Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
BHD với chiến lược từ nhà ra phố
Hồng Phúc - 02/04/2017 14:02
 
Để tồn tại và bảo vệ tài sản trong lĩnh vực truyền thông, giải trí vốn có nhiều đại gia như Galaxy, NetFlix, CGV, Lotte Cinema… Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) đã quyết định đầu tư mạnh cho DANET - dịch vụ xem phim theo yêu cầu (VOD) có bản quyền tại nhà, đồng thời phát triển hệ thống rạp chiếu.

Từ nhà…

Ở thị trường có dân số trẻ và 48,5 triệu người sử dụng Internet, công ty truyền thông và giải trí nào cũng muốn có thể phục vụ khán giả trên Internet. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) cho rằng, xu hướng tất yếu là phải gắn liền giữa sản xuất với kỹ thuật số.

Với BHD, tốn kém chi phí và công phu nhất là đầu tư vào phát triển dịch vụ xem phim theo yêu cầu (VOD) có bản quyền của BHD - ứng dụng DANET – đã có ý tưởng vào 6 năm trước. Ra mắt từ tháng 10/2016, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập BHD, đến nay, DANET đã có 5.000 giờ phim bản quyền từ Disney, Fox, NBC, Paramount, cũng như các hãng phim của châu Á như SBS, KBS hay MBC…, với mức phí khoảng 50.000 đồng/tháng.

.
Ở Việt Nam, mọi người chưa có thói quen trả tiền để xem phim

Trên thị trường, phục vụ nhu cầu VOD còn có sự tham gia của Fim+ (thuộc công ty con của công ty sản xuất phim Galaxy) ra mắt tháng 1/2016, với 1.600 giờ phim, mức phí cũng 50.000 đồng/tháng.

Con số khách hàng sử dụng dịch vụ VOD của BHD và Fim+ đến giờ vẫn chưa được tiết lộ. Bà Hạnh thừa nhận, kinh doanh dịch vụ VOD ở thị trường điện ảnh mới bắt đầu phát triển như Việt Nam là một bài toán khó. Chi phí đầu tư vào DANET cũng được bà Hạnh từ chối chia sẻ.

“Ở Việt Nam, mọi người chưa có thói quen trả tiền để xem phim. Cùng với đó, vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ của phim vẫn còn lập lờ. Nhưng BHD là công ty chuyên về phát triển nội dung, nên chúng tôi phải làm việc này để dần thuyết phục người xem sử dụng dịch vụ”, bà Hạnh chia sẻ.

Netflix dù là tên tuổi lớn nhất trên thế giới về VOD, nhưng chưa được địa phương hóa. Không ít bộ phim tại cổng này chưa có phụ đề tiếng Việt, chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam với nhiều đoạn phim mang tính bạo lực, tình dục xuất hiện quá nhiều… Trong khi đó, DANET hay Fim+ có lẽ hiểu am hiểu gu người Việt hơn. Các gói phim của hai cổng này cũng rẻ hơn ít nhất 3 lần của Netflix. Bà Hạnh tin rằng, đây là một trong những cách thay đổi hành vi người dùng, giúp dịch vụ tiếp cận với đa số khách hàng đang có thu nhập thấp và trung bình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Khuất Duy Tân, Trưởng phòng Phổ biến phim (Cục Điện ảnh) cho biết: “Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là do số lượng phim đưa ra thị trường ngày càng nhiều, nên các doanh nghiệp cần phải xem xét, nghiên cứu thị trường để sản xuất, nhập khẩu những bộ phim có nội dung và chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu khán giả”.

Ra phố…

Được biết, mỗi năm, BHD sản xuất 1.000 giờ các chương trình giải trí, phim cho các đài truyền hình, phim chiếu rạp… Việc đầu tư vào DANET là một trong 2 hoạt động chính của BHD để tồn tại và bảo vệ tài sản của mình. Kênh thứ hai mà BHD đặt nhiều kỳ vọng trong 2017 là phát triển hệ thống rạp chiếu.

Bà Hạnh cho biết, ở Việt Nam, 99% doanh thu các bộ phim phải đến từ rạp, năm 2016, chỉ 1% tổng doanh thu các phim đến từ truyền hình.

“BHD hiểu rõ điều này, khi sản xuất phim, chúng tôi buộc phải mở rạp, nếu không doanh thu mang về rất ít, bởi tỷ lệ ăn chia cho các chủ rạp quá cao”, bà Hạnh nói và cho biết thêm, kinh phí trung bình sản xuất một phim từ 5 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng và tốn 3 -5 triệu USD/cụm rạp.

Theo số liệu bà Hạnh cung cấp, CGV đang là nhà đầu tư lớn nhất vào rạp chiếu phim tại Việt Nam với khoảng 38 cụm rạp, với 247 phòng chiếu, theo sau đó là Lotte Cinema (29 cụm rạp, 133 phòng chiếu); và 2 doanh nghiệp Việt Nam là BHD (7 cụm rạp, 45 phòng chiếu) và Galaxy (7 cụm rạp, 43 phòng chiếu).

Nữ doanh nhân 45 tuổi này còn ví, cuộc chiến rạp chiếu phim khốc liệt như cuộc chiến các chuỗi siêu thị bán lẻ ở Việt Nam. Một mặt, các công ty trong lĩnh vực điện ảnh phải đầu tư mạnh để khai thác hướng phát triển mới. Mặt khác, họ phải tiếp tục mở rộng hệ thống rạp chiếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường với mức tăng trưởng 40%/năm.

Vì vậy, việc chạy đua đầu tư vào phát triển các cụm rạp luôn được CGV, Lotte Cinema hay BHD để tâm. Trong năm 2016, Lotte Cinema đã mở thêm 7 cụm rạp ở Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An. BHD cũng mở rộng đầu tư thêm 7 cụm rạp tại Hà Nội và TP.HCM và hướng đến xây dựng tổ hợp để khán giả có thêm trải nghiệm.

“BHD đã khai trương cụm rạp Star Vincom (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội), nhằm thỏa mãn nhu cầu thích thử cái mới lạ của khách hàng, được phục vụ tận nơi, phòng chờ first class như trên các hãng bay. Đó là sự thay đổi từ đơn điệu, đơn giản đến cao cấp, sang trọng, hiện đại và tiện nghi hơn để có thể phục vụ thị trường rạp chiếu phim có mức tăng trưởng từ 35- 40%/năm trong 5 năm tới”, bà Hạnh chia sẻ.

Phó chủ tịch BHD cho rằng, dù thị trường phim Việt năm 2016 bùng nổ về số lượng, nhưng doanh thu trên đầu phim lại không cao do nhiều phim chất lượng chưa tốt. Tình hình này sẽ được cải thiện trong năm 2017.

Thị trường điện ảnh: Cuộc chiến giữa các đơn vị phát hành
Không hẹn mà gặp, phát hành phim giữa năm 2015 trở đi bắt đầu xuất hiện những cái tên rất mới như Green Media, Golden Screen Distribution... Cùng với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư