Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bị tước quyền biểu quyết giá bán nước, Sawaco kêu cứu
Ngô Nguyên - 13/09/2019 15:10
 
Tài chính lao đao bởi chi phí đầu vào liên tục tăng, nhưng không được tăng giá bán nước, không ký được hợp đồng bán nước cho chính các công ty con đã cổ phần hóa vì… người đại diện vốn góp bị mất quyền biểu quyết, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV (Sawaco) lên tiếng kêu cứu.
Công nhân Sawaco thi công lắp đặt hệ thống cấp nước.
Công nhân Sawaco thi công lắp đặt hệ thống cấp nước.

Chi phí đầu vào tăng… đều

Theo Sawaco, từ năm 2013 tới nay, thực hiện Nghị quyết của HĐND TP.HCM về việc đảm bảo 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, Tổng công ty đã sử dụng tất cả nguồn lực, thậm chí phải vay vốn thương mại để đầu tư mạng lưới cấp thoát nước, nhưng giá bán nước vẫn chưa được điều chỉnh.

Trong khi đó, chi phí mà Sawaco phải bỏ ra để mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước xã hội hóa tăng đều qua các năm và chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 42% tổng chi phí hoạt động kinh doanh nước sạch của Tổng công ty. Từ năm 2016 - 2018, chi phí này tăng bình quân 252 tỷ đồng/năm.

Các đối tác bán sỉ là các nhà máy nước xã hội hóa đều buộc Sawaco phải tăng giá mua sỉ định kỳ hàng năm hoặc 2 năm/lần. Cụ thể, Công ty cổ phần BOO Nước Thủ Đức tăng 5% mỗi 2 năm; Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông tăng giá 5%/năm trong 6 năm đầu, các năm sau tăng 1%/năm; Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn tăng 5%/năm trong 10 năm đầu, các năm sau tăng 3%; Công ty cổ phần Nước Tân Hiệp từ năm thứ 2 tăng 5%, sau đó mỗi 2 năm tăng 7,5%.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của 6 lần tăng giá điện (từ năm 2011 - 2018), do bị tăng thuế tài nguyên nước, Công ty cổ phần BOO Nước Thủ Đức còn đề nghị Sawaco phải tăng giá mua sỉ nước sạch. Tương tự, Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông cũng đề nghị Sawaco tăng giá mua sỉ nước thêm 650 đồng/m3 để bù đắp chi phí do giá nước thô tăng từ 250 đồng/m3 lên 900 đồng/m3 theo Nghị định số 96/2018/NĐ-CP.

Điểm bất cập là, hiện nay, còn rất nhiều hộ dân có thói quen sử dụng nước ngầm sinh hoạt, nên Sawaco vẫn chưa tiêu thụ hết nước sạch mua sỉ từ các nhà máy nước xã hội hóa theo hợp đồng, trong khi lại phải giảm sản lượng nước của các nhà máy thuộc công ty con. Những khó khăn trên đang ảnh hưởng lớn tới tài chính của Tổng công ty.

Mất quyền biểu quyết tại công ty con đã cổ phần hóa

Từ năm 2007 tới nay, hàng năm, Sawaco đều thỏa thuận về hợp đồng bán sỉ nước sạch với các công ty con đã cổ phần hóa. Tuy nhiên, hiện công ty mẹ Sawaco lại đang bị chính các công ty này từ chối thông qua hợp đồng mua bán nước.

Cụ thể, Sawaco đã không ký được hợp đồng mua bán nước với Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (từ năm 2017 tới nay) và Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (từ năm 2018 tới nay). Nguyên nhân, thẩm quyền quyết định ký kết hợp đồng của hai công ty này thuộc Hội đồng Quản trị, nhưng các thành viên Hội đồng Quản trị là người đại diện vốn góp của Sawaco tại đây đã mất quyền biểu quyết. Quyền này ở cả 2 công ty cổ phần nói trên đã rơi vào tay Công ty cổ phần Cấp nước, Cơ điện lạnh REE. Từ đó, đơn giá mua sỉ nước sạch theo ý của Sawaco không đủ số phiếu tán thành, nên không thể thông qua hợp đồng với 2 công ty cổ phần.

Đáng nói, theo Sawaco, ảnh hưởng từ sự việc của 2 công ty cổ phần trên đã tác động đến việc ký kết hợp đồng bán nước giữa Tổng công ty với các công ty còn lại. Trong khi đó, Sawaco vẫn phải thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước liên tục, an toàn cho người dân, kể cả việc vẫn phải cung cấp nước cho các công ty không ký hợp đồng mua bán nước để phân phối cho dân.

“Đây là thiệt hại lớn của Tổng công ty - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước”, đại diện Sawaco nhấn mạnh.

Cũng bởi không đàm phán điều chỉnh giá nước được với các công ty cổ phần mua nước, dẫn tới tình hình tài chính của Sawaco bị ảnh hưởng trong việc đầu tư đường ống cấp nước cấp 1, 2 và một phần đường ống cấp 3 thuộc sở hữu của Tổng công ty.

Gần 9 tỷ đồng chưa được thanh toán 

Tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) có 16 trạm vệ tinh cấp nước và Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ trực thuộc Sawaco. Với 16 trạm vệ tinh, Sawaco đã điều chỉnh giá bán nước (giá sỉ) từ năm 2018 tới nay là 5.000 đồng/m3. Mức giá này thấp hơn giá thành đến mạng cấp 3 của Tổng công ty và thấp hơn rất nhiều so với giá nước trên địa bàn huyện này.

Tới thời điểm hiện tại, có 5 trạm vệ tinh vẫn chưa đồng ý ký hợp đồng điều chỉnh giá nước với Sawaco, nên chưa chịu thanh toán công nợ do điều chỉnh giá, nhưng Tổng công ty vẫn không thể cắt nước, bởi vẫn phải cung cấp để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tính tới kỳ tháng 7/2019, tiền nước mà các trạm vệ tinh chưa trả cho Sawaco lên đến gần 9 tỷ đồng, làm ảnh hưởng tới công tác thanh quyết toán hóa đơn hàng tháng theo quy định và báo cáo quyết toán tài chính hàng năm.

Trong khi đó, việc cung cấp nước cho huyện Bình Chánh lại không hiệu quả về mặt kinh tế, do đặc thù vùng ven, vùng ngoại thành, gây lãng phí lớn tới nguồn vốn đầu tư của Tổng công ty.

Với hàng loạt khó khăn trên, Sawaco đang “khẩn cầu” cơ quan chức năng và UBND TP.HCM có giải pháp “giải cứu”.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao các sở, ngành tham mưu giải quyết việc “kêu cứu” của Sawaco

Văn phòng UBND TP.HCM vừa cho hay, liên quan việc “kêu cứu” của Sawaco, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong vừa có chỉ đạo giao các sở, ngành của Thành phố như Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường… rà soát cơ sở pháp lý, nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể để tham mưu UBND TP xử lý vấn đề. Mục tiêu là phải thực hiện được Nghị quyết của HĐND TP.HCM, đảm bảo 100% hộ dân được sử dụng nước sạch. Dự kiến, trong thời gian gần nhất, cơ quan chức năng và UBND TP.HCM sẽ có buổi họp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của Sawaco.

Hà Nội chuẩn bị rà soát các doanh nghiệp nước sạch
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn Thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư