Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
“Bệ phóng thể chế" để Hà Nội bứt phá
Linh Nguyễn - 02/01/2025 10:29
 
Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, được kỳ vọng sẽ là “bệ phóng” thể chế đưa Hà Nội bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển.
Luật Thủ đô cho phép Hà Nội được quyền xác định các dự án trọng điểm và tự quyết định dùng nguồn ngân sách địa phương hay các nguồn lực khác để đầu tư dự án. Ảnh: Đức Thanh

Cụ thể hóa ưu đãi, tạo động lực bứt phá về hạ tầng

Với những ưu đãi vượt trội và cơ chế đột phá, Luật Thủ đô 2024 mở ra không gian phát triển mới, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng, công nghệ, con người, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng tầm là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, Luật Thủ đô cho phép Hà Nội được quyền xác định các dự án trọng điểm và tự quyết định dùng nguồn ngân sách địa phương hay các nguồn lực khác để đầu tư dự án. Trong đó, cho phép chính quyền địa phương chủ động dùng ngân sách, thậm chí là phát hành trái phiếu địa phương để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô. “Đây là điều kiện rất thuận lợi để địa phương tự xác định dự án, tự bố trí vốn, thậm chí tự huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch của mình”, ông Thịnh nói.

Thực tế cho thấy, thiếu vốn đầu tư là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Thủ đô bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc Luật Thủ đô 2024 cho phép Hà Nội chủ động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt này.

Cụ thể, Điều 67 và 68, Luật Thủ đô quy định, UBND TP. Hà Nội được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đồng thời được vay, huy động vốn trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật. Với cơ chế thông thoáng này, Hà Nội có thể chủ động huy động nguồn lực tài chính lớn để đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Không dừng lại ở việc huy động vốn, Luật Thủ đô 2024 còn tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội trong triển khai các dự án PPP (hợp tác công - tư). “Đối với Hà Nội, việc triển khai các dự án PPP có những điều kiện thuận lợi hơn. Đó là có nhiều doanh nghiệp lớn, khả năng hoàn vốn tương đối rõ ràng. Nếu có cơ chế chính sách phù hợp, thì có thể huy động đầu tư PPP trong thời gian tới”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý, cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch để thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP, tránh tình trạng Nhà nước phải “gánh” rủi ro cho doanh nghiệp. “Cần phân rõ chính quyền Thành phố làm những gì, doanh nghiệp tư nhân làm những gì, vai trò đến đâu, khuôn khổ pháp lý thế nào, vai trò kiểm tra, giám sát ra sao. Cái đó là rất quan trọng để phân vai rõ ràng thì việc huy động vốn mới phù hợp”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Điểm đến đầu tư an toàn, thân thiện

Luật Thủ đô 2024 đã cụ thể hóa các ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt, bao gồm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp văn hóa, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ y tế chất lượng cao và giáo dục và đào tạo (Điều 70).

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Luật quy định áp dụng các chính sách ưu đãi đặc thù về thuế, đất đai, tín dụng, hỗ trợ đầu tư, và đào tạo nguồn nhân lực đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao (Điều 71). Luật cũng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (Điều 72), góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô...

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Luật Thủ đô 2024 là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thành phố sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án đường vành đai, đường sắt đô thị, tạo động lực bứt phá cho sự phát triển của Thủ đô”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Luật Thủ đô 2024 dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này. Luật khẳng định chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô (Điều 80).

Luật khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thu hút chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về làm việc tại Hà Nội. Luật đề cao việc thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút người tài trong và ngoài nước (Điều 81), tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có năng lực chuyên môn cao đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội.

Để giữ chân nhân tài một cách lâu dài, ThS. Bùi Hồng Ngọc (Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường đại học Thủ đô Hà Nội) nhấn mạnh: “Cần có quỹ phát triển nhân tài, tạo cơ chế thông thoáng, vượt trội để nhân tài cống hiến cho Thủ đô và đất nước tốt hơn. Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cần có tính đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế”.

So với các phiên bản trước, Luật Thủ đô 2024 đã nâng cao mức lương cơ bản cho nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ cao. Theo Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ cung cấp các gói lương thưởng cạnh tranh với thị trường quốc tế để thu hút các nhân tài năng từ khắp nơi trên thế giới.

Nổi bật là quy định HĐND Thành phố được quyết định các chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn.

Tiên phong trong phát triển liên kết vùng

Không chỉ tập trung phát triển nội tại, Luật Thủ đô 2024 còn thể hiện tầm nhìn rộng mở, hướng tới sự phát triển hài hòa, bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tinh thần này được cụ thể hóa bằng việc thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Luật xác định rõ vai trò “đầu tàu” của Hà Nội, là hạt nhân thúc đẩy liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận. Mục tiêu là cùng nhau xây dựng và triển khai các chương trình, dự án mang tính chiến lược, tạo động lực phát triển cho cả vùng. Điển hình là việc Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các tỉnh lân cận để xây dựng hệ thống đường vành đai.

Theo TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khi các vùng đều phát triển, liên kết vùng sẽ tạo thuận lợi để Hà Nội phát triển xứng tầm là Thủ đô, là Thành phố “Văn minh - Văn hiến - Hiện đại”.

“Để thực hiện, cần có các giải pháp đồng bộ, từ nâng cao nhận thức về vai trò Thủ đô, phát huy tiềm năng, thế mạnh nội tại của Thủ đô và nhất là đổi mới cơ chế chính sách, xác định được đặc thù cho Thủ đô, về huy động nguồn lực phát triển, về quản lý phát triển đô thị, tái thiết đô thị, về phân cấp, phân quyền... và bước đi tiếp theo cần triển khai sau khi Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống, Quy hoạch chung được phê duyệt là đề xuất điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô”, TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Hà Nội sẽ hoàn thành 6 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài gần 500 km, kết nối với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Nam. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, kết nối với các tỉnh lân cận. Dự kiến đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 417 km, trong đó có các tuyến kết nối với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam.

“Việc Luật Thủ đô 2024 cho phép Hà Nội chủ động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng hiệu quả”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp cận các nguồn lực, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh chung. Đặc biệt, Luật nhấn mạnh hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, nhằm tạo ra nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng..

Đảm bảo triển khai Luật Thủ đô đúng tiến độ, kịp thời và đạt hiệu quả cao
Ngày 19/12, Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có Văn bản số 593/TB-VP thông báo kết luận của Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư