Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Biên lợi nhuận của ngân hàng giảm do chi phí đầu vào tăng
Vân Linh - 15/12/2022 08:19
 
Tình hình thanh khoản khó khăn và áp lực chi phí tăng khiến lợi nhuận của các ngân hàng gặp khó trong quý cuối năm nay và quý đầu năm 2023.

Chi phí tăng khi lãi suất kỳ hạn lên cao

Việc tăng lãi suất quá cao trong thời gian qua được các chuyên gia đánh giá là có thể gây ra áp lực lớn cho các ngân hàng về mặt lợi nhuận. Thực tế, mức lãi suất 9,5-10,5%/năm đối với kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống đã trở nên phổ biến. Đáng chú ý, một số ngân hàng quy mô nhỏ và vừa còn đẩy lãi suất tiền gửi lên 12,5-13,5%/năm ở kỳ hạn từ 12 đến 16 tháng để hút tiền gửi.

Trước áp lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng tiếp 0,75% lãi suất trong ngày 2/11 và kế hoạch tăng tiếp trong tháng 12 này, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND được các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng. Chính điều này khiến tiền gửi không kỳ hạn (Casa) giảm.

Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, Techcombank có tỷ lệ Casa duy trì ở mức 46,5%, cao nhất toàn ngành, song đã có chiều hướng giảm nhẹ so với mức 47,5% cuối quý II/2022. MSB có tỷ lệ Casa đạt 38,25%. Tỷ lệ này của MB là 37,1%. Một số ngân hàng thương mại khác có tỷ lệ Casa cao như Vietcombank, ACB, Sacombank, VPBank, VietinBank... cũng điều chỉnh giảm nhẹ.

Lý giải giải nguyên nhân tỷ lệ Casa giảm trong 2 quý liên tiếp, lãnh đạo Techcombank cho biết, thanh khoản thị trường không dồi dào khiến Casa của cả ngành ngân hàng đều giảm và Techcombank không ngoại lệ.

Áp lực lên lợi nhuận cuối năm

Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhanh, ngân hàng sẽ phải tiết giảm chi phí để hạn chế mức tăng lãi suất cho vay. Ngân hàng buộc chấp nhận hy sinh lợi nhuận khá nhiều, bởi hiện nay, có đến 80% thu nhập ngân hàng đến từ thu lãi thuần từ cho vay.

Đáng chú ý là, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng sẽ được phân bổ các mức tín dụng khác nhau, tùy khả năng thanh khoản của mỗi ngân hàng cũng như việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Thực tế, tháng 12/2022, một số ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất cho vay trên dưới 1% như Vietcombank, Agribank, HDBank, ACB, MB… Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi chậm, chi phí vốn tăng và chất lượng tài sản bắt đầu suy giảm là những yếu tố làm giảm lợi nhuận ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Vì thế, theo đánh giá của các chuyên gia ACBS, việc giảm lãi suất cho vay trong 2 tháng cuối năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế của một số ngân hàng sẽ tác động tiêu cực lên biên lãi ròng (NIM) trong quý IV/2022.

Thực tế, trong quý III/2022, xu hướng tăng lãi suất bắt đầu có tác động rõ nét hơn đến chi phí vốn và lợi suất tài sản của ngân hàng. NIM của các ngân hàng vẫn được giữ ở mức ổn định do lãi suất cho vay tăng khá tương đồng với lãi suất huy động. Nhưng sang quý IV/2022, lãi suất tiền gửi tăng nhanh, khiến NIM ngân hàng bị tác động.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, sau động thái nâng lãi suất điều hành của NHNN, áp lực từ chi phí vốn của ngân hàng sẽ tăng.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Trần Hùng Sơn, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, để ổn định được tỷ giá, NHNN đã phải 2 lần tăng lãi suất điều hành trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, lộ trình tăng lãi suất USD của Fed sẽ chưa dừng lại, nên NHNN có thể điều chỉnh tăng lãi suất điều hành trong thời gian cuối năm, vì đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Room tín dụng “hẹp”, lợi nhuận ngân hàng thêm mỏng
Dưới áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra quan điểm thận trọng về nới room tín dụng sẽ khiến các ngân hàng phải co kéo cho vay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư