Kinh doanh căn hộ dịch vụ: Nhẫn nại tính đường dài
Lê Quân - 01/09/2021 14:25
 
Lượng khách mới vắng bóng nhiều tháng qua kể từ khi Covid-19 lần thứ tư bùng phát, khiến các cơ sở kinh doanh căn hộ dịch vụ như ngồi trên đống lửa.
Do ảnh hưởng của Covid-19, phân khúc bất động sản nhà ở/căn hộ cho thuê gặp nhiều thách thức.

Cầm cự

Giám đốc marketing một khách sạn với hơn 100 căn hộ dịch vụ tại Hà Nội chia sẻ, kể từ khi bùng phát Covid-19 lần thứ tư, luồng khách mới hoàn toàn vắng bóng, đơn vị này còn túc tắc vận hành được là nhờ lượng khách cũ đã ký hợp đồng thuê dài hạn. Nếu như các đợt dịch trước, khách thuê mới vẫn lác đác, thì vài tháng nay không được một ai, còn lượng khách từ nước ngoài vào Việt Nam theo diện chuyên gia hay công tác ngắn hạn cũng “đóng băng”.

“Đặc thù của kinh doanh khách sạn là tăng trưởng doanh thu phụ thuộc vào lượng khách mới ra vào gối đầu, nhưng với tình hình hiện nay là rất khó và đây cũng là khó khăn chung của toàn ngành”, vị giám đốc marketing cho hay.

Một số khách sạn đã hợp tác với các doanh nghiệp FDI ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, hay Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cung cấp căn hộ dịch vụ cho chuyên gia và lao động cao cấp của họ. Tuy nhiên, phương án này không được chính quyền chấp thuận do lo ngại an toàn mùa dịch, ngay cả khi nhóm lao động này có kết quả xét nghiệm PRC âm tính và cam kết chỉ thực hiện một lộ trình di chuyển là nơi ở - nơi làm.

“Nhiều trường hợp khách mới vào thuê được một ngày, thì hôm sau đã bị chính quyền địa phương và lực lượng chức năng yêu cầu rời đi”, vị giám đốc marketing phản ánh.

Theo đánh giá của bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Hà Nội, nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ vẫn được ghi nhận là nhờ lượng chuyên gia nhất định. Song, công suất toàn thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội trong quý II/2021 chỉ đạt 69%. Các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp là nguồn cầu chính của thị trường căn hộ dịch vụ.

Do những hạn chế đi lại thời dịch, nên lượng lớn lao động nước ngoài vẫn chưa thể quay trở lại Việt Nam làm việc. Còn với nguồn khách sẵn có trong nước, kể từ khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hồi tháng 5, nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ ở Hà Nội chịu tác động nặng nề.

Lực cầu giảm, nhưng trái lại, nguồn cung căn hộ dịch vụ tại Hà Nội trong quý II vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thuê trung bình giảm 8% theo năm, xuống còn 24 USD/m2/tháng.

Tại TP.HCM, Colliers International Vietnam ghi nhận giá cho thuê căn hộ dịch vụ liên tục giảm. Cụ thể, giá cho thuê căn hộ dịch vụ hạng A trung bình trong quý II đạt mức 26,7 USD/m2/tháng và 25 USD/m2/tháng đối với hạng B, giảm lần lượt 11,7% và 1,97% so với quý trước đó. Tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ tại TP.HCM cũng giảm từ 10 đến 20% so với quý trước ở cả hai phân khúc. Nhiều tòa nhà đã đóng cửa hoặc chuyển đổi thành các cơ sở cách ly để thích ứng với đại dịch. Chưa kể, căn hộ dịch vụ tại đây cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với căn hộ chung cư có giá thuê rẻ hơn.

Nhẫn nại tính đường dài

Các chuyên gia Colliers International đánh giá, trong ngắn hạn, triển vọng của thị trường căn hộ dịch vụ không lạc quan do các chuyến bay thương mại vẫn còn bị hạn chế và số lượng chuyên gia nước ngoài ngày càng giảm.

“Còn trong trung và dài hạn, sự phục hồi của căn hộ dịch vụ phụ thuộc rất nhiều vào chương trình tiêm phòng Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới. Nhiều quốc gia cũng đang tìm cách khôi phục du lịch quốc tế, chẳng hạn như việc sử dụng hộ chiếu vắc-xin. Dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam cũng mang lại sự lạc quan cho lĩnh vực này, khi các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sẽ giúp tăng tỷ lệ lấp đầy của căn hộ dịch vụ”, chuyên gia của Colliers International nhận định.

Tương tự, theo ông Christophe Pairaud, Tổng quản lý khách sạn Novotel Hà Nội Thái Hà và Novotel Suites Hà Nội, do ảnh hưởng của Covid-19, phân khúc bất động sản nhà ở/căn hộ cho thuê gặp nhiều thách thức, nhưng trong trung hạn vẫn có khả năng hồi phục cao hơn phân khúc khác.

Với kỳ vọng Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn sau đại dịch, ông Christophe Pairaud cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung đa dạng hóa thị trường để phân tán rủi ro. Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên cho chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư lớn. Bên cạnh đó, với việc kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, dân số tăng nhanh, nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, các nhà đầu tư và phát triển bất động sản nước ngoài đánh giá cao tiềm năng từ Việt Nam và đang trong tiến trình gia nhập thị trường.

Dự báo nguồn cung căn hộ dịch vụ trong vài năm tới tại hai thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM sẽ nở rộ, bởi các nhà phát triển căn hộ dịch vụ muốn đón lõng nhu cầu khách thuê khi dòng vốn FDI vào Việt Nam bật tăng trở lại. Trong vòng 4 năm tới, TP.HCM dự kiến bổ sung hơn 1.300 căn hộ dịch vụ.

Còn tại Hà Nội có nhiều dự án sắp ra mắt. Đáng kể như Gateway Tower - tòa căn hộ dịch vụ đầu tiên tại Vinhomes Smart City, từng gây xôn xao giới đầu tư bất động sản cho thuê. Bên cạnh đó, dự án 364 căn hộ dịch vụ Somerset Metropolitan West Hanoi vừa được CapitaLand mua lại. Ngoài ra, dự án căn hộ dịch vụ The Heaven nằm trong Khu đô thị Starlake Hà Nội sẽ cung cấp 317 căn hộ cao cấp trong vài năm tới.

Theo những thông tin chia sẻ trong giới khách sạn thì vẫn có khả năng đón khách mùa Covid-19, bởi thực tế nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền ra xét nghiệm Covid-19 (PCR) và tiêm chủng đầy đủ cho các chuyên gia/lao động chất lượng cao và thuê chỗ ở đoàng hoàng cho nhóm đối tượng lao động này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản