Sản xuất, kinh doanh xi măng: Người thụt lùi, kẻ đi ngang
Thế Hải - 27/04/2017 20:23
 
Sự thận trọng trong lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho năm 2017 của các doanh nghiệp xi măng được cảm nhận rõ ràng hơn khi phần lớn doanh nghiệp đều đặt mục tiêu tăng trưởng ngang bằng, hoặc thấp hơn, so với kết quả kinh doanh năm 2016.

Lùi mục tiêu lợi nhuận

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) vừa đại hội đồng cổ đông, trong đó các mục tiêu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xi măng, clinker đưa ra cho cả năm 2017 chỉ tăng rất nhẹ so với mức thực hiện của năm trước, thậm chí, mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay còn thấp hơn kết quả của năm 2016 tới 15 tỷ đồng.

Năm 2016, sản xuất kinh doanh xi măng của Vicem Bút Sơn đạt tăng trưởng khá. Sản xuất xi măng đạt 3,45 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ, sản xuất clinker đạt 2,6 triệu tấn, tiêu thụ sản phẩm tăng 13%, đạt 3,87 triệu tấn. Tổng doanh thu đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 8%, lợi nhuận trước thuế 166 tỷ đồng, tăng 12%.

.
Năm 2017 tiếp tục là năm thử sức đối với các doanh nghiệp xi măng bởi nguồn cung vẫn lớn hơn cầu

Ông Lưu Đình Cường, Tổng giám đốc BTS cho biết,  năm 2017, tiêu thụ xi măng vẫn khó khăn do nguồn cung lớn hơn cầu. Do đó, Công ty đặt mục tiêu sản xuất 2,62 triệu tấn clinker, 3,65 triệu tấn xi măng, tiêu thụ sản phẩm đạt 3,65 triệu tấn trở lên,  mục tiêu doanh thu đạt 3.304 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2016, riêng lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ đồng.

Việc BTS thụt lùi mục tiêu lợi nhuận hoàn toàn dễ hiểu, xét trong bối cảnh thị trường đang dư cung, các nhà sản xuất đều đôn đáo, làm mọi cách tối ưu hóa sản lượng, hạ giá bán để đẩy lượng hàng tiêu thụ, chấp nhận tăng chi phí bán hàng. Cho nên, không quá khó hiểu khi kế hoạch lợi nhuận của BTS giảm 15 tỷ so với 2016.

Với Vicem Bỉm Sơn, thương hiệu từ nhiều năm nay được nhiều công trình xây dựng lớn tại miền Bắc và khách hàng dọc miền Trung lựa chọn, nhưng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2017 chỉ đi ngang.

Cụ thể, kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC – HNX) chỉ đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.233 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 1% so với thực hiện năm 2016. Mức lợi nhuận đề ra là 261 tỷ đồng, tăng gần 3 tỷ đồng so với năm 2016.

Tiêu thụ xi măng quý I/2017

Quý I năm 2017, tiêu thụ xi măng của toàn ngành, gồm cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu, ước đạt 13,5 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn, tương ứng với mức tăng 5,7% so với năm 2016.

Sản lượng toàn ngành xi măng quý I/2017 ước đạt khoảng đạt 14 triệu tấn, tăng 0,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng 3,8% so với năm 2016.

Nguồn; Cục quản lý giá (Bộ Tài chính)

Điều đáng nói, kết quả sản xuất, kinh doanh của BCC trong năm 2016, dù rất nỗ lực, cũng chỉ duy trì mức hoạt động sản xuất, kinh doanh ngang với năm 2015. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế không thay đổi nhiều. Các khoản chi phí bán hàng tăng 30%, từ mức 203 tỷ đồng lên hơn 264 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, năm 2017 tiếp tục là năm thử sức đối với các doanh nghiệp xi măng bởi nguồn cung lớn hơn cầu. Đáng nói, khu vực từ Thanh Hóa vào Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ chứng kiến cuộc tranh giành thị phần tiêu thụ xi măng khốc liệt giữa các nhà sản xuất, do các dự án xi măng mới đưa vào hoạt động. Chỉ tính riêng Xi măng Sông Lam (Nghệ An) và Xi măng Long Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã có tổng công suất lên tới 6,7 triệu tấn.

Hà Tiên 1 thừa thắng xông lên

Trong số các doanh nghiệp thuộc Vicem dám đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay, chỉ có “người anh cả” là Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên 1 (HT1).

Con số 6,5 triệu tấn là khối lượng xi măng đã được HT1 tiêu thụ trong năm 2016, tăng 15% so với năm trước. Thừa thắng xông lên, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm 2017 và không phải ngẫu nhiên, mục tiêu tăng trưởng tiêu thụ được đặt ra ở mức 2 con số.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, mức tăng trưởng 15% mà HT1 đặt ra cho năm 2017 có thể đạt được, bởi thị trường tiêu thụ của Công ty đã được mở rộng hơn. Cụ thể, những năm trước, khu vực Đắc Lắc - Phú Yên - Khánh Hòa là thị trường kinh doanh của HT1 và một số doanh nghiệp khác thuộc Vicem. Nhưng từ 2017, Vicem đã quy hoạch lại vùng kinh doanh giữa các đơn vị trong Vicem, theo đó HT1 được độc quyền khai thác khu vực thị trường từ Đắc Lắc - Phú Yên kéo dài hết khu vực Nam bộ, khiến thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn các năm trước, tạo tiền đề để Công ty có được kết quả tiêu thụ ấn tượng hơn trong năm 2017.

Dẫu vậy, tương lai HT1 có về đích với mức tăng trưởng 2 chữ số như kế hoạch đề ra hay không vẫn chưa thể nói trước, bởi thương hiệu Holcim, nay đã đổi thành INSEE, thuộc sở hữu của ông chủ người Thái - Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) đã và đang bám chắc thị trường khu vực này, cũng đã có chiến lược kinh doanh mới để đạt mục tiêu gia tăng độ phủ thị trường. Có thể nói, cuộc chiến dành thị trường của các doanh nghiệp xi măng trong năm 2017 vẫn chưa hết hồi quyết liệt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản