Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Nhiệt kế PCI 2022: Niềm tin kinh doanh ở mức thấp
Khánh Linh - 11/04/2023 14:04
 
Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh đang khá thấp, từ cả góc độ các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI.
.
 Chi trả chi phí không chính thức tiếp tục giảm song các doanh nghiệp FDI khuyến nghị cần giảm mạnh hơn

Phân tích dữ liệu từ Kết quả Điều tra PCI 2022 trong Lễ công bố PCI 2022 sáng nay, 11/4, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo. Tỷ lệ doanh nghiệp dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp là 10,7%, tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.

“Các doanh nghiệp đang khá thận trọng với triển vọng trung hạn, cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Khu vực doanh nghiệp FDI cũng có kết quả tương tự khi thận trọng nói về kế hoạch mở rộng. Chỉ 33% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Trong lần khảo sát PCI 2021, tỷ lệ này là 47,7%. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI đã mở rộng quy mô đầu tư trong năm 2022 là 6,2% so với mức 8,4% và 7,8% lần lượt vào năm 2020 và 2021.

Quy mô và hiệu quả kinh kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân giảm

Trong điều tra PCI 2022, một doanh nghiệp tư nhân điển hình có quy mô vốn khoảng 15,6 tỷ đồng và 21 lao động; trong khi năm 2019, quy mô vốn và lao động của một doanh nghiệp điển hình lần lượt là 22,3 tỷ đồng và 23 lao động.

Trong năm 2022, chỉ 5,1% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư và 4,9% doanh nghiệp tăng quy mô lao động, giảm đáng kể so với mức của năm 2019 (với tỷ lệ tương ứng là 8,3% và 11,5%).

Về hiệu quả kinh doanh, chỉ 42,6% doanh nghiệp tư nhân cho biết có lãi trong năm 2022, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%.

Cả hai con số tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi hoặc báo lỗ của 3 năm gần đây là những chỉ báo cho thấy các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã trải qua một quãng thời gian khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp FDI khó tuyển lao động

Kết quả điều tra 1.300 doanh nghiệp FDI tại 51 tỉnh, thành phố, các chuyên gia PCI ghi nhận khá nhiều biến động đáng kể trong khu vực FDI. Trong đó, đáng kể nhất là cơ cấu doanh nghiệp FDI có sự dịch chuyển sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao.

Gần một nửa (49,5%) số doanh nghiệp FDI được khảo sát hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp/chế tạo, 39% trong lĩnh vực dịch vụ/thương mại và 7% trong lĩnh vực xây dựng. Trong lĩnh vực công nghiệp/chế tạo, khối doanh nghiệp FDI đang có sự dịch chuyển khỏi ngành may mặc.

Năm 2010, các doanh nghiệp dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất thì đến năm 2022 con số này đã giảm đáng kể. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp các ngành sản xuất máy tính, thiết bị điện tử và thông tin/truyền thông đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Thứ hai, cơ cấu doanh nghiệp FDI theo xuất xứ nhà đầu tư tương đối ổn định trong các năm gần đây với Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Thứ ba, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI tiếp tục cải thiện kể từ đại dịch COVID-19.

Năm 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi tăng từ 38,7% năm 2021 lên 42,8% trong năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn  44,9% năm kế tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,6% trong năm 2021 lên gần 55,8% trong năm 2022.

Đặc biệt, doanh nghiệp FDI tiếp tục có đánh giá tích cực về chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam, với gánh nặng thực thi quy định đã giảm đáng kể so với những năm trước đó.

Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý để thực hiện các thủ tục hành chính giảm mạnh từ con số 60,6% năm 2021 xuống còn 49,3% của năm 2022. Việc chi trả chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm song đây vẫn là lĩnh vực cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2022, chỉ có 17,4% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, giảm đáng kể so với mức 25,4% trong năm 2021.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức chỉ chiếm dưới 1% doanh thu đã tăng lên so với các năm trước. Tuy nhiên, vẫn có tới 38,5% và 19,2% doanh nghiệp được hỏi phải trả chi phí không chính thức phát sinh trong thủ tục hải quan và đất đai.

Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân lao động.

Bên cạnh khó khăn trong việc tuyển dụng lao động địa phương cho các vị trí quản lý và giám sát như trước đây, một khác biệt đáng chú ý là năm 2022 các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn hơn trong việc tuyển dụng lao động phổ thông.

Nếu như trong năm 2021 có tới 62% doanh nghiệp FDI cảm thấy “dễ dàng” hoặc “rất dễ dàng” tuyển dụng lao động phổ thông, một phân khúc thường có nguồn cung dồi dào trên thị trường thì con số này giảm xuống chỉ còn 49% trong năm 2022.

Các doanh nghiệp FDI còn gặp cả trở ngại trong việc giữ chân những lao động đã qua đào tạo. Tỷ lệ lao động đã được đào tạo tiếp tục làm việc từ một năm trở lên tại khối doanh nghiệp FDI giảm đáng kể trong hai năm qua, từ mức 66% vào năm 2020 xuống còn 60% năm 2021 và 55,9% trong năm 2022. Những doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động nhập cư từ tỉnh khác sẽ cảm nhận rõ nhất tác động của đại dịch và các chính sách ứng phó với đại dịch.

Mức độ khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông có mối tương quan chặt chẽ với sự phụ thuộc của một tỉnh, thành phố vào lao động nhập cư. Nhìn chung, các địa phương có tỷ trọng lao động ngoại tỉnh lớn như Bình Dương và TP.HCM có xu hướng bị tác động lớn hơn bởi các biến động trên thị trường lao động so với các địa phương khác.

PCI 2022: Có tân Á quân, ngôi vương vẫn "người cũ"
Sáng nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố PCI 2022. Thay vì xếp hạng 63 tỉnh thành, PCI năm 2022 chỉ điểm danh 30 địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư