Việt Nam có “lợi thế đi sau” trong phát triển đô thị thông minh
Kỳ Thành - 04/10/2019 19:14
 
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong phát triển các đô thị thông minh nhờ “lợi thế đi sau” để tận dụng kinh nghiệm từ các nước và đúng thời điểm công nghệ chín muồi.

Xây dựng đô thị thông minh là nhu cầu tất yếu

Trên cả nước hiện đã có khoảng 30 địa phương đã phê duyệt và triển khai các dự án, đề án về phát triển đô thị thông minh, bởi xây dựng đô thị thông minh là nhu cầu tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh bùng nổ của các đô thị.

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng tại Hội thảo chuyên đề “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia”. Là một trong 5 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức, phối hợp với Tập đoàn IEC, Hội tự động hoá Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam diễn ra trong hai ngày 2 - 3/10 vừa qua, Hội thảo thu hút ý kiến đóng góp của đông đảo của các học giả, chuyên gia đến từ các bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, phát triển đô thị là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các vùng miền trên cả nước. Cả nước đã có trên 830 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38,6%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước.

Nghị quyết 52 vừa được Bộ Chính trị ban hành mới đây đã nêu rất rõ mục tiêu của Việt Nam về đô thị thông minh. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 của Việt Nam là có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Mặc dù vậy, ông Sinh cũng thừa nhận, xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ rất mới, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế đó đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ là yêu cầu tất yếu để có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

Hội thảo
Hội thảo chuyên đề “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia” trong khuôn khổ Industry 4.0 Summit

Việt Nam đang sở hữu tiềm năng lớn

Đây cũng là kinh nghiệm của Hàn Quốc, như chia sẻ của TS. Namcheol Baik đến từ Viện Công nghệ kỹ thuật và Xây dựng Hàn Quốc. Ông cho rằng, thành công của Hàn Quốc trong việc phát triển thành phố thông minh trong 15 - 20 năm qua dựa trên công nghệ tiên tiến của các tập đoàn tiêu biểu.

Đại diện Samsung - một trong những “ông lớn” Hàn Quốc với nhiều giải pháp thú vị cho thành phố thông minh, ông Võ Hồng Hải, Giám đốc ngành hàng CNTT và Khối doanh nghiệp, công ty Điện tử Samsung Vina cho rằng, Việt Nam đi sau, đấy là yếu tố thuận lợi vì chúng ta sẽ học được rất nhiều thứ từ kinh nghiệm của các nước. Mặt khác, thời điểm này là lúc công nghệ chín muồi. Vậy việc cần làm là lựa chọn công nghệ nào, bắt đầu từ đâu.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông Lim, Việt Nam có tiềm năng lớn để thực hiện kế hoạch về xây dựng đô thị thông minh. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Nghị định 999 của Chính phủ đã khẳng định cam kết của lãnh đạo Việt Nam về việc thúc đẩy Công nghiệp 4.0 và tận dụng tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á. “Chúng tôi tin rằng những quyết định này sẽ là tiền đề vững chắc để hoạch định các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ”, ông Lim nói.

Một thuận lợi khác mà ông vị Giám đốc của Grab Việt Nam chỉ ra đó là, Việt Nam đang có lợi thế từ dân số trẻ và năng động. Dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động chiếm 69,3% dân số và 67% truy cập Internet. 73% dân số có điện thoại di động.

“Thái độ của người Việt đối với công nghệ là rất tích cực. Có thể nói người Việt am hiểu công nghệ và quan tâm đế các ứng dụng và xu thế công nghệ mới”, ông Lim nhận định.

Xây dựng nền tảng cho đô thị thông minh

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson khu vực Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng, cần thiết phải thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố, kết nối Internet, băng rộng truyền tải tốc độ cao, năng lực tính toán… đó là những nền tảng của đô thị thông minh.

“Phải nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin. Đô thị thông minh là phải giải quyết các vấn đề của thành phố thời gian thực, thoả mãn nhu cầu của người dân tức thời. Công nghệ giúp tạo sự sáng tạo mới, phải đầu tư thiết kế hệ thống mới, giải quyết vấn đề phức tạp. Phải có năng lực về mặt công nghệ, làm sao có thể cung cấp công nghệ để cho người dân hiệu quả hơn”, ông Denis Brunetti cho hay.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc chiến lược, VNPT-IT cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng và đem lại nhiều lợi ích trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Ông Kiên ví dụ, trong quy hoạch và quản lý, AI sẽ hỗ trợ quy hoạch các công trình đô thị như nước sạch, lưới điện, giao thông hay tự động phát hiện các công trình vi phạm… hay ứng dụng trong giao thông, giám sát an ninh trật tự và các lĩnh vực y tế, giáo dục…

Riêng trong lĩnh vực giao thông, theo ông Jerry Lim, năm 2018, Grab đã công bố tầm nhìn về thành phố thông minh của mình, giúp kiến tạo một tương lai di chuyển đa phương thức phục vụ nhu cầu đưa đón tận nơi của tất cả mọi người một cách liền mạch hơn. Trong tương lai gần, khách hàng có thể kết hợp và lựa chọn nhiều phương thức di chuyển khác nhau dựa theo nhu cầu và ngân sách di chuyển của mình.

Nhờ có sự kết nối hiệu quả giữa các phương tiện di chuyển cá nhân và công cộng trong một ứng dụng, khách hàng có thể chọn di chuyển và thanh toán cho nhiều phương thức di chuyển khác nhau trong suốt một hành trình. Ví dụ, khách hàng có thể di chuyển bằng xe buýt shuttle, tiếp tục với phương tiện công cộng, cuối cùng chọn GrabBike để đến điểm đến – tất cả thông qua một ứng dụng Grab.

Hay như Samsung đang cung cấp giải pháp thành phố thông minh dựa trên nền tảng kết nối Brightics IoT, do Samsung tự phát triển. Với nền tảng Brightics IoT, hiện Samsung đang đưa ra 4 giải pháp bao gồm: quản lý tòa nhà thông minh, hệ thống chiếu sáng đường phố thông minh, quản lý nông trại thông minh và quản lý từ xa…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản