Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Bí thư Đắk Nông: Nếu sợ trách nhiệm thì không ai dám làm
Khánh Linh - 13/04/2023 11:25
 
Bí thư tỉnh ủy Đăk Nông Ngô Thanh Danh chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về lý do thăng hạng của Đắk Nông trên Bảng xếp hạng Chỉ sô Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022.
,
Bí thư tỉnh ủy Đăk Nông Ngô Thanh Danh

Thưa ông, trong báo cáo PCI 2022, Đăk Nông thăng hạng khá ấn tượng, 14 bậc, lên thứ 38/63. Theo ông, điều gì tạo nên bước cải thiện này?

Trước hết, phải nhấn mạnh là Đắk Nông mấy năm gần đây phát triển là nhờ cải thiện môi trường đầu tư thân thiện với các doanh nghiệp, lãnh đạo, công chức địa phương có thái độ cầu thị. 

Thời gian qua, chúng tôi đón 4 tỷ phú USD, đón nhiều doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu đầu tư vào những lĩnh vực mà Đắk Nông đang tập trung phát triển là nông nghiệp công nghệ cao.

Nguyên tắc làm việc của Đăk Nông là 3 cùng - doanh nghiệp, nhân dân, nhà nước cùng hưởng lợi.

Ông nghĩ thế nào về khả năng vượt lên nấc cao hơn, có thể là vào nhóm đứng đầu PCI của Đăk Nông?

Khó, vì nhiều lý do, đặc biệt là vị trí địa lý. Điểm nghẽn lớn nhất đã và đang cản trở sự phát triển của tỉnh chính là hạ tầng giao thông kết nối “4 không”: không có đường cao tốc, không có đường sắt, không có đường hàng không, không có đường thuỷ. Hồi mới tái lập tỉnh, nhiều doanh nghiệp đến rồi lại đi, vì chi phi đi lại, hoạt động cao quá.

Hiện tại, tình hình đã thuận lợi hơn, nhưng so với các trung tâm kinh tế thì vẫn không thể so được. Vì vậy, chúng tôi xác định là địa phương đi sau, nên cần nỗ lực hơn, cởi mở hơn.

Và hiện tại, chúng tôi tự tin nói với các nhà đầu tư, doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện của Đăk Nông.

Thưa ông, trong báo cáo PCI 2022 có nhắc đến thực trạng chuỗi cải cách của các địa phương trong năm 2022 có sự chững lại so với những năm trước đó. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có thể là do “có một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình dẫn đến không dám làm việc”.

Ở Đắk Nông, có tâm tư này không? Vì khi doanh nghiệp cần gỡ, hắn có những vướng mắc nào đó trong quy định, trong quy trình, thủ tục...

Tâm tư là có, nhưng công việc vẫn phải làm, dù có thể chậm một chút vì mọi việc đều được xem xét thận trọng hơn.

Là người đứng đầu, ông chia sẻ với công chức thực thi thế nào trong bối cảnh này?

Động viên, để mọi người yên tâm làm vì cái chung, chúng tôi sẽ cùng hỗ trợ. Nếu sợ trách nhiệm thì sẽ không ai dám làm. Nếu sợ trách nhiệm thì không có sự kiện Đăk Nông thăng hạng thế này đâu.

Có nhiều phương thức để phối hợp, hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, ví dụ như mô hình cà phê doanh nhân. Tôi giao cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đảm nhiệm, cùng với một số sở khác tham gia, lắng nghe doanh nghiệp nói, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp một cách cởi mở, để vấn đề, vướng mắc của doanh nghiệp đến được với lãnh đạo.

Quan điểm của tôi là xác định mọi việc rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu, yêu cầu phát triển của địa phương, quy trình, thủ tục... để cả chính quyền các cấp và doanh nghiệp xác định, cùng thực thi. Đơn cử như doanh nghiệp muốn làm dự án nông nghiệp, thì không thể thiếu năng lực về nông nghiệp, về vốn...

Nhưng cũng có những vướng mắc của doanh nghiệp do những chồng chéo nhất định trong nhiều văn bản, ví dụ như  quyết định đầu tư trước hay đánh giá tác động môi trường trước..., cũng còn nhiều khó khăn, cần sự phối hợp với các bộ, ngành Trung ương.

Sau cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương có các tổ công tác giải quyết dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp. Ông thấy mô hình này có hiệu quả không trong thời điểm này?

Có, chúng tôi đã làm, theo từng dự án để hiểu rõ từng vấn đề của dự án, xem có gì khó, cần hỗ trợ gì để giải quyết dứt điểm, không dây dưa. Chúng tôi giao cho văn phòng UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư hàng tháng, hàng tuần tiếp cận với doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, nếu có vướng mắc, như thủ tục hành chính, thì sẽ phải xử lý ngay trong vòng nửa tháng, 1 tháng...

Khi làm việc với các doanh nghiệp, hồ sơ quy định thời hạn xử lý bao lâu thì dứt khoát phải giải quyết đúng, nếu không sẽ ách tắc ngay.

Nhưng cũng đặt rõ yêu cầu với doanh nghiệp, không thể để tình trạng doanh nghiệp nhận dự án mà mấy chục năm vẫn chưa xong. Với những doanh nghiệp chậm trễ, chúng tôi xác định thẳng thắn là phải rút, để dồn nguồn lực cho những doanh nghiệp có năng lực, chứ không thể giữ chân mà không làm gì.

PCI 2022: Có tân Á quân, ngôi vương vẫn "người cũ"
Sáng nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố PCI 2022. Thay vì xếp hạng 63 tỉnh thành, PCI năm 2022 chỉ điểm danh 30 địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư