Tương lai nào cho địa ốc?
- 09/05/2013 09:33
 
TIN LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư

Thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2013 nóng bỏng giữa 2 luồng ý kiến tranh luận “tồn tại hay không tồn tại”. Một bên cho rằng, thị trường cần được điều chỉnh bằng cách “rơi tự do” theo thuyết “bàn tay vô hình”. Một bên cho rằng, cần can thiệp, nâng đỡ thị trường, tránh một sự đổ vỡ hệ thống cho nền kinh tế bằng “bàn tay hữu hình” của Nhà nước.

Các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp bày tỏ ý kiến đa chiều tại buổi tọa đàm "Khả năng hồi phục của thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2013" đang diễn ra tại Báo Đầu tư.

Thị trường trong “cơn đau sinh nở”

Tham luận tại buổi Toạ đàm, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, nhiều người nói rằng Nghị quyết 02/NQ – CP ngày 7/1/2013 là văn bản giải cứu thị trường bất động sản, nhà đầu tư bất động sản, nói như vậy là không đúng. Đây là sự can thiệp cần thiết của Nhà nước vào thị trường, trong đó một dung lượng khá lớn của chính sách tập trung vào giải quyết nhà ở cho người lao động. Hướng của Nghị quyết cũng không tập trung chỉ cho các doanh nghiệp, đó là hướng nhằm bảo đảm tìm lối ra cho mọi khó khăn của nền kinh tế đất nước hiện nay.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ với quan điểm "cùng tắc biến, biến tắc thông"

“Thị trường bất động sản hiện nay như đang trong cơn đau sinh nở, một mầm non bất động sản mới khỏe mạnh sắp xuất hiện. Nghị quyết 02/NQ - CP như một phương án đỡ đẻ tốt, bà đỡ cụ thể là các cơ quan quản lý nhà nước và các cán bộ quản lý nhà nước. Nếu bà đỡ làm tốt nghiệp vụ thì thị trường BĐS mới có cơ hội khỏe mạnh trong tương lai.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 02, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương cũng như địa phương cần tôn trọng nguyên tắc minh bạch và công bằng. Mọi tư duy về tư lợi đều làm hại chung cho thị trường bất động sản đang yếu ớt hiện nay”, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói!

Cổ nhân đã có câu "cùng tắc biến, biến tắc thông". Tại điểm trầm lắng cùng cực của thị trường bất động sản sẽ xuất hiện một thị trường mới hiệu quả hơn, phát triển vì mục tiêu có nhà ở cho tất cả mọi người và cũng mang lại lợi ích xứng đáng cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hơph tác và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, luận điểm cho rằng nhà nước không nên bơm tiền để cứu các doanh bất động sản vì họ đã “ăn đủ” rất phiến diện, không thấy rằng thị trường bất động sản vừa là kinh tế, vừa là xã hội, vì thế không thể để mặc thị trường tự điều tiết theo “bàn tay vô hình”.

Việc để quá lâu tình trạng hàng chục ngàn căn hộ, hàng vạn biệt thự bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của đất nước do chôn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng không sinh lợi, trong khi có thể và cần phải giải quyết nhanh hơn và có hiệu quả hơn.

Về xã hội, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, chính sách nhà ở là một trong những chính sách quan trọng của nhà nước.

GS.TSKH Nguyễn Mại , Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN

“Từ các lập luận trên đây, tôi cho rằng, Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần góp phần vào việc giải quyết thị trường bất động sản theo hướng khắc phục khiếm khuyết đã bộc lộ trong quá trình phát triển nóng và tình trạng đóng băng quá lâu thị trường này bằng giải pháp đồng bộ. Ttrong đó, có các giải pháp cơ bản để không lặp lại trong tương lai trạng thái tương tự và giải pháp đặc thù để nhanh chóng thoát khỏi trạng thái đầy mâu thuẫn; của cải xã hội bị lãng phí, hàng triệu người dân sống chật chội, thiếu nhà ở trong khi hàng chục nghìn căn hộ và hàng vạn biệt thự không được sử dụng”, GS.TSKH Nguyễn Mại nêu đè xuất.

Thả nổi hay điều tiết?

Bình luận về thị trường bất động sản hiện nay, PGS. Ts. Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, đã là kinh tế thị trường, thì nó phải được tự vận động theo những quy luật nội tại của nó, chỉ khi xuất hiện những lệch lạc, thì mới cần đến bàn tay điều tiết của Nhà nước.
Thực tế thế giới cho thấy, một khi thị trường bất động sản nảy sinh “bong bóng”, thì không có cách gì có thể duy trì “bong bóng” đó, nó phải tự vỡ. Nhà nước nhiều lắm cũng chỉ hạn chế được phần nào những tác hại của nó. “ Bong bóng” bất động sản ở Nhật nổ tung đã làm cho kinh tế Nhật suy thoái trì trệ từ thập kỷ 90 đến nay, dù như chính phủ Nhật đã áp dụng nhiều giải pháp cứu chữa.

PGS. TS Võ Đại Lược

“Công cụ gì để Nhà nước có thể tham gia điều tiết thị trường bất động sản hữu hiệu, có thể trả lời ngay đó là cơ chế chính sách, chứ không phải là tiền”, PGS. TS Võ Đại Lược nhấn mạnh!

Theo PGS. TS Võ Đại Lược, trước hết Nhà nước phải có cơ chế để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, không nảy sinh “bong bóng”, cân đối được cung cầu thực tế, ngăn chặn hữu hiệu các dòng vốn đầu cơ vào thị trường này …

Nhà nước phải có quy hoạch phát triển phù hợp, phải có chính sách thuế hợp lý ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Các chính sách cấp đất, cho thuế đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng v.v… phải thích hợp với kinh tế thị trường, phải công khai minh bạch, đảm bảo được lợi ích của các bên tham gia thị trường.

Cơ hội là điều chắc chắn

Luật sư Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC hé mở một hướng đi mới của thị trường bất động sản khi cho rằng: trong tương lai gần, thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng trở lại với phương thức đầu tư mới.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2013, theo Thông tư số 228/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, định chế “Quỹ đầu tư bất động sản” sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là tâm điểm chú ý cho các nhà đầu tư cả cá nhân, tổ chức tham gia thị trường bất động sản bởi tính hấp dẫn của mô hình này.

Theo quy định thì quỹ đầu tư bất động sản phải dành tối thiểu 90% lợi nhuận thực hiện trong năm để chi trả lợi tức cho nhà đầu tư. Với khung pháp lý điều chỉnh, giám sát chặt chẽ, thu nhập từ quỹ đầu tư bất động sản mang lại rất cao và tương đối ổn định, mức tăng trưởng giá trị tài sản trong dài hạn hấp hẫn hơn nhiều so với các loại quỹ cổ phiếu, trái phiếu.

Thêm vào đó, cùng với quá trình tái cấu trúc chung của toàn bộ nền kinh tế thì chắc chắn thị trường bất động sản Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các quỹ đầu tư trên thế giới trong thời gian tới.

Luật sư Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC

"Hiện tại, sau hơn 4 tháng kể từ khi Nghị quyết 02/NQ-CP ra đời, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai vẫn còn chậm, có những văn bản hướng dẫn đã được ban hành nhưng vẫn chưa áp dụng, thực hiện được. Vấn đề thực hiện các dự án nhà ở xã hội, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng có những vướng mắc trong việc đưa ra tiêu chí thực hiện, đối tượng nào được chuyển đổi dự án, cũng như việc giải quyết các hậu quả pháp lý phát sinh do việc chuyển đổi. Nếu các văn bản được ban hành sớm và đồng bộ, chắc chắn thị trường sẽ khởi sắc hơn.

Doanh nghiệp hiện đang rất trông chờ cơ quan có thẩm quyền sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp sớm triển khai, giải tỏa khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Quyết nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản