Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 21 tháng 08 năm 2024,
Bệnh động kinh có chữa được không
D.Ngân - 20/08/2024 07:23
 
Bệnh động kinh có nguy hiểm không? Hay bị động kinh có nguy hiểm không, ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao, điều trị bệnh như thế nào? Liệu căn bệnh này có thể điều trị khỏi được hay không?

Động kinh là căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh, xảy ra do sự bất thường trong hoạt động của não, dẫn đến tình trạng kích thích đồng thời một nhóm tế bào thần kinh, tạo nên sự phóng điện đột ngột trong não.

Nguy cơ tử vong sớm ở người mắc bệnh động kinh có thể cao gấp 3 lần so với người bình thường hoặc mắc một số căn bệnh khác.

Sự kích thích vỏ não tại các vùng khác nhau có thể dẫn đến những triệu chứng động kinh khác nhau như co giật, co cứng tay chân, xuất hiện cơn vắng ý thức một cách đột ngột,….

Động kinh không phải là bệnh tâm thần, vì ngoài những lúc gặp triệu trứng co giật, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt, làm việc, học tập như bình thường.

Ước tính có khoảng 50 triệu người trên toàn cầu hiện đang mắc chứng động kinh, khiến bệnh lý này trở thành một trong những căn bệnh thần kinh xuất hiện phổ biến nhất.

Mỗi năm có khoảng 5 triệu người trên toàn cầu được chẩn đoán bị động kinh. Điều đó khiến nhiều người thắc mắc bệnh động kinh có nguy hiểm không, có trị khỏi được không? 

Trong nhiều trường hợp, người bệnh động kinh có thể được chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị.

Tùy vào trường hợp và tình trạng mà bác sỹ sẽ chỉ định điều trị bằng cách dùng thuốc, làm phẫu thuật, kết hợp thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống… Người bệnh có thể quay lại cuộc sống bình thường.

Điều quan trọng là người bị động kinh phải được bác sĩ đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh, do có nhiều loại động kinh khác nhau. Thông thường, người bệnh càng có ít cơn động kinh và mức độ động kinh, co giật nhẹ thì càng có ít rủi ro gặp vấn đề nguy hiểm.

Nguy cơ tử vong sớm ở người mắc bệnh động kinh có thể cao gấp 3 lần so với người bình thường hoặc mắc một số căn bệnh khác. Người bị động kinh không được điều trị hoặc kiểm soát có nguy cơ tử vong cao hơn người bệnh được chữa trị.

Những người bị động kinh có xu hướng gặp nhiều vấn đề về thể chất hơn (như bầm tím, gãy xương do chấn thương liên quan đến cơn co giật). Chứng động kinh có thể khiến người bệnh gặp nhiều nguy cơ khi tham gia giao thông, té ngã, đập đầu,…

Đồng thời có thể dẫn đến một số vấn đề về tâm lý như trầm cảm, stress,… Một số ít người bệnh động kinh có thể tử vong do những tình trạng thần kinh tiềm ẩn, ví dụ như khối u não.

Đã có một số người bị động kinh đột ngột tử vong không xác định được nguyên nhân. Trường hợp này được gọi là SUDEP (đột tử trong bệnh động kinh - Sudden Unexpected Death in Epilepsy) và thường xảy ra khi người bệnh đang ngủ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng SUDEP là hệ quả của một cơn động kinh và chủ yếu xuất hiện ở người bị động kinh khó chữa trị, bị thiểu năng trí tuệ, co giật tăng trương lực, có tần suất co giật cao. Người bệnh động kinh thường bị co giật về đêm cũng có nhiều nguy cơ tử vong do SUDEP hơn.

Cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút có thể đe dọa đến tính mạng, khiến não bị tổn thương vĩnh viễn. Trẻ em bị khởi phát động kinh có nguy cơ tử vong do những vấn đề liên quan đến động kinh, bao gồm cả SUDEP. Nguy cơ này cao hơn ở các bệnh nhi bị động kinh không thuyên giảm.

Ngoài việc tìm hiểu bệnh động kinh có nguy hiểm không, mỗi người cần biết nên xử trí, sơ cứu như thế nào trong trường hợp phát hiện ai đó bị động kinh. Bạn có thể tham khảo những bước sơ cứu cơ bản sau:

Giúp người bị động kinh dễ thở dễ dàng bằng cách nới lỏng cổ áo, cà vạt…

Sử dụng đồ vật mềm kê cao đầu cho người bệnh, đồng thời đặt người bệnh nằm nghiêng, tránh di chuyển người bệnh đến một vị trí khác. Để tránh trường hợp người bệnh bị thương khi lên cơn động kinh, bạn cần loại bỏ các vật ở xung quanh người bệnh.

Không cố gắng “đánh thức” người bệnh động kinh bằng cách lắc người hoặc la hét và không được trói người bệnh khi đang gặp cơn co giật.

Không cho người bệnh động kinh đang bị co giật ăn, uống để tránh dẫn đến tình trạng sặc hoặc gặp phải các chấn thương khác. Đồng thời không được đặt bất kỳ thứ gì vào miệng của người bệnh động kinh.

Theo dõi và ghi nhận các triệu chứng của người bệnh trong lúc gặp cơn động kinh để thông báo cho bác sĩ hoặc người bệnh được biết.

Nếu cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Những trường hợp sau khi kết thúc cơn co giật không bao lâu thì bị co giật lại cũng cần được đưa đến bệnh viện thăm khám.

Tốt nhất, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám khi cơn động kinh kết thúc.

Bệnh động kinh có chữa khỏi được không? Theo bác sỹ Nguyễn Phương Trang, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, động kinh là bệnh lý có thể điều trị được thông qua các phương pháp như sử dụng thuốc, làm phẫu thuật… Người bệnh tiến hành chữa trị càng sớm thì cơ hội điều trị thành công càng cao.

Thuốc chống động kinh có thể giúp bệnh được kiểm soát tốt. Nhiều người bệnh sau khi sử dụng thuốc đã có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Ở những trường hợp phải làm phẫu thuật để chữa động kinh, người bệnh cần tránh trì hoãn việc điều trị, do các tổn thương tại não có thể lan rộng, khiến quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn hơn.

Thắc mắc bệnh động kinh có nguy hiểm không đã được giải đáp, vậy cần chủ động phòng ngừa căn bệnh này như thế nào? Mỗi người có thể thực hiện một số cách sau để phòng ngừa bệnh động kinh, bảo vệ sức khỏe:

Thực hiện việc chăm sóc chu sinh đầy đủ có thể làm giảm các trường hợp trẻ sinh ra mắc bệnh động kinh do chấn thương khi sinh.

Với trẻ gặp tình trạng sốt cao, việc đi thăm khám, dùng thuốc, áp dụng các phương pháp làm hạ nhiệt độ cơ thể về mức phù hợp có thể giúp làm giảm nguy cơ bị co giật do sốt.

Phòng ngừa các chấn thương vùng đầu, ví dụ như làm giảm nguy cơ bị té ngã, gặp chấn thương khi tham gia giao thông, chơi thể thao… là cách hiệu quả để góp phần ngăn ngừa bệnh động kinh sau chấn thương.

Để phòng ngừa chứng động kinh liên quan đến đột quỵ, bạn cần áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa tình trạng tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, không hút thuốc, tránh sử dụng quá nhiều rượu bia.

Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương là một trong những tác nhân phổ biến gây ra bệnh động kinh ở các vùng có khí hậu nhiệt đới.

Áp dụng các biện pháp tránh nhiễm trùng và loại bỏ ký sinh trùng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh động kinh (ví dụ như bị động kinh do bệnh sán não).

Mỗi người cần chủ động thăm khám sức khỏe thần kinh định kỳ để tầm soát và kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường có thể dẫn đến bệnh động kinh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư