Tổ công tác gỡ vướng của TP.HCM đã giải quyết cho 17 dự án bất động sản
Trọng Tín - 08/12/2023 07:18
 
Với 5 cuộc họp được tổ chức sau khi TP.HCM kiện toàn Tổ công tác gỡ vướng vào cuối tháng 5/2023, đến nay, Thành phố đã giải quyết các vướng mắc cho 17 dự án đầu tư bất động sản.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 của UBND Thành phố cho biết, ngày 31/5/2023, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2215/QĐ-UBND về việc kiện toàn Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố với 14 thành viên do Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng.

Các thành viên còn lại gồm Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường làm Tổ phó Thường trực, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai làm Tổ phó; Thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, văn phòng UBND Thành phố, UBND TP. Thủ Đức, quận, huyện tại địa điểm thực hiện dự án.

Đến nay, Tổ Công tác đã tổ chức 5 cuộc họp để giải quyết các nội dung còn tồn tại vướng mắc dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và các dự án đầu tư của nhà đầu tư không sử dụng vốn Ngân sách Thành phố và ban hành 8 Thông báo kết luận chỉ đạo.

Khu phức hợp Sóng Việt nằm trên "đất vàngThủ Thiêm của Công ty Quốc Lộc Phát là 1 trong 3 dự án đã được giải quyết vướng mắc theo chỉ đạo của Tổ công tác. Ảnh: Lê Toàn

Theo đó, có 3 dự án đã được giải quyết theo chỉ đạo của tổ công tác, bao gồm: dự án khu phức hợp Sóng Việt của Công ty Quốc Lộc Phát; Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty VTHouse và Công ty Tâm Giao; Dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.

Ngoài ra, có 12 dự án đang được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Cụ thể, dự án tại số 3A - 3B Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé; Dự án Căn hộ Lê Thành, Tân Tạo 2; Dự án Khu Nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành; Tổ hợp cao ốc thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ trên đường Ba Tháng Hai, Quận 11; Dự án tại số 100 đường Cô Giang, Quận 1.

Khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại - dịch vụ, khách sạn, oficetel tại số 428 - 430 Nguyễn Tất  Thành, Quận 4; Dự án Xây dựng chung cư 926 Võ Văn Kiệt; Dự án Đầu tư xây dựng cụm 8 chung cư lô số, cư xá Thanh Đa, Phường 27, quận Bình Thạnh; Dự án Khu dân cư Nhơn Đức Nhà Bè…

Ngoài ra, dự án Khu dân cư NBB Garden III của Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy đã được tham mưu theo ý kiến chỉ đạo của tổ Công tác nhưng vẫn còn nội dung vướng mắc.

Riêng dự án Moonlight Centre Point của Hưng Thịnh và Metro Star của CT Group đang được tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư dự án.

Đối với 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, UBND Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc, thông báo đến các nhà đầu tư để nghiên cứu đề xuất thay đổi mục tiêu từ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đang giải quyết 21 kiến nghị của doanh nghiệp FDI

Cùng với việc gỡ vướng cho các dự án đầu tư trong nước, UBND Thành phố cho biết Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) đã tiếp nhận thông qua các Hội nghị đối thoại trực tiếp từ đầu năm đến nay là 616 câu hỏi, kiến nghị.

Đến nay, các đơn vị liên quan đã giải quyết 596/616 kiến nghị, đạt 96,5% tổng số câu hỏi, kiến nghị đã tiếp nhận.

Hiện còn 20 kiến nghị đang trong quá trình giải quyết gồm: 4 câu hỏi của doanh nghiệp Hàn Quốc được tiếp nhận tại Hội nghị Đối thoại giữa Lãnh đạo Thành phố và Doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2023; 6 câu hỏi của doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận trước Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản lần thứ 22, đã phối hợp với các đơn vị trao đổi tại các phiên trù bị, hiện đang chờ doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi ý kiến;

Ngoài ra, còn có 2 câu hỏi của doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố ngày 12/10/2023; 8 câu hỏi của doanh nghiệp Singapore tiếp nhận vào ngày 26/10/2023.

UBND Thành phố đánh giá việc thu hút đầu tư nước ngoài được Thành phố quan tâm đẩy mạnh thực hiện, trong đó, tập trung thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn từ các Tập đoàn quốc tế trong các lĩnh vực trọng yếu như: dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, logistics, các ngành công nghiệp chiến lược, các khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh.

Tuy nhiên, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao do các yêu cầu của các Tập đoàn thường vượt quá các chính sách quy định của Luật Đầu tư. Do đó, tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 bổ sung các cơ chế đặc thù về thu hút đầu tư nước ngoài cho Thành phố; việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc sẽ được tập trung giải quyết đồng thời với công tác triển khai thực hiện Điều 7, Nghị quyết số 98 quy định việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Đồng thời, các khó khăn, vướng mắc của Doanh nghiệp FDI chủ yếu liên quan đến việc tiếp nhận, thẩm định, cấp phép, quản lý, giám sát, sử dụng, quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài, lao động nước ngoài.

Trong đó, đầu tiên là việc gia hạn thời hạn hoạt động dự án đối với các dự án có tài sản nhà nước đưa vào góp vốn trong liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; Thứ hai là việc thẩm định dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;

Thứ ba là về đầu tư chui, đầu tư núp bóng; Thứ tư là việc thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp nhà đầu tư trong nước có dự án đầu tư có sử dụng đất; thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương.

Do vậy, Thành phố tiếp tục theo dõi, đeo bám, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xem xét, tháo gỡ theo quy định.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản