Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bẫy lừa nhìn từ phi vụ hàng chục container điều xuất sang Italia
Hà Tâm - 15/03/2022 16:20
 
Tuần qua, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu rúng động bởi phi vụ lừa đảo hàng chục container điều sang Italia, số tiền có khả năng mất trắng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Chiêu lừa không mới, song lại khiến cả doanh nghiệp dày dặn kinh nghiệm sập bẫy đang đặt ra câu hỏi về nguyên tắc kinh doanh an toàn và sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt.

Phi vụ lừa đảo xuất khẩu điều đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn, trong đó bí ẩn lớn nhất là không rõ chứng từ gốc vì sao biến mất. Mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu điều không thông tin cụ thể, song theo phán đoán của một số doanh nghiệp từng nếm mùi lừa đảo, nguyên nhân khiến chứng từ biến mất bí ẩn có thể do chính doanh nghiệp xuất khẩu đã quá chủ quan, vô tình tiết lộ số vận đơn cho bên lừa đảo vì tưởng nhầm là đối tác. 

Ảnh minh họa

Cho dù với bất kỳ lý do gì, việc có cả doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu sập bẫy đã cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam rất chủ quan, không tuân thủ nguyên tắc an toàn trong thương mại quốc tế.

Thực tế, chiêu thức lừa đảo trong thương vụ trên không mới, đã được các cơ quan chức năng trong nước và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo từ nhiều năm nay. 

Hơn nữa, các phi vụ lừa đảo thường ẩn chứa những điểm bất thường ngay từ đầu, song do thiếu tỉnh táo, nên sau khi sập bẫy, doanh nghiệp mới nhận ra.

Các điểm bất thường dễ nhận biết ở đây là nhanh chóng đàm phán giả, ít mặc cả, thường chấp nhận giá cao. Đó còn là yêu cầu các hình thức thanh toán nhiều rủi ro hoặc chấp nhận thanh toán L/C, nhưng lại mở L/C ở các ngân hàng thiếu uy tín ở nước thứ ba. Bên cạnh đó, còn có cả việc không cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp nhân…

Phi vụ lừa đảo hàng triệu USD với doanh nghiệp điều là bài học lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bài học đầu tiên là phải thẩm định kỹ càng thông tin về đối tác. Nhiều doanh nghiệp đã rất chủ quan, kể cả khi ký hợp đồng lớn, song không cử người trực tiếp sang làm việc, không thẩm định chéo thông tin về đối tác qua các đầu mối (ví dụ qua dịch vụ cung cấp thông tin, các hiệp hội doanh nghiệp ở địa phương, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài…).

Bài học tiếp theo là doanh nghiệp phải thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan đại diện Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu, liên hệ với các công ty cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng, các hiệp hội doanh nghiệp ở nước nhập khẩu… để tìm hiểu về đối tác. 

Ở đây cũng phải nói tới khâu thanh toán. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận hình thức nhờ ngân hàng thu hộ trả tiền mới trao chứng từ (D/P) do chi phí hợp lý. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chiều bạn hàng đến mức không bắt trả tiền đặt cọc hoặc chỉ phải trả ở mức 10%. Điều này chứa đựng rất nhiều rủi ro. Hình thức thanh toán an toàn nhất là đề nghị đối tác mở L/C, bao thanh toán xuất khẩu…

Về phía cơ quan quản lý, cần phải tích cực tìm hiểu thêm, cảnh báo và công bố các thủ đoạn lừa đảo cũng như danh sách những đối tác có dấu hiệu lừa đảo cho doanh nghiệp. Đồng thời, phải tích cực liên hệ với cơ quan chức năng địa phương, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong nước trước các vụ lừa đảo, kiện cáo.

Quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng tăng, nên ngày càng thêm nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Thế nhưng, lừa đảo, gian lận luôn luôn là một phần của thương mại quốc tế; các bẫy lừa luôn chờ chực, do vậy doanh nghiệp cần phải đề cao tinh thần cảnh giác, dè chừng trước những đối tác quá vồ vập trong kinh doanh.

Để tránh tổn thất, doanh nghiệp luôn phải tuân thủ nguyên tắc an toàn kinh doanh, trong đó khâu thanh toán được coi là trọng yếu. Với các hợp đồng lớn và với đối tác lạ, chưa thẩm định thông tin rõ ràng, doanh nghiệp nên nhờ ngân hàng tư vấn, lựa chọn các hình thức thanh toán an toàn, không dễ dãi chấp nhận xuống thang trong thanh toán. Ngược lại, ngân hàng cũng cần xem xét, đưa ra mức phí phù hợp để đồng hành cùng doanh nghiệp trên thương trường quốc tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư