Trục lợi nhà ở xã hội
Gia Phú - 16/03/2019 09:35
 
Nhu cầu nhà ở xã hội ở các thành phố lớn hiện rất lớn, trong khi số lượng dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dẫu vậy, không ít doanh nghiệp địa ốc lại tiếp cận các dự án nhà ở xã hội để trục lợi.
Số lượng Dự án nhà ở xã hội được triển khai hiện nay còn rất hạn chế. Ảnh: G.H
Số lượng dự án nhà ở xã hội được triển khai hiện nay còn rất hạn chế. Ảnh: G.H

Nhà ở xã hội bán giá thương mại, bán sai đối tượng

Câu chuyện Dự án The Western Capital (116 - Lý Chiêu Hoàng, quận 6, TP.HCM) mới đây là một ví dụ về trục lợi nhà ở xã hội.

Dự án này do Công ty TNHH Quản lý bất động sản Hoàng Phúc làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 18.486 m2, được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư năm 2015.

Dự án được chia làm 2 khu: khu thương mại có tổng diện tích 11.086 m2, xây 3 block chung cư cao 25 - 36 tầng với 1.238 căn hộ; khu còn lại làm nhà ở xã hội, có tổng diện tích 7.400 m2, gồm 12 tầng với 390 căn hộ.

Thay vì phải đóng tiền sử dụng đất như các dự án khác, chủ đầu tư dự án này được UBND TP.HCM xác định nghĩa vụ tài chính theo hình thức khấu trừ tài sản, vì là dự án nhà ở xã hội.

Hạng mục nhà ở xã hội sẽ được thực hiện theo Nghị định 188/2013/NĐ-CP, với chi phí đầu tư thực tế sẽ được kiểm toán sau khi công trình nhà ở xã hội hoàn thành. Phần diện tích nhà ở thương mại sẽ được tính sau khi chủ đầu tư hoàn thành hạng mục nhà ở xã hội. Có nghĩa là, các hạng mục nhà ở xã hội của dự án này phải được hoàn thành để làm cơ sở tính chi phí xây dựng dự án, sau đó, chủ đầu tư mới được phép bán ra thị trường.

Tuy nhiên, thời gian qua, chủ đầu tư này đã quảng cáo trên các trang mạng về việc chào bán dự án nhà ở xã hội tiềm năng nhất quận 6 với giá chỉ 1,1 tỷ đồng/căn 45 m2, dù chưa được cơ quan chức năng duyệt giá bán…

Sau đó, ngày 26/2/2019, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến có Văn bản số 199/UBND yêu cầu chủ đầu tư Dự án The Western Capital không được huy động vốn quá 50% sản phẩm nhà ở thương mại và chỉ được quản lý, khai thác 180 căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này. Sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với khu nhà ở thương mại hoặc đã bàn giao quỹ nhà ở xã hội cho Nhà nước theo quy định, chủ đầu tư mới được xem xét, chấp thuận huy động vốn đối với số nhà ở thương mại còn lại của dự án.

Trường hợp khác là Dự án Nhà ở xã hội Khu dân cư Bắc Vĩnh Hải (tỉnh Khánh Hòa) do Công ty Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Dự án gồm 4 khối tháp cao 20 tầng, với 1.002 căn hộ và 7 khu thương mại dịch vụ. Dự án khởi công ngày 22/4/2015 trên diện tích hơn 10.800 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra dự án này cho thấy, Công ty Địa ốc Hoàng Quân đã có hàng loạt sai phạm. Đáng chú ý là, nhiều căn hộ được chủ đầu tư bán không đúng đối tượng, trong đó có cả người nước ngoài.

Cụ thể, có 7 căn hộ được chủ đầu tư bán cho người nước ngoài. Trong đó có 4 căn hộ bán cho người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài.

“Việc Công ty Hoàng Quân bán nhà ở xã hội giá thương mại cho người nước ngoài là không đúng quy định của Chính phủ. Dù Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã trả lời công ty về tổ chức, cá nhân nước ngoài không được mua, thuê căn hộ chung cư tại Dự án Nhà ở xã hội Bắc Vĩnh Hải, nhưng Công ty vẫn bán cho các đối tượng này", kết luận thanh tra do UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ.

Dự án nhà ở thương mại hay nhà ở xã hội?

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện theo Điều 23, Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Nhưng thực tế, có không ít thông tin về việc các dự án của chủ đầu tư được cơ quan nhà nước phê duyệt chấp thuận đầu tư, nhưng đối tượng mua nhà chỉ giới hạn trong phạm vi ngành, cơ quan nhà nước nhất định. Câu hỏi đặt ra là, các dự án này là dự án nhà ở thương mại hay dự án nhà ở xã hội?

Dựa theo nguồn gốc quyền sử dụng đất, các văn bản phê duyệt pháp lý về dự án để xác định loại hình dự án nhà ở. Các dự án nhà ở này trước đây được đề xuất trên quỹ đất thuộc quyền quản lý của ngành, cơ quan, được đề xuất và giao cho chủ đầu tư là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện dự án (trong đó có phần diện tích nhà ở xã hội và phần diện tích kinh doanh thương mại) được xác định là loại hình dự án nhà ở xã hội, nhưng việc bán nhà ở xã hội không thực hiện theo trình tự, thủ tục, đối tượng chung (Điều 49, Luật Nhà ở) quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, mà ưu tiên bán cho các đối tượng của ngành, cơ quan nhất định.

Ngoài ra, một số dự án ban đầu có chủ trương dành quỹ đất của ngành, cơ quan để thực hiện dự án cho cán bộ ngành, cơ quan, nhưng sau đó, đất được chuyển giao cho doanh nghiệp dân doanh, được đăng ký xác định là loại hình dự án nhà ở thương mại và kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Với những thực tế như trên, các cơ quan nhà nước cần kiểm tra, rà soát để đảm bảo việc quản lý sử dụng đất tại các cơ quan, đơn vị, ngành đúng theo quy định Luật Đất đai và việc phát triển nhà ở xã hội bình đẳng, đúng đối tượng hỗ trợ và đúng theo quy định của Luật Nhà ở.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản