Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 02 tháng 07 năm 2024,
Bệnh nhân tim mạch ngày càng trẻ hóa
Dương Ngân - 18/06/2024 10:45
 
Theo các bác sỹ, không chỉ người già, mà ngày càng có nhiều người trẻ mắc các bệnh tim mạch. Cuộc sống hiện đại với các thói quen sống nhanh, sống vội là nguyên nhân của tình trạng này.
Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai khám cho một bệnh nhân trẻ mắc bệnh tim mạch
Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai khám cho một bệnh nhân trẻ mắc bệnh tim mạch

Độ tuổi ngày càng trẻ

Nghiên cứu trên 2.000 thanh niên nhập viện vì đau tim từ năm 2000 đến năm 2016 tại 2 bệnh viện lớn ở Mỹ cho thấy, cứ 5 người thì có 1 người dưới 40 tuổi bị đau tim. Tỷ lệ của nhóm này đã tăng 2% mỗi năm trong thập kỷ qua.

Tại Việt Nam, theo Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 3 người trên 25 tuổi, có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Đây là bệnh không lây có tỷ lệ tử vong rất cao, hơn 40%. Số lượng bệnh nhân trẻ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng, nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 được ghi nhận.

PGS-TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam thông tin, 10 năm trước, mỗi năm Viện làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân. Nay số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15% mỗi năm.

“Đây là điều đáng lo ngại, gây ra gánh nặng cho đất nước. Trong khi Việt Nam đang già hóa dân số, thì người trẻ lại phải đương đầu với các bệnh lý tim mạch”, PGS-TS. Phạm Mạnh Hùng nói.

Lý giải nguyên nhân, chuyên gia này cho rằng, người trẻ mắc bệnh tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa, khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật.

Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cũng cho hay, khoảng 15% người bệnh nhồi máu cơ tim được can thiệp cấp cứu trong độ tuổi 35-45 tuổi. Tình trạng béo phì, tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao, cholesterol cao và tăng huyết áp chính là nguyên nhân trẻ hóa bệnh nhân tim mạch.

Theo PGS-TS. Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch TP. Hà Nội, dấu hiệu bệnh tim mạch thường xuất hiện thoáng qua, không rõ ràng, khiến người bệnh không để ý cho đến khi có các dấu hiệu nặng.

Trong khi bệnh tim mạch có thể phòng được, có thể can thiệp giảm nguy cơ mắc, giảm mức độ nặng thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia.

Với người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.

Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim. Các bệnh tim mạch này là nguyên nhân gây tử vong số một tại Việt Nam, chiếm trên 35% tổng số ca tử vong.

Một số nghiên cứu cho thấy, việc mắc Covid-19 như “đổ thêm dầu vào lửa”. Người từ 25 đến 44 tuổi bị đau tim tăng 30% trong 2 năm đầu của đại dịch Covid-19. Số ca tử vong do đau tim đã tăng 14% trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch.

Nhận diện các yếu tố nguy cơ

Theo các bác sỹ, bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đặc biệt là nhóm người hút thuốc lá nhiều, bị stress, có tiền sử tăng huyết áp, rối loại mỡ máu. Nếu bất chợt thấy khó thở hoặc khó thở thường xuyên, đau thắt ngực, tự nhiên tím tái, hoặc hồi hộp bất thường thì có thể mắc các bệnh tim mạch, cần được thăm khám ngay.

PGS-TS. Phạm Nguyễn Vinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nêu thực tế, hầu hết người trẻ đều không quan tâm đến những yếu tố rủi ro trên. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Ohio cho thấy, 47% người dưới 45 tuổi không nghĩ rằng họ có nguy cơ mắc bệnh tim; 1/3 số người trưởng thành được khảo sát cho biết, họ không chắc về việc liệu mình có bị đau tim hay không. Chỉ một nửa trong số 3.500 thanh niên có các yếu tố nguy cơ cao tin là họ có khả năng mắc bệnh tim trước khi cơn đau tim xảy ra.

Các chuyên gia cho rằng, để những người trẻ tuổi quan tâm đến vấn đề sức khỏe tim mạch là một thách thức vô cùng lớn, họ đang bận rộn với việc phát triển sự nghiệp.

Phòng ngừa sớm chính là biện pháp tối ưu để tránh đột tử do nhồi máu cơ tim. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo người dân tuân theo “8 điều thiết yếu của cuộc sống” để cải thiện và duy trì sức khỏe tim mạch, bao gồm: chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, không hút thuốc lá và ngủ đủ giấc, cũng như kiểm soát cân nặng, cholesterol, lượng đường trong máu và huyết áp...

Nếu bị nhiễm Covid-19 nhiều lần, người có bệnh lý tim mạch nên chú ý các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.

Đối với trường hợp mạch máu tim tắc nghẽn hoàn toàn thì “thời gian vàng” can thiệp trong 1-2 giờ đầu sau khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nặng ngực, khó thở, cảm giác bồn chồn, khó chịu ở vùng thượng vị, buồn nôn, vã mồ hôi.

Một số bệnh nhân có triệu chứng điển hình hơn là nghẹn ở cổ, mỏi cứng hàm, mỏi vai, mỏi hai tay nên đến bệnh viện sớm ngay trong 1-2 giờ đầu để bác sỹ kịp thời cứu chữa. Nếu chần chừ nhập viện quá muộn sau 12 giờ kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng, tiên lượng tử vong cao và nguy cơ để lại biến chứng lâu dài.

Những người có bệnh nền cao huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thường xuyên căng thẳng mệt mỏi, hạn chế luyện tập thể dục thể thao… nên thăm khám sức khỏe định kỳ và đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường cảnh báo đột quỵ tim.

Viện Tim Mạch Việt Nam can thiệp nội mạch cứu sống bệnh nhân nguy kịch
Các bác sĩ tại Viện Tim Mạch Việt Nam vừa can thiệp cấp cứu, cứu sống một bệnh nhân 77 tuổi bị phình động mạch chủ bụng vỡ, một tình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư