Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội bị chó ngao Tây Tạng cắn tử vong
Phương Trang (vnexpress) - 20/07/2018 10:05
 
Con chó nặng 40 kg, thuộc giống chó săn, nuôi trong nhà bỗng tấn công bé gái gây chảy máu nhiều dẫn đến sốc mất máu.

Người mẹ vội vàng lao vào cứu con, cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay. Ngay sau đó trẻ được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Chó ngao Tây Tạng thuộc giống chó săn, to lớn và khá hung dữ, thường được nuôi để giữ nhà.

Tiến sĩ Lê Việt Khánh, Phó khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bệnh nhi vào viện trong tình trạng mạch, huyết áp không đo được. Trẻ có hai vết thương ở vùng thái dương phải, rách da, chảy máu nhiều.

Ngay lập tức các bác sĩ cấp cứu truyền dịch, cầm máu, ép tim, dùng thuốc trợ tim khi có dấu hiệu ngừng tim. Dù được hồi sức tích cực suốt 2 tiếng, trẻ không qua khỏi do biến chứng sốc mất máu. Các bác sĩ trong kíp trực đã rất sốc khi cấp cứu cho bé, cho rằng đây là một tai nạn thương tâm.

Với trẻ nhỏ, việc chảy máu rất nguy hiểm, dễ dẫn đến sốc vì mất máu quá nhiều. Vì thế, khi có vết thương chảy máu thì việc sơ cứu cầm máu rất quan trọng, bác sĩ Khánh cho biết thêm.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn do chó cắn. Để phòng tránh nguy cơ súc vật cắn với trẻ, các gia đình cần chú ý:

- Tránh thả rông động vật nuôi, đeo rọ mõm cho chó khi ra đường.

- Không nên để trẻ một mình với vật nuôi, động vật thả rông; cố gắng cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương...

- Không chọc ghẹo vật nuôi, tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi hoặc chơi với vật nuôi khi chúng đang ăn.

- Gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi động vật hoang dại hoặc giống chó hay cắn người.

Xử trí ban đầu khi bị súc vật cắn:

- Rửa sạch vết thương bằng nước muối và xà phòng, băng vết cắn bằng gạc vô trùng.

- Cầm máu ngay bằng cách ấn mạnh lên vết thương nếu vết thương chảy máu.

- Đưa đến cơ sở y tế nếu vết thương rộng sâu, chảy nhiều máu hoặc vết thương biểu hiện nhiễm trùng (sốt, sưng, đỏ, đau, nổi hạch) hoặc trường hợp nghi ngờ dại.

- Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, cần theo dõi con vật trong 10 ngày và tiêm tiêm phòng dại nếu con vật có triệu chứng nghi ngờ dại. Đối với súc vật cắn không thể theo dõi được thì cần tiêm phòng dại ngay.

- Tiêm phòng uốn ván trong vòng 48 giờ nếu trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Nữ bác sĩ thú y tử vong do chó dại cắn
Khị bị chó dại cắn, nữ bác sĩ chủ quan không đi tiêm phòng vì chẩn đoán chó chết do viêm đường hô hấp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư