M&A “rã băng” bất động sản TP.HCM
Trọng Tín - 07/12/2021 10:12
 
Trái ngược với các lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) bất động sản vẫn sôi nổi khi nhiều dự án “đắp chiếu” ở TP.HCM có dấu hiệu hồi sinh.
Công trình Khu căn hộ Thái Bình Plaza sau nhiều năm “đắp chiếu” đã bắt đầu nhộn nhịp thi công trở lại. Ảnh: Lê Toàn

Nhiều dự án hồi sinh

Sau gần 10 năm “bất động”, tòa cao ốc Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) nằm ở góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) đã khởi động trở lại với tên mới là IFC One Saigon. Dự án được phát triển bởi Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land có văn phòng đặt tại TP.HCM, Hà Nội và Singapore.

Saigon One Tower được xem là một trong những dự án có vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM khi nằm trên khu đất vàng rộng hơn 6.600 m2, tổng vốn đầu tư lên đến 256 triệu USD. Chủ đầu tư ban đầu của Dự án là Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower - liên doanh của Công ty cổ phần M&C, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ.

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007, được kỳ vọng trở thành một trong những tòa cao ốc biểu tượng của TP.HCM. Tuy nhiên, đến năm 2011, khi Dự án chỉ mới xây dựng xong phần thô, hoàn thành khoảng 80% các hạng mục, thì bất ngờ ngừng thi công.

Một dự án khác cũng gây xôn xao thị trường địa ốc TP.HCM tuần qua là Khu căn hộ Thái Bình Plaza nằm tại địa chỉ số 800 - Đồng Văn Cống (TP. Thủ Đức, TP.HCM). Dự án do Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư, vốn là dự án chung cư cao cấp, diện tích 14.000 m2, bao gồm 5 block chung cư. Dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2010, nhưng việc bán hàng không khả quan. Chủ đầu tư đã xin chuyển đổi công năng dự án thành Bệnh viện đa khoa Phúc An Khang với quy mô 500 giường.

Tuy nhiên, hoạt động khoảng 2 năm thì Bệnh viện đa khoa Phúc An Khang tuyên bố đóng cửa. Chia sẻ với truyền thông lúc đó, đại diện chủ đầu tư cho biết, Bệnh viện hoạt động không hiệu quả, liên tục phải bù lỗ, không đủ trả nợ vay. Gần 5 năm qua, thông tin về việc hồi sinh dự án này khá kín kẽ, cho đến cuối tuần qua, công trường của dự án này bắt đầu thi công nhộn nhịp.

Thông tin thể hiện bên ngoài dự án cho biết, Thái Bình Plaza được đổi tên thành Khu căn hộ Swiss - Belresidences Upper East Saigon do Công ty cổ phần Tập đoàn Hasco (Hasco Group, có trụ sở đặt tại số 29 - đường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) làm đơn vị phát triển và Coteccons làm tổng thầu dự án. Tuy vậy, trên website của Hasco vẫn chưa có bất cứ thông tin nào liên quan đến dự án này.

“Rã băng” thị trường bất động sản

Những thông tin trên cho thấy, hoạt động M&A dự án bất động sản thời gian qua vẫn không ngừng cuộn chảy. M&A được xem là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường, giúp các dự án đang gặp khó khăn được hồi sinh, gia tăng nguồn cung cho thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam đánh giá, M&A luôn là xu hướng phát triển của thị trường bất động sản và hoạt động M&A bất động sản cũng chiếm một vị trí đáng kể trong thị trường M&A nói chung.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, việc siết chặt giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, sau đó, chính nhu cầu phát triển sẽ thúc đẩy hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ, bởi đây là mục tiêu để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư kinh doanh, bao gồm M&A dự án và cả hoạt động sáp nhập công ty, để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Ông Hoàng dự báo, thời gian tới, sẽ có nhiều thương vụ M&A lớn được kích hoạt. Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này, nhưng tựu trung là nhu cầu phát triển đầu tư của doanh nghiệp sau dịch bệnh, quy hoạch và quỹ đất không dồi dào khiến nhiều chủ đầu tư sẽ phải gia tăng M&A để tạo quỹ đất. Các doanh nghiệp có quỹ đất, nhưng thương hiệu hoặc năng lực phát triển dự án còn hạn chế, sẽ phải tìm các đối tác để cùng phát triển.

Đánh giá vai trò của các doanh nghiệp Việt trên thị trường M&A thời gian qua, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội nhận xét, hiện các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm phần nhỏ so với các nhà đầu tư Việt Nam khi xét về hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản. Thời gian qua, số lượng các thương vụ M&A thành công phần nhiều là giữa các nhà đầu tư trong nước.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đã có sự chuyển giao khá mạnh từ các doanh nghiệp không chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp, đi đường dài. Sự chuyển giao này là vô cùng cần thiết, làm tăng tính thanh khoản của thị trường, giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin thị trường.

“Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, sẽ không có những khu đô thị, dự án bài bản, đồng bộ. Những năm trước, có khá nhiều dự án bị ‘trùm mền’ hàng chục năm trời, song chính sự chuyển giao trên thị trường đã biến những dự án này thành khu dân cư hiện đại”, ông Châu nói.

Bên cạnh các dự án có cơ hội được bơm vốn để hồi sinh, thị trường vẫn đang còn hàng dài dự án chờ tái khởi động. Đơn cử, siêu dự án Kenton Node (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất - Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công và mở bán năm 2009, sau đó bị “đắp chiếu” nhiều năm do chủ đầu tư gặp vấn đề về vốn. Sau hai lần tái khởi động, dự án này vẫn chưa thể hồi sinh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản