Nhận diện tọa độ đầu tư bất động sản dịp cuối năm
Việt Dũng - 18/11/2022 15:23
 
Dù thị trường đang tiếp tục “rung lắc” và đứng trước nhiều khó khăn, song cơ hội vẫn còn nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và hạ tầng ngày càng phát triển.

“Điểm sáng” vẫn còn

Kể từ đầu quý II/2022, khi các ngân hàng có động thái siết tín dụng đối với bất động sản, thanh khoản ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đã sụt giảm. Dòng tiền trên thị trường yếu dần và các nhà đầu tư đều có tâm lý phòng thủ.

Dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn vị này nhận định, dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, nếu so sánh thị trường hiện tại với giai đoạn suy thoái 15 năm trước, thì có một số điểm tích cực hơn. Cụ thể, 9 tháng năm 2022, tăng trưởng tín dụng kinh doanh bất động sản là 7,35%, thấp hơn mức tăng 11% của tín dụng; Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm không quá 14%. Ngoài ra, quy mô nền kinh tế ước khoảng 394,5 tỷ USD, gấp 5,53 lần năm 2007. Dự trữ ngoại hối gấp 5,3 lần so với năm 2007, thể hiện sức chống chịu tốt…

Theo ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, so với nhiều quốc gia trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn có các tín hiệu tích cực thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường.

“Trong khi các kênh huy động vốn đều không khả thi, các doanh nghiệp nên tìm đến kênh FDI như một giải pháp phù hợp. Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất - chế tạo và bất động sản. Cần phải khẳng định rằng, đây là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay”, ông Neil MacGregor nói.

Bên cạnh những yếu tố về kinh tế, việc phát triển hạ tầng giao thông mạnh mẽ cũng đem đến sức bật tương ứng cho thị trường bất động sản. Dọc từ Bắc vào Nam, những nơi có giao thông đồng bộ, hiện đại, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM…, giá bất động sản đều được neo ở mức cao.

“Bỏ tiền” vào đâu?

Dù thị trường vẫn còn “điểm sáng”, nhưng đã xuất hiện tâm lý quan sát để chờ đợi cơ hội “bắt đáy” nhằm gia tăng biên lợi nhuận. Tuy nhiên, rất khó để biết đâu là đáy của thị trường bất động sản.

Đưa ra một số lời khuyên đối với nhà đầu tư khi lựa chọn bất động sản để xuống tiền vào thời điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong kinh doanh bất động sản, vị trí là yếu tố quan trọng khi đầu tư. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khu vực trung tâm thành phố lớn không còn nguồn cung, vì thế, những vùng vệ tinh, lân cận thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hay các thị trường mới, kết nối thuận tiện, giàu tiềm năng du lịch là lựa chọn phù hợp.

Tại các khu vực này, giá bất động sản còn ở vùng hấp dẫn, dư địa tăng giá còn rộng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể đánh giá giá trị thật của sản phẩm dựa trên các điều kiện về hạ tầng giao thông (cầu, đường, bến cảng, sân bay...); hạ tầng dịch vụ (bệnh viện, trường học, siêu thị, các tiện ích công cộng...).

Bên cạnh vị trí, yếu tố quan trọng của dự án giúp nhà đầu tư an tâm “xuống tiền” là tính hiện hữu. Những dự án hiện hữu không chỉ giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro về dòng tiền, đảm bảo các điều kiện pháp lý, mà còn giúp họ sớm khai thác kinh doanh, thu về lợi nhuận.

“Ở thời điểm hiện tại, khi cầu về nhà ở tương đối lớn và tiếp tục tăng cao, các dự án hiện hữu nhanh chóng đáp ứng nguồn cầu của khách hàng. Đặc biệt, sau Covid-19, xu hướng chọn bất động sản của khách hàng có nhiều thay đổi. Họ ưu tiên lựa chọn vùng lân cận thành phố lớn, được kết nối giao thông thuận tiện, có không gian sống thoáng đãng, có nhiều tiện ích nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Tương tự, một chuyên gia cấp cao của CBRE Việt Nam khuyến nghị, khách hàng nên có kế hoạch rõ ràng về dòng tiền, hạn chế vốn vay và dự phòng dài hơn về tính thanh khoản, đồng thời tìm hiểu kỹ pháp lý dự án. Chi phí lãi vay có xu hướng gia tăng, nên chính sách bán hàng của chủ đầu tư sẽ là yếu tố quan trọng để cân nhắc quyết định và lựa chọn mua sản phẩm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản