Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Bế mạc HĐND TP.HCM: Nhiều đại biểu băn khoăn ngân sách để lại cho Thành phố quá thấp
Trọng Tín - 09/12/2019 23:00
 
Chiều 9/12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX đã chính thức bế mạc và thông qua hơn 20 nghị quyết về phát triển kinh tế, văn hóa và dân sinh. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn ngân sách để lại cho Thành phố còn quá thấp.
hơn 22 nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh đã được các đại biểu thông qua tại kỳ họp (ảnh: Trọng Tín)
Hơn 20 nghị quyết về phát triển kinh tế, văn hóa, dân sinh đã được các đại biểu thông qua tại kỳ họp (ảnh: Trọng Tín)

Phát biểu bế mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, kỳ họp thứ 17 HĐND khóa IX đã thành công, các đại biểu đã thảo luận, thận trọng xem xét, thông qua các nghị quyết.

Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn ngân sách để lại cho Thành phố còn quá thấp, không đủ nguồn lực để đầu tư cho phát triển, nguồn vốn không đủ để triển khai đầu tư theo kế hoạch. Cùng với vấn đề ngân sách, kinh tế, nhiều đại biểu cũng đã đưa ra những giải pháp để giải quyết những điểm nghẽn trong lĩnh vực giao thông, đất đai, môi trường, an ninh - trật tự.

Với những nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ cũng giao UBND Thành phố có kế hoạch triển khai, tập trung chỉ đạo, điều hành các sở, ban, ngành và UBND các cấp phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2020.

Liên quan đến việc xin rút “Tờ trình về việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn”, bà Lệ cho biết, đây là một trong những nội dung cụ thể hóa thực hiện theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Qua gần 2 năm thực hiện, cần có sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án này xem hiệu quả đến đâu.

Vì vậy HĐND Thành phố đã đề nghị UBND Thành phố cần đánh giá kết quả thực hiện, cần phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND trong tháng 12/2019.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM (ảnh: Trọng Tín)
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM (ảnh: Trọng Tín)

Trước đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, Thành phố đã dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển hạ tầng đô thị, thông qua việc tổ chức thi tuyển quốc tế về ý tưởng quy hoạch định hướng phát triển Khu đô thị sáng tạo có tính tương tác cao ở khu vực phía Đông thành phố đạt được kết quả tích cực.

Đặc biệt, thu ngân sách cả năm dự kiến đạt hơn 412 ngàn tỷ đồng, tăng 3,34% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 và tăng khoảng 9% so với thực thu năm 2018. Bình quân thu 1.620 tỉ đồng/ngày làm việc. Tuy nhiên, khoản ngân sách Thành phố được hưởng còn nhiều bất cập.

Cụ thể, số thu ngân sách thực tế Thành phố được hưởng ngày càng giảm do tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giảm. Năm 2003 tỷ lệ điều tiết là 33% nhưng đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020, tỷ lệ này chỉ còn 18%. Đây là thời kỳ ổn định ngân sách có tỷ lệ điều tiết giảm mạnh so với các giai đoạn trước (5%).

Ông Phong thông tin thêm, năm 2019, UBND Thành phố đã đề xuất xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Việc đề xuất này rất quan trọng, bởi TP.HCM là địa phương tự đảm bảo cân đối ngân sách và tỷ lệ số thu nộp về ngân sách Trung ương cao nhất trong 63 tỉnh thành.

Các đại biểu nhất trí với hơn 20 nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh (ảnh: Trọng Tín)
Các đại biểu nhất trí với hơn 20 nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh (ảnh: Trọng Tín)

“Mặc dù số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố tăng cao qua các năm và chiếm tỷ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng ngân sách thành phố được hưởng không tăng tương ứng. Tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết chỉ chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng chi cả nước.

Qua nghiên cứu sự phát triển của nhiều quốc gia và các thành phố lớn trên thế giới, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các địa phương trên 10 triệu dân bình quân là 46,43%, thấp nhất là 33,09% (Paris).

Vì vậy, Thành phố đề nghị nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương của Thành phố cũng như các tỉnh, thành khác. Trong đó, tăng tỷ lệ điều tiết đối với Thành phố từng bước trong 10 năm 2020 - 2030 từ 18% lên 33% nhằm đảm bảo Thành phố có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước”, ông Phong nhấn mạnh.

Cấp sổ hồng tại TP.HCM: Còn tình trạng cán bộ nhận hồ sơ, hẹn tới hẹn lui không giải quyết
Sáng 9/12, trong ngày làm việc cuối cùng, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM đã diễn ra phiên chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư