhìn nhận, nếu trong dài hạn đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá và giá dầu thô cũng giảm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong nước. Hệ quả là GDP sẽ giảm, sản xuất bị đình trệ, tình trạng thất nghiệp gia tăng… Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, khoản đầu tư mua nhà ở của người dân sẽ giảm, do đó sẽ giảm cầu, ảnh hưởng đến toàn thị trường.

Việc tăng tỷ giá sẽ không tác động nhiều đến thị trường địa ốc
Việc tăng tỷ giá sẽ không tác động nhiều đến thị trường địa ốc

 

Phân tích kỹ hơn về các phân khúc chịu ảnh hưởng của việc tăng tỷ giá, bà Trần Ngọc Chi, Quản lý bộ phận nghiên cứu và tư vấn của C&W Việt Nam cho rằng, các phân khúc căn hộ, văn phòng và bất động sản bán lẻ chịu nhiều tác động nhất. “Tỷ giá đẩy lên cao sẽ tác động đến lãi vay, vì đây là công cụ để bảo vệ tỷ giá hối đoái trước sự biến động nhanh chóng của các luồng vốn trên thị trường quốc tế và trước những thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế. Khi đó, các dự án vay vốn ngân hàng sẽ phải chịu mức lãi suất cao. Đây cũng là một phần chi phí đầu vào không nhỏ của mỗi dự án bất động sản”, bà Chi phân tích.

Ở góc độ khác, đại diện của CBRE Việt Nam lại cho rằng, sự điều chỉnh tỷ giá sẽ không có tác động nhiều đến thị trường bất động sản của Việt Nam, do ít chịu tác động của dòng vốn nước ngoài. Cụ thể, các chủ đầu tư trong nước chiếm hơn 90% nguồn cung căn hộ bán trên thị trường, nên họ vẫn là yếu tố chủ đạo, dẫn dắt thị trường.

Phần lớn các chủ đầu tư địa ốc TP.HCM đều tỏ ra thận trọng, song cũng cho rằng việc tăng tỷ giá là không đáng lo. Theo các doanh nghiệp thì xu hướng hiện nay là toàn thị trường đang ấm lên. Do đó, dù không có tác động của tỷ giá thì xu hướng từ nay đến cuối năm giá bán ở hầu hết các phân khúc đều tăng lên.

Theo ông Châu, các doanh nghiệp hiện nay đều đã “ngấm” bài học từ các giai đoạn “bong bóng” của thị trường bất động sản những năm 2007 và 2010. Do đó, họ sẽ đưa ra giá bán phù hợp với những diễn biến của thị trường. “Chỉ trong trường hợp đồng nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá ở mức 10% và giá dầu giảm xuống mức 32 USD/thùng thì mới thực sự có những biến động lớn trên thị trường bất động sản”, ông Châu phân tích.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản