Thị trường bất động sản: Rộng mở cơ hội M&A
Xu thế mua bán, chuyển nhượng (M&A) trong lĩnh vực bất động sản được dự đoán tiếp tục sôi động với nhiều hoạt động đến từ các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là giới đầu tư từ Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore.

Những kế hoạch tỷ đô

Cuối tháng 6, Tập đoàn Hankyu Hanshin Holdings, Inc cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản đến gặp Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hankyu Hanshin là tên tuổi lão làng trong giới đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, du lịch,
bất động sản, truyền thông giải trí, khách sạn, giao thông - vận tải… của xứ sở mặt trời mọc.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã giới thiệu với các doanh nghiệp Nhật Bản về 197 dự án đầu tư theo hình đối tác công - tư (PPP) và 120 dự án trọng điểm cấp quốc gia tại TP.HCM đang kêu gọi đầu tư.

Ông Châu cho biết, Tập đoàn Hankyu đã chọn TP.HCM làm địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, họ phải lựa chọn được đối tác tin cậy, có năng lực và hai bên cùng có lợi. Ngoài ra, địa điểm đầu tư sẽ là yếu tố quyết định.

Trước đó, giới đầu tư đã có thông tin, hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản có thể rót tới 2 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới và đích ngắm là các dự án tại TP.HCM, Hà Nội...

Cần phải nói thêm rằng, trước đó, ngoại trừ một số thương vụ có tính chất đặc biệt, thì nhà đầu tư Nhật Bản cực kỳ thận trọng với các kế hoạch đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Vì thế, sự thay đổi thái độ của những nhà đầu tư này là một tín hiệu cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển.

Trong thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A có sự góp mặt của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Chẳng hạn, một nhà đầu tư nước này đã mua lại 70% quyền sở hữu tòa nhà văn phòng A&B tại trung tâm TP.HCM. Trước đó, Quỹ Đầu tư Creed Group đã rót hàng trăm triệu USD vào Tập đoàn Đầu tư An Gia và cùng với đối tác này mua lại nhiều dự án bất động sản, trong đó mới nhất là mua lại 5 block căn hộ thuộc dự án La Casa (quận 7, TP.HCM) của Tập đoàn Vạn Phát Hưng với giá trị 910 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 triệu USD)…

Ngoài các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, dòng vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam còn đến từ các nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và mới đây có thêm nhóm nhà đầu tư Trung Quốc.

Trong đó, cái tên nổi bật có thể kể đến như CapitalLand (Singapore) với hàng loạt thương vụ như mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8 ha ở Thảo Điền, một trong những khu dân cư được ưa chuộng nhất tại TP.HCM, để phát triển hơn 300 căn hộ. Động thái này thể hiện chiến lược mở rộng tiềm năng phát triển mảng nhà ở tại Việt Nam của chủ đầu tư này.

Trong quý I/2017, một nhà phát triển khác của Singapore là Keppel Land đã chi 846 tỷ đồng (khoảng 37 triệu USD) để sở hữu thêm 16% trong dự án Saigon Centre tại quận 1, TP.HCM.

Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức từ năm 2009 đến nay.

Với chủ đề “Tìm bước đột phá”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 được tổ chức vào ngày 10/8/2017 tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư. Dự kiến, sẽ có khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện. Đặc biệt, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu từ Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư.

Vào tháng 3/2017, Hongkong Land (Hồng Kông, Trung Quốc) đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) trong việc khai thác các dự án nhà ở trên quỹ đất nhận được tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Một tập đoàn khác đến từ Hồng Kông là Sunwah cũng đang âm thầm triển khai dự án cao cấp tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Cùng với các dự án liền kề như Saigon Pearl, Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River, dự án này sẽ tạo thành một chuỗi căn hộ cao cấp chạy dọc bờ sông Sài Gòn.

Hay như tại Hội An, sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng dự án resort kết hợp casino Nam Hội An trị giá 4 tỷ USD của VinaCapital cũng đã được khởi công vào năm 2016 sau khi chọn được đối tác ưng ý là Tập đoàn Chow Tai Fook đến từ Hồng Kông.

Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư Trung Quốc là Tập đoàn China Fortune Land Developmet đánh dấu sự có mặt của mình tại thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại Dự án Đại Phước Lotus (Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) của VinaCapital với giá trị 65 triệu USD.

Nhưng tham vọng của một trong những doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh địa ốc lớn nhất Trung Quốc không dừng lại ở đó, bởi bên cạnh thâu tóm Đại Phước Lotus, tập đoàn này đang hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển Khu đô thị Đông Sài Gòn và Khu công nghiệp Ông Kèo tại tỉnh Đồng Nai - hai dự án có vị trí liền kề với Sân bay Quốc tế Long Thành sẽ hình thành trong tương lai. 

Cơ hội ngày càng rộng mở

Trong thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ với hàng loạt thương vụ có giá trị lớn.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang Lasalle cho rằng, hiện có hàng tỷ USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp.

Trong đó, phân khúc khách sạn luôn thu hút được sự quan tâm trong thời gian qua với nhiều nguồn vốn từ nước ngoài được đổ vào Việt Nam. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, đồng thời những thị trường khác như khu công nghiệp và giáo dục cũng đang không ngừng tăng trưởng. Thị trường nhà ở bình dân được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Cho đến nay, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đến nay mới đạt 33%, dư địa còn rất lớn. Mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động từ nông thôn chuyển ra thành thị sinh sống, trong đó có lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp. Thu nhập người dân tăng lên, số người tuổi từ 18 đến 50 chiếm khoảng 60% dân số. Đây là độ tuổi có sức mua lớn. Nhu cầu nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho công nhân rất cần thiết.

Còn theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam, một điểm sáng tích cực hút nhà đầu tư ngoại là những chuyển động mang tính tích cực và những rào cản trước đây đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang dần được tháo gỡ. Nếu như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài khi bước chân vào thị trường bất động sản Việt Nam còn thiếu rất nhiều thông tin để ra quyết định đầu tư, thì trong những năm vừa qua, thông tin trên thị trường đã phong phú, đa dạng và minh bạch hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến các chính sách, cũng như các thủ tục hành chính để giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với các nguồn thông tin khi họ đã xác định được một dự án hay một khu đất cần đầu tư đã diễn ra nhanh chóng hơn. Điều này khiến họ tự tin hơn khi bước vào thị trường.

Ngoài ra, chuyển động tại thị trường bất động sản khác trong khu vực lại không được tích cực như thị trường Việt Nam. Nếu như trước đây, các nhà đầu tư có rất nhiều lựa chọn, thì bây giờ, dường như thị trường bất động sản tại TP.HCM và Hà Nội đang có những điểm thuận lợi hơn so với những thị trường khác tại ASEAN.

Cũng theo bà Dung, cách thức phổ biến nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là liên doanh, liên kết với các công ty nội địa để tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp nội có sẵn đất sạch và những kết nối trên thị trường.

Họ sẽ góp vào liên doanh đó nguồn vốn và như kinh nghiệm của họ tại những thị trường phát triển hơn. Một hình thức khác cũng được các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng đó là lập công ty con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và sẽ tự mua một dự án đã hoạt động hoặc mua một khu đất nào đó.

“Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại có thể mua cổ phần của các công ty bất động sản tại Việt Nam hoặc mua cổ phần của những công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng trường hợp này cũng không nhiều”, bà Dung nói.

Các nhà quan sát thị trường lâu năm cho rằng, M&A là một giải pháp giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Stephen Wyatt cho rằng, dù việc thâu tóm bất động sản qua M&A là một cách thức mang lại hiệu quả cao, nhưng vẫn có nhiều vấn đề “ẩn giấu” chưa được tiết lộ cần xem xét trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản