Tìm quốc kế cho nhà đầu tư địa ốc
- 08/05/2013 13:43
 
TIN LIÊN QUAN

Royal City là một trong số rất ít dự án địa ốc có tiến độ triển khai nhanh trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng. Ảnh: Chí Cường

Thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2013 nóng bỏng giữa 2 luồng ý kiến tranh luận “tồn tại hay không tồn tại”.

Một bên cho rằng, thị trường cần được điều chỉnh bằng cách “rơi tự do” theo thuyết “bàn tay vô hình”.

Một bên cho rằng, cần can thiệp, nâng đỡ thị trường, tránh một sự đổ vỡ hệ thống cho nền kinh tế bằng “bàn tay hữu hình” của Nhà nước.

Bình luận về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, kinh tế thị trường hiện đại không có chỗ cho sự lựa chọn giữa “bàn tay vô hình” của thị trường và “bàn tay hữu hình” của Nhà nước, mà vừa phải tôn trọng quy luật tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu, vừa phải coi trọng vai trò điều chỉnh của Nhà nước để khắc phục sự méo mó của thị trường, bảo đảm cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội của quá trình phát triển.

Để góp phần giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ tồn kho, nợ xấu..., các chuyên gia, các nhà làm chính sách đến từ Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp - những người trực tiếp lăn lộn với thị trường bất động sản trong nhiều năm sẽ có cuộc gặp gỡ tại Tọa đàm "Triển vọng cho thị trường bất động sản 2013”. Chương trình do Báo Đầu tư tổ chức tại số 47 - Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội vào sáng mai (9/5).

Xin mời độc giả đặt câu hỏi với các diễn giả, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp về những vấn đề mình quan tâm.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, luận điểm cho rằng, Nhà nước không nên bơm tiền để cứu các doanh nghiệp bất động sản vì họ đã “ăn đủ” là rất phiến diện; không thấy rằng, thị trường bất động sản vừa là kinh tế, vừa là xã hội, nên không thể để mặc thị trường tự điều tiết theo “bàn tay vô hình”.

Việc để quá lâu tình trạng hàng chục ngàn căn hộ, hàng vạn biệt thự bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của đất nước, do chôn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng không sinh lợi, trong khi có thể và cần phải giải quyết nhanh hơn, có hiệu quả hơn.

Trên thực tế, để khơi thông thị trường, giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản và toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ đã có nghị quyết về vấn đề này (Nghị quyết 02/NQ - CP ngày 7/1/2013), nhưng việc triển khai của cơ quan chức năng còn khá chậm chạp. Vấn đề đặt ra hiện nay là, cần thực hiện rốt ráo hơn các giải pháp thúc đẩy thị trường, trong đó ưu tiên việc hạ lãi suất cho những người mua nhà lần đầu về mức 6% và giải ngân khoản tiền 30.000 tỷ đồng cho những dự án có tiến độ thực hiện tốt và những dự án nhà ở xã hội.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, giải ngân số tiền 30.000 tỷ đồng vào thời điểm này sẽ hỗ trợ được rất lớn cho thị trường, nhiều người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà. Nhưng cần phải làm rõ, đây là vốn ngân sách bỏ ra, hay chỉ là vốn mồi hỗ trợ nhằm thu hút các nguồn lực khác. Nếu là vốn ngân sách bỏ ra, thì cần cơ chế giám sát nghiêm ngặt và thông tin về các doanh nghiệp được vay phải được công bố rõ ràng, tránh “lợi ích nhóm” giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong việc xét duyệt đối tượng được vay.

Ông Liêm cho rằng, thời hạn hỗ trợ lãi suất 6%/năm kéo dài trong 3 năm là quá ngắn, nếu để hỗ trợ người nghèo mua nhà. “Thời hạn tín dụng ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà ở các nước phổ biến từ 10 đến 20 năm. Cần phải tính toán lại thời hạn này để người dân vững tin rằng, chính sách hỗ trợ sẽ ổn định”, ông Liêm nói.

Gắn bó với thị trường bất động sản qua nhiều thăng trầm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, từ cách đây 2 năm, đã có nhiều cảnh báo về sự trầm lắng của thị trường bất động sản, tình trạng tồn kho, nợ xấu của doanh nghiệp... Đến đầu năm 2013, trước tình hình khó khăn của thị trường, nhiều doanh nghiệp kêu cứu, Nghị quyết 02/NQ - CP ra đời nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tuy nhiên, việc triển khai của cơ quan chức năng vẫn còn rất chậm chạp. Ngoài ra, việc cho phép chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội, các giải pháp đưa ra chưa giải quyết được các khó khăn đặt ra...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản