Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Bị Nhà nước “làm thay”, doanh nghiệp lớn, nhỏ đều khóc
Khánh An - 23/06/2016 07:59
 
Nếu không có gì thay đổi, ngày 23/6, Chính phủ sẽ họp chuyên đề xây dựng pháp luật, trong đó có thảo luận các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh. Có thể, đây sẽ là cuộc họp cuối trước khi Chính phủ ký ban hành các nghị định này, song doanh nghiệp vẫn chưa thể an tâm.
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp nhỏ lo

Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng (Hà Giang) đang lo kiến nghị sửa một số nội dung tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí mà gần 20 doanh nghiệp đã tập hợp để gửi Chính phủ thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa được bàn tới.

“Tôi nghe nói, cuộc họp này mới bàn đến các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh được nâng cấp từ thông tư lên. Còn kiến nghị của chúng tôi là sửa các điều kiện kinh doanh tại Nghị định vừa được ban hành”, ông Tùng băn khoăn.

.
.

Cũng phải nói thêm, từ cuộc “họp đoàn các doanh nghiệp gas quy mô nhỏ” đầu tiên vào ngày 14/6, nhóm doanh nghiệp cùng chung kiến nghị bỏ quy định về số lượng vỏ chai và dung tích bồn chứa tối thiểu (300 m3) tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí đã tăng từ 20 lên 35 người. Thậm chí, ông Tùng đã được chọn làm đại diện để làm việc với luật sư.

“Chúng tôi đang cùng với VCCI xúc tiến cuộc đối thoại với Bộ Công thương, đã tìm được luật sư hỗ trợ. Chúng tôi muốn các kiến nghị của mình không chỉ có lý lẽ từ thực tiễn, mà có cơ sở pháp lý chắc chắn. Nhưng nếu Chính phủ chưa xem xét trong dịp này, chúng tôi không biết sẽ phải làm gì với các điều kiện trên, chẳng lẽ cố bỏ tiền sản xuất 100.000 vỏ bình, rồi mang đi đâu tiêu thụ ở vùng núi này, khi mà đáng ra đây là quyết định kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước không nên làm thay”, ông Tùng chia sẻ.

Mọi việc không chỉ dừng lại ở đó. Trong 93 trang kiến nghị về điều kiện kinh doanh gửi tới Văn phòng Chính phủ đúng 1 tuần trước (ngày 15/6), VCCI cũng đã nhắc đến tình trạng rối rắm trong thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai.

“Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai phải có bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG. Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối gas phải có bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG hoặc hợp đồng thuê nạp LPG vào chai. Vậy giấy nào có trước?”, báo cáo của VCCI đặt vấn đề.

Các chuyên gia pháp lý của VCCI cũng không hiểu tại sao cần quy định một giấy do Bộ Công thương cấp, một do Sở Công thương cấp, mà không ghép với nhau và giao Sở Công thương thực hiện để tiết kiệm chi phí đi lại cho các doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa…

Doanh nghiệp lớn cũng lo

Trong 93 trang kiến nghị của VCCI, hơn 13 trang dành cho việc phân tích các nội dung cần sửa đổi của Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Đang có quá nhiều quy định theo kiểu “Nhà nước lo thay doanh nghiệp” trong nghị định này, khiến các nhà đầu tư nước ngoài cũng phải khóc dở mếu dở. Có thể kể tới quy định: cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư 35 triệu đồng/trẻ sinh (không bao gồm chi phí sử dụng đất), tổng vốn đầu tư không thấp hơn 30 tỷ đồng; cơ sở giáo dục phổ thông: suất đầu tư 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm chi phí sử dụng đất), tổng vốn đầu tư không thấp hơn 50 tỷ đồng; cơ sở giáo dục đại học: suất đầu tư là 150 triệu đồng/sinh viên sinh (không bao gồm chi phí sử dụng đất), tổng vốn đầu tư không thấp hơn 300 tỷ đồng…

Báo cáo của VCCI phân tích, đối với cơ sở giáo dục đi thuê cơ sở vật chất, cơ sở giáo dục không phải đầu tư bất kỳ trang thiết bị nào thì suất đầu tư và vốn đầu tư như quy định tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP là quá cao. Bên cạnh đó, vốn đầu tư là tổng tiến đầu tư vào dự án theo từng thời điểm, do đó, nhà đầu tư không phải có sẵn ngay từ khi bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, Nghị định 73/2012/NĐ-CP lại quy định cơ quan cấp phép yêu cầu chủ đầu tư phải có ngay tổng vốn đầu tư trong giai đoạn quyết định thành lập là vô cùng bất hợp lý.

Đáng nói là, không chỉ ở các quy định về điều kiện kinh doanh, Nghị định 73/2012/NĐ-CP còn có những mâu thuẫn giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với các văn bản pháp luật về giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Thanh, chuyên viên pháp lý cao cấp của KinderWorld Việt Nam đã phải kêu lên rằng, nhà đầu tư không biết áp dụng thế nào để tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp phép đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý về giáo dục phải phối hợp để ban hành những quy định, hướng dẫn rất cụ thể về cơ cấu quản lý của trường và cần đặt trong mối quan hệ với công ty (là chủ đầu tư trường học), đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp với các quy định chuyên ngành về quản lý giáo dục”, bà Thanh đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư