Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bầu cử Mỹ: Bất ổn Covid-19 đe dọa bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ
Lê Quân - 17/03/2020 21:48
 
Dù Joe Biden tiếp tục giành thắng lợi bầu cử sơ bộ tại bang Washington, nhưng bất ổn do dịch Covid-19 vẫn treo lơ lửng đối với Biden và đối thủ Bernie Sanders trong cuộc đọ sức ở các bang khác.
Joe Biden (trái) và Bernie Sanders tại cuộc tranh luận đối đầu mới đây trong cuộc đua giành đề cử ứng viên tổng thống của phe Dân chủ. Ảnh: AFP
Joe Biden (bìa trái) và Bernie Sanders tại cuộc tranh luận đối đầu mới đây trong cuộc đua giành đề cử ứng viên tổng thống của phe Dân chủ. Ảnh: AFP

Dịch Covid-19 bủa vây

Chiến thắng mới đây tại bang Washington giúp Biden giành thắng lợi 5/6 bang trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ tính từ ngày 10/3. Hãng thông tấn AP bình luận, Washington là địa bàn mà Sanders từng rất hy vọng giành chiến thắng. Năm 2016, Sanders từng chiến thắng trước Hillary Clinton khi giành được sự ủng hộ của hơn 2/3 đại biểu tại họp kín bang Washington.

Tuần trước, Biden đã giành thắng lợi tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại 4 bang, gồm: Missouri, Mississippi, Michigan và Idaho, còn Sanders thắng ở bang Bắc Dakota. Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại Washington vừa xong, các đại biểu đảng Dân chủ lần đầu tiên sử dụng hình thức bỏ phiếu qua email thay vì nhóm họp kín như các mùa bầu cử trước.

Dự kiến cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ sẽ tiếp tục được tổ chức tại 4 bang khác, gồm: Arizona, Ohio, Illinois và Florida. Tuy nhiên, những bất ổn đang bủa vây các cuộc bầu cử sơ bộ do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhiều lo ngại về vấn đề y tế.

Với lý do cần ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng, lãnh đạo bang Ohio đã hoãn cuộc bầu cử sơ bộ dự kiến tổ chức vào ngày 17/3 (giờ Mỹ) chỉ vài giờ trước khi các cuộc thăm dò ý kiến được mở ra. Trong khi đó, các quan chức 3 bang Florida, Arizona và Illinois cho biết vẫn tiếp tục kế hoạch bỏ phiếu sơ bộ.

Thống đốc bang Ohio Mike DeWine ban đầu yêu cầu tòa án hoãn tổ chức bỏ phiếu bầu cử sơ bộ, nhưng thẩm phán quyết định từ chối. Sau đó, giám đốc y tế bang bang Ohio đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại bang nhằm ngăn việc tiến hành bỏ phiếu sơ bộ.

Quyết định này như một lời nhắc rằng bỏ phiếu - hành động mạnh mẽ nhất của nền dân chủ Mỹ - sẽ được kiểm tra chặt chẽ vào ngày 17/3 khi một số bang vẫn tổ chức bầu cử sơ bộ dù đang đối mặt với tác động khó lường của đại dịch Covid-19.

Các tranh cãi về vấn đề này vẫn tiếp tục trong khi tác động của đại dịch Covid-19 ngày càng hiện hữu khi hàng loạt trường học tại Mỹ phải đóng cửa, người lao động phải tránh dịch ở nhà, còn các nhà hàng, quán bar cũng ngừng hoạt động.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 16/3 ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 3 thập kỷ qua, bất chấp Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nỗ lực cứu thị trường bằng động thái hạ lãi suất khẩn cấp xuống biên độ 0-0,25% và thực hiện chính sách nới lỏng định lượng.

Diễn biến thay đổi chóng mặt trên thị trường kéo theo những “hỗn loạn” hiếm thấy trong mùa bầu cử Mỹ. Sự “hỗn loạn” đó sẽ khó kết thúc sớm vì một số bang vẫn đang tranh cãi việc hoãn hay tiếp tục tổ chức bầu cử sơ bộ theo kế hoạch.

“Đây là những hạn chế bất thường. Thông thường, chúng tôi không ủng hộ hoãn bầu cử, nhưng đây (dịch Covid-19) là trường hợp đặc biệt”, bà Susan Lerner, giám đốc điều hành của Tổ chức trung lập Common Cause New York cho biết.

Nhóm vận động của bà Lerner đang thúc giục giới chức hoãn bầu cử sơ bộ từ ngày 28/4 đến ngày 23/6 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong khi các cuộc bầu cử Quốc hội và nghị sĩ cũng sẽ bị hoãn.

Sanders chưa rời vũ đài

Sanders là ứng viên cuối cùng của đảng Dân chủ trong cuộc đấu với Biden để trở thành ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Thượng nghị sĩ vẫn chưa có ý định bỏ cuộc.

Chiến dịch tranh cử của Sanders dường như không lối thoát sau cú thua đau tại bang Michigan tuần trước và thêm trận thua trước Biden ở bang Washington vào tối 16/3.

Thế nhưng, các cố vấn hàng đầu của Sanders vẫn khăng khăng không có điểm bất cập nào trong chiến dịch tranh cử của họ, đồng thời vẫn khẳng định chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào” trong những tuần sắp tới.

Sanders đã tổ chức một cuộc vận động tranh cử trực tuyến vào tối 16/3 với sự tham gia của chính ông, rocker Neil Young và nữ diễn viên Daryl Hannah. Thượng nghị sĩ này cũng đã phát hành một video chỉ trích Biden vì đã đề nghị cắt giảm các khoản an sinh xã hội.

“Tôi không cần phải nói với bất cứ ai rằng chúng ta đang sống trong thời điểm rất lạ và chưa từng thấy trong lịch sử đất nước”, Sanders nói, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ rằng “có lẽ đã đến lúc phải suy nghĩ lại về hệ thống giá trị của chúng ta và các hệ thống mà chúng ta đang hoạt động theo”.

Ê-kíp của Sanders dự đoán Biden có thể thể hiện tốt ở cuộc bầu cử sơ bộ tại cả 4 bang vào ngày 17/3, nhưng thượng nghị sĩ bang Vermont đặt ra dấu hỏi về toàn bộ quá trình lấy phiếu, bởi ông cho rằng không ai muốn mạo hiểm nhiễm Covid-19 khi bỏ phiếu. Sanders lập luận, điều quan trọng là “đảm bảo rằng những người muốn bỏ phiếu đều có quyền bỏ phiếu và đó có thể không phải lúc này”.

Con đường trở thành ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ trở nên đầy chông gai cho Sanders. Hiện khoảng một nửa số phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ đã được “định đoạt” và nếu Biden tiếp tục lập thêm kỳ tích “Siêu Thứ 3”, cựu Phó Tổng thống sẽ dẫn đầu và rất khó để Sanders thay đổi cục diện. Sanders đang kém Biden 150 đại biểu ủng hộ trên cả nước. Điều này đồng nghĩa ông phải giành được hơn 57% số phiếu chưa được “định đoạt” nếu muốn được đề cử ứng viên tổng thống của đang Dân chủ.

Biden không quá đắc ý về triển vọng chiến dịch của mình ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay, nhưng cựu Phó Tổng thống đang có nhiều động thái thu hút thêm cử tri ủng hộ chiến dịch, kể cả việc tuyên bố chọn người đồng hành tranh cử là nữ giới.

[Infographic] Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: 5 gương mặt ứng cử viên sáng giá
Chính trường Mỹ tiếp tục tiếp tục “nóng” trở lại với cuộc bầu cử sơ bộ “Siêu thứ Ba” lần hai ngày 10/3 (giờ Mỹ), sau ngày “Siêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư